Trong thời gian từ 8h đến 11h ngày 31/5/2022, hơn 200 giảng viên và học viên trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đà Nẵng) đã được nghe tiến sĩ Lê Doãn Hợp nói chuyện về thời đại 4.0, một số tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến kinh tế - xã hội của Việt Nam và việc triển khai ứng dụng vào thực tiễn lãnh đạo, quản trị Đại học.
"Một trong những đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0 là toàn cầu hóa. Với 5 nội dung cốt lõi: Công dân toàn cầu; Nhân lực toàn cầu; Thị trường toàn cầu; Doanh nghiệp toàn cầu và Ngôn ngữ toàn cầu", ông Lê Doãn Hợp chia sẻ
"Công dân toàn cầu là tìm việc làm, tạo ra sản phẩm do cung cầu trong nước và thế giới. Nhân lực toàn cầu là lao động trong nước phải tự tin, chủ động vươn ra thích ứng với nhu cầu quốc tế. Ngược lại khi lao động trong nước chưa đáp ứng thì nên thuê lao động có chất lượng cao của thế giới thay thế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa cử cán bộ trong quy hoạch tiếp cận học hỏi, vừa được trước mắt vừa được lâu dài. Bài học Vietnam Airlines thuê phi công nước ngoài, Tập đoàn Vingroup thuê chuyên gia công nghệ quốc tế sản xuất ô tô Vinfast đã chứng minh rất rõ.
Thị trường toàn cầu là chúng ta ngồi một chỗ nhưng tác nghiệp, ứng dụng, kết nối với cả thế giới để chọn việc làm, tìm kiếm lợi ích cho mình, cho dân tộc mình trên bình diện quốc tế, cơ hội rất lớn, mặt bằng tác nghiệp rộng mở hơn nhiều.
Toàn cảnh buổi thảo luận chuyên đề |
Doanh nghiệp toàn cầu là doanh nghiệp Việt phải vươn thành doanh nghiệp quốc tế thì đất nước mới giàu mạnh. Tập đoàn FPT, Viettel, cà phê Trung Nguyên vv... là minh chứng.
Ngôn ngữ toàn cầu là hợp tác với nước nào phải có vốn ngoại ngữ, văn hóa, luật pháp nước đó, trong đó ưu tiên số một là tiếng Anh, thì mới tự chủ, tự tin hợp tác và thành công".
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp nói thêm rằng sự nghiệp của những người làm truyền thông Việt Nam là tập hợp ánh sáng và văn minh của đất nước và nhân loại, tổng hợp, phân loại và đưa đến cho người đọc nhanh nhất. Đây chính là sứ mệnh của báo chí, đưa ánh sáng đến cho mọi người, bởi nâng cấp con người phải bằng ánh sáng văn minh của thời đại.
"Thời đại công nghệ 4.0 có rất nhiều lợi thế. Nếu như thế kỷ 20, để làm truyền hình thì phải cần đến cả một ekip và một xe ô tô chở thiết bị đi kèm mới làm được thì trong thế kỷ 21, thời đại ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể một mình vừa làm báo hình, báo nói, báo viết, báo ảnh, video clip... Tóm lại, trong chiếc smartphone có tất cả những gì ta cần, phải biết khai thác triệt để các tính năng trên điện thoại thông minh để phục vụ cho mọi người, mọi nhà trong thời đại ngày nay", tiến sĩ Lê Doãn Hợp nói.
"Thời đại bây giờ nên đọc báo in để biết Đảng, nhưng phải chịu khó đọc báo mạng để hiểu dân. Một người muốn thành công, có tư duy đúng, nhận thức và hành động đúng phải là người đọc cả hai".
Giảng viên, học viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn lắng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp |
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp cho rằng cán bộ Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn cần hội đủ 3 tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. "Trong thực tiễn có lúc, có việc, có nơi, người tốt chưa đủ tỷ lệ áp đảo người không tốt. Vì thế rất cần người lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập lại trật tự kỷ cương. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế của một quốc gia, hay nói một cách gần hơn đó là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Nó mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức và khó khăn", ông Lê Doãn Hợp chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp (thứ 2 bên phải) và Ban giám hiệu Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn |
Buổi nói chuyện chuyên đề đã giúp các giáo viên, học viên, cán bộ công chức trong toàn trường nâng cao trách nhiệm trong việc học tập và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức vào năng lực quản lý lãnh đạo, quản trị trong thời kỳ mới, thời đại CN 4.0, sự phát triển kinh tế ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng và cả nước nói chung.