Chủ tịch Fed Powell và cơ hội tái định hình kỳ vọng thị trường tại Jackson Hole

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Người đứng đầu Ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Jackson Hole trong bối cảnh lạm phát cao và nhà đầu tư lạc quan về việc Fed sẽ tăng chậm lãi suất thời gian tới.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đứng trước cơ hội tái định hình tại kỳ vọng của nhà đầu tư trên các thị trường tài chính khi các quan chức của cơ quan này cũng như toàn cầu nhóm họp tại Hội nghị thường niên Jackson Hole.

Ông Powell sẽ có bài phát biểu quan trọng về triển vọng nền kinh tế Mỹ vào 10h00 sáng ngày 26/8 (theo giờ Washington) và được dự báo sẽ tiếp tục khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát dù ông có thể sẽ không đưa ra nhiều dự báo về mức tăng lãi suất mà Fed sẽ thực hiện trong kỳ họp tháng tới.

Ông Powell chưa có phát biểu nào kể từ sau kỳ họp tháng 7. Ảnh: Reuters.
Ông Powell chưa có phát biểu nào kể từ sau kỳ họp tháng 7. Ảnh: Reuters.

Bài phát biểu của ông Powell chính là tâm điểm của diễn đàn kinh tế kéo dài ba ngày (từ 25-27/8) tổ chức tại bang Wyoming bởi Fed Kansas. Đây là một sự kiện uy tín, từng được nhiều đời chủ tịch Fed sử dụng là nơi để thông báo những định hướng chính sách quan trọng, quy tụ nhiều nhà hoạch định chính sách cấp cao trong nước và toàn cầu. Ủy viên Ban điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel cũng sẽ phát biểu tại hội nghị trong ngày 27/8. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ có mặt tại hội nghị tuần này.

Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh kể từ sau cuộc họp cuối tháng 7 trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu tăng chậm lãi suất trong kỳ họp tiếp theo, bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng bắt đầu suy giảm. Nhà đầu không hề tỏ ra nao núng dù một số quan chức của Fed liên tục khẳng định cuộc chiến đối với lạm phát sẽ không sớm kết thúc.

Hội nghị chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ năm 2019. Trong năm 2021, hội nghị này phải thay đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến chỉ vài ngày trước thời điểm khai mạc do biến chủng Delta lây lan mạnh trên phạm vi toàn nước Mỹ. Tại thời điểm đó, lạm phát đã vượt qua ngưỡng mục tiêu 2% nhưng trong bài phát biểu của mình, ông Powell vẫn nhấn mạnh rằng những áp lực lạm phát chỉ mang tính chất thời điểm và tập trung vào một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định.

Một năm sau, lạm phát hiện ở đỉnh bốn thập kỷ và ông Powell đã phải lên tiếng thừa nhận rằng những phân tích của Fed là sau lầm và họ nên tăng lãi suất sớm hơn. Dù báo cáo mới nhất mang lại đôi chút lạc quan rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh, ông Powell vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn, theo Kevin Cummins, Kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại NatWest Markets, có trụ sở tại Stamford, Connecticut.

“Họ sẽ không sớm từ bỏ chiến lược siết chặt chính sách tiền tệ một phần là bởi họ đã chậm chân và khiến mọi thứ trở thành một mớ hỗn độn vì quan điểm ‘lạm phát tạm thời’, và con đường duy nhất mà họ có thể đi là siết chặt chính sách tiền tệ”, Cummins nhận định.

Trong kỳ họp tháng 7, Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất từng được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Hiện tại, nhà đầu tư nhận định phương án tăng lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 9 tới có xác suất xảy ra cao nhất. Tuy nhiên, dữ liệu việc làm và lạm phát tháng 8 sẽ đóng vai trò quyết định trong việc Fed sẽ lựa chọn phương án nào.

Fed đẩy mạnh siết chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao. Ảnh: Bloomberg.
Fed đẩy mạnh siết chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao. Ảnh: Bloomberg.

Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách cũng đối diện với vấn đề tương tự. ECB chậm chân hơn các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong cuộc chiến với lạm phát và mới chỉ bắt đầu tăng lãi suất trong tháng 7. Sau khi tăng lãi suất 0,5% trong kỳ họp trước, các nhà hoạch định chính sách của ECB vẫn chưa phát đi bất cứ tín hiệu nào về phương án tăng lãi suất trong tháng 9 khi mà châu Âu đối diện với nguy cơ suy thoái ngày một cao.

Với tư cách là thành viên Ủy ban điều hành ECB duy nhất tham gia Hội nghị Jackson Hole, phát biểu của bà Schnabel sẽ được coi là quan điểm chính thống của cơ quan này về lộ trình chính sách thời gian tới khi họ phải đối mặt với một loạt các vấn đề từ ngắn hạn như lạm phát và đà chậm lại của nền kinh tế cho tới dài hạn như biến đổi khí hậu.

Và chắc chắn, nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm tới thời điểm Fed, cũng như các ngân hàng trung ương khác, dừng tăng lãi suất.

Esther George, Chủ tịch Fed Kansas, đơn vị tổ chức Hội nghị Jackson Hole, nhận định phương án tăng lãi suất cao hay thấp sẽ không làm thay đổi quan điểm tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ của Fed, cho tới khi họ “cảm thấy thuyết phục” rằng lạm phát đang suy giảm.

“Fed sẽ tăng lãi suất tới ngưỡng nào? Tôi cho rằng chúng ta sẽ không sớm có câu trả lời. Nhưng tôi nghĩ, cũng như những gì mà mọi người được nghe thời gian gần đây, Fed cần nhìn thấy những bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang suy giảm một cách bền vững”.

Theo NDH