Trự sở Fed tại Washington (Ảnh: Bloomberg)
Trự sở Fed tại Washington (Ảnh: Bloomberg)

E-magazine [ĐỌC CHẬM] Đằng sau niềm tin vào 'Fed put' của Phố Wall

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sự phục hồi của thị trường chứng khoán phản ánh niềm tin của nhà đầu tư rằng lạm phát đã đạt đỉnh và lãi suất sẽ giảm xuống trong vài năm tới. Tuy nhiên, các quan chức Fed đang cố gắng phủ nhận điều này.

Các thị trường từng suy giảm do các đợt tăng lãi suất của Fed trong nửa đầu năm nay giờ đang lấy lại đà tăng.

Chỉ số S&P đã tăng 17% so với mức thấp vào trung tuần tháng 6/2022. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm – thường giúp thiết lập lãi suất đối với các khoản vay như vay thế chấp, vay sinh viên – đã giảm hơn một nửa điểm phần trăm kể từ giai đoạn đỉnh cao tháng 6. Ngay cả tiền mã hóa cũng tăng giá dù đang trải qua "mùa đông crypto" đầy khắc nghiệt.

Đối với nhiều nhà đầu tư, sức bật này phản ánh niềm tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh, và kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm tới.

Vậy nhưng, rất nhiều quan chức của Fed đã bác bỏ sự suy đoán này. “Có một sự một sự thiếu kết nối giữa tôi và các thị trường,” Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari, nói trong tuần trước.

Ông cho rằng, kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tới là phi thực tế. Có khả năng cao hơn là Fed sẽ “tăng lãi suất tới một điểm nào đó, và sau đó sẽ dừng ở đó cho đến khi họ bị thuyết phục rằng lạm phát đang trên đường trở về mức 2%,” ông Kashkari nhận định.

Nếu Fed làm đúng như vậy, các thị trường có khả năng sẽ đối mặt với một hậu quả đau đớn – đủ để quét sạch phần lớn đà tăng mới đây và mở rộng chuỗi ngày bất ổn đối với các nhà đầu tư, từ các thương nhân bán lẻ, các quỹ phòng hộ cho tới quỹ hưu trí.

“Chúng tôi nghĩ rằng thị trường đang tự đi trước,” Wei Li, chiến lược gia đầu tư trưởng tại BlackRock Inc., nhận định.

Các thị trường đi lên cũng khiến cho công việc của Fed trở nên khó khăn hơn. Giá cổ phiếu và trái phiếu tăng đã nới lỏng các điều kiện tài chính kể từ sau cuộc họp trong tháng 6 của Fed. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới mục tiêu của Fed trong việc giảm chi tiêu và kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất đủ để thắt chặt dòng tiền trong nền kinh tế.

“Cần phải tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính. Đó là toàn bộ vấn đề", Marc Sumerlin, cựu cố vấn kinh tế cấp cao cho Tổng thống George W. Bush, hiện là đối tác quản lý tại công ty tư vấn kinh tế EventFlow Macro, nói.

Trong mọi trường hợp mà Fed thừa nhận rằng lạm phát đang giảm, thì thị trường đều đi lên. Điều này có thể dẫn tới các điều kiện tài chính còn được nới lỏng hơn nữa, làm chậm nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed, Jason Draho, người đứng đầu bộ phận phân phối tài sản thuộc tổ chức UBS Global Wealth Management, nói.

“Tình hình hiện tại cứ như thể các bạn đang xóa bỏ rất nhiều công việc khó khăn mà Fed đã thực hiện trong năm nay để làm chậm lại nền kinh tế,” ông Draho nói.

Niềm tin vào "Fed put"

Để hiểu được làm thế nào mà Fed và thị trường thiếu tính gắn kết như vậy, góc nhìn từ quá khứ có thể làm sáng tỏ một phần.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư đã đặt trọn niềm tin của họ vào cái gọi là “Fed put”, ám chỉ niềm tin rằng khi các thị trường suy giảm đáng kể, Fed sẽ giảm lãi suất, mua trái phiếu hoặc tăng thanh khoản trong hệ thống tài chính.

Niềm tin này bắt nguồn từ những năm 1980. Chủ tịch Fed lúc bấy giờ, ông Alan Greenspan, đã nhanh chóng giảm lãi suất trước những biến động đột ngột như sự kiện Black Monday (Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán) năm 1987, khủng hoảng tài chính Nga dẫn tới sự sụp đổ của quỹ phòng hộ Long Term Capital Management năm 1998, hay đợt bùng nổ dot-com đầu những năm 2000.

Vào thời điểm ông Greenspan rời khỏi Fed vào năm 2006, các nhà đầu tư đã bắt đầu có niềm tin rằng Fed sẽ luôn có mặt để yểm trợ họ trong những thời điểm bất ổn.

Chủ tịch Fed Alan Greenspan điều trần trước một ủy ban Thượng viện vào năm 1987 (Ảnh: Getty)

Chủ tịch Fed Alan Greenspan điều trần trước một ủy ban Thượng viện vào năm 1987 (Ảnh: Getty)

Trong phần lớn năm nay, "Fed put" đã bị ngờ vực. Họ đã nâng lãi suất trong tháng 3 và đánh tín hiệu sẽ tiếp tục tăng với nhịp độ nhanh hơn để chống lạm phát. Thị trường chứng khoán Mỹ đã hứng chịu nửa đầu năm tồi tệ nhất trong năm nay, tính từ 1970. Trái phiếu trong điểm đầu tư (trái phiếu IG) cũng có nửa đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử.

Và rồi một sự kiện không ngờ tới xuất hiện. Các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng Fed một lần nữa đến giải cứu họ, mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.

Trong tháng 6, Fed bỏ phiếu để nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1994 – và được cho là tin xấu đối với các thị trường. Nhưng giới đầu tư vẫn cố tin tưởng vào lời mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tại một cuộc họp báo tổ chức trước cuộc bỏ phiếu. Vị chủ tịch nói rằng ông hiểu mức tăng lãi suất này “là bao bất thường”, nhưng nó sẽ không trở thành thường lệ.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, chỉ số S&P tăng 1,5% sau đó.

Và rồi đến cuộc họp báo tổ chức ngày 27/7, ông Powell cố gắng lấy lại sự cân bằng giữa các tuyên bố mà ông đưa ra trước đó về lạm phát cao, cùng lúc nói rằng Fed kỳ vọng sẽ thấy được tín hiệu cải thiện để họ sẽ không phải tiếp tục tăng lãi suất lên trên 4% hoặc 5%. Phố Wall tin rằng lời của ông Powell có nghĩa là, Fed cởi mở với khả năng giảm nhịp độ tăng lãi suất.

Cuối ngày hôm đó, chỉ số S&P tăng 2,6%. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,1%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong vòng hơn 2 năm.

Nhiều nhà giao dịch đã rút khỏi các khoản đặt cược vào lạm phát kéo dài. Tỷ lệ hòa vốn 5 năm, được xem như đại diện cho lòng tin của nhà giao dịch rằng lạm phát sẽ kéo dài trong 5 năm tới, đã giảm xuống còn 2,6% từ mức cao 3,6% trong tháng 4. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố trong tháng này cho thấy lạm phát đã giảm nhẹ trong tháng 7, nhưng vẫn rất gần với mức cao nhất tính từ tháng 11/1981.

Một số nhà phân tích hàng đầu của Phố Wall đã cảnh báo về việc “đọc hiểu” quá nhiều về đà tăng mới đây trên thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Washington (Ảnh: Shutterstock)

Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Washington (Ảnh: Shutterstock)

Mike Wilson, trưởng chiến lược gia tài sản kiêm Giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley, dự báo rằng chỉ số S&P 500 sẽ rơi vào khoảng 3900 vào kết thúc năm nay, giảm 8,8% so với hôm thứ Tư vừa qua. Tại Bank of America Corp., Savita Subramanian, người đứng đầu bộ phận chiến lược tài sản và định lượng ở Mỹ, dự báo rằng S&P 500 sẽ dừng ở mức thậm chí còn thấp hơn vào kết thúc năm nay – 3600, giảm 16% so với hôm thứ Tư.

Những người hoài nghi về đà tăng này nói rằng, ngay cả khi lạm phát đã đạt đỉnh, nó khó có khả năng giảm xuống nhanh đến mức đủ để Fed phản ứng nhanh như kỳ vọng của các thị trường.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed – chỉ tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – đã tăng 6,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số vượt xa mức mục tiêu của Fed và là mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 1/1982. Giới đầu tư sẽ nhận được dữ liệu của tháng 7 trong tháng này.

“Thị trường vẫn đang nghĩ về cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn so với mức mà chúng tôi nghĩ,” ông Li nói. “Chúng tôi thấy rằng Fed đến cuối cùng sẽ đi theo hướng đó, nhưng không nhiều như thị trường kỳ vọng.”

Một thách thức mà cả hai phía đều phải đối diện là, Fed dường như không có đủ sự tự tin vào khả năng dự báo lạm phát một cách chính xác, điều này khiến cho người ta rất khó dự đoán thời điểm mà Fed sẽ ngừng nâng lãi suất.

“Hiện tại, chúng ta đã nhận thức được rằng chúng ta hiểu biết ít về lạm phát như thế nào,” ông Powell nói trong một diễn đàn được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức trong tháng 6.

Các nhà kinh tế học không làm việc cho Fed hiện vẫn đang tranh cãi về việc Fed nên kiềm chế lạm phát đến mức nào. Một phe nói rằng ngay cả khi lạm phát giảm trong vòng 12 tháng tới thì vẫn có thể ở mức trên 4%, mức độ mà phần lớn giới chức Fed sẽ coi là mức không thể chấp nhận. Điều này sẽ khiến Fed gặp khó trong việc giảm lãi suất tới mức có lợi cho các thị trường trong những năm gần đây.

Một số nhà kinh tế học ngờ rằng Fed đang chưa rõ ràng về việc họ tin lãi suất cần phải nâng đến mức nào để kiềm chế lạm phát xuống mức 2%.

Phe còn lại thì cảnh báo rằng Fed – do đã bị phen hổ thẹn vì chờ đợi quá lâu mới nhập cuộc trong năm ngoái – sẽ mắc lỗi vì thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhiều. Phe này tin rằng mức lạm phát tăng mạnh hiện nay là hậu quả của những cú sốc toàn cầu, chứ không phải do thị trường lao động Mỹ quá nóng.

Niềm tin của giới đầu tư đối với “Fed put” đã được củng cố trong những năm gần đây. Các thị trường từng suy giảm trong năm 2018, cũng là thời điểm mà Fed tăng lãi suất đến 4 lần, và các nhà đầu tư lo lắng về việc Fed ngừng các chính sách nới lỏng tiền tệ. Khi Fed ngừng tăng lãi suất và sau đó chuyển sang giảm lãi suất trong năm sau đó, thị trường cổ phiếu bắt đầu tăng trở lại.

Thị trường suy giảm một lần nữa vào tháng 3/2020 sau khi đại dịch COVID-19 “đóng cửa” nền kinh tế trên toàn thế giới. Thị trường giảm sát đáy trong tháng đó, và tăng trở lại sau khi Fed giảm lãi suất và khởi động lại chương trình mua trái phiếu.

“Thực tế Fed rất mạnh tay ở thời điểm hiện tại không nghĩa là họ sẽ từ bỏ hướng tiếp cận này trong vài tháng tới. Điều này đã xảy ra hết lần này đến lần khác", Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia đầu tư đến từ hãng The Leuthold Group ở Minneapolis, nói.

Nhưng trong những trường hợp gần đây, khi Fed giảm lãi suất, họ vẫn gặp khó trong việc đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Các nhà đầu tư và giới chức Fed cuối cùng vẫn phải đối mặt với cùng một loại rủi ro tăng trưởng. Khi lạm phát tăng cao, trường hợp này không còn đúng nữa.

Nếu Fed tiếp tục kiên trì với kế hoạch của họ, các thị trường có thể bị đẩy vào thế khó. Đầu năm nay, hãng Goldman Sachs Group Inc. công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường cổ phiếu đã giảm ít nhất 15% trong 17 lần tính từ năm 1950 đến nay. 11 lần trong số đó, thị trường chỉ chạm đáy trong khoảng thời gian Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Paulsen tin rằng khả năng tiếp tục tăng lãi suất đã thấp đi. Nhưng ông nhận thức được rằng, việc cố gắng dự đoán xem Fed sẽ phản ứng ra sao với lạm phát trong những tháng tới đây là gần như bất khả thi.

“Thực tế là ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang đặt niềm tin vào Fed,” ông nói./.

Nguồn: Wall Street Journal