PV: Thưa Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, được biết vừa qua Bộ TT&TT đã có đợt điều chuyển 13 cán bộ Lãnh đạo các đơn vị. Có thể nói đây là đợt điều chuyển cán bộ lãnh đạo lớn nhất từ trước đến nay. Với tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông có bình luận gì về sự kiện này?
TS Lê Doãn Hợp: Quan điểm của Đảng ta hiện nay về công tác cán bộ được quy định rất rõ trong Nghị quyết số 26-NQ/TW: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Đặc biệt phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 26 đã nêu rất cụ thể: Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau…
Về vấn đề mà phóng viên quan tâm tôi có cảm nhận như sau: Bộ TT&TT vừa có cuộc luân chuyển nhiều cán bộ lãnh đạo các đơn vị, Nhìn tổng thể đây là việc làm cần thiết, hy vọng sẽ đưa lại nhiều kết quả tốt trong tương lai.
Theo tôi, việc luân chuyển cán bộ có 5 ưu điểm:
Thứ nhất, việc luân chuyển để rút được nhiều cán bộ lãnh đạo ra khỏi các đơn vị cũ vì ở đó lâu sẽ nhàm chán, an bình và thỏa mãn, dễ điều hành đơn vị theo chủ nghĩa kinh nghiệm nhiều hơn.
Thứ hai, đưa cán bộ đến môi trường mới, tạo cơ hội để cán bộ lãnh đạo các đơn vị có tính sáng tạo, cống hiến và trưởng thành nhanh và toàn diện hơn.
Thứ ba, cùng một lúc giúp cho nhiều cán bộ có cơ hội mới để phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình hoàn thiện cá nhân ngày một tốt hơn.
Thứ tư, đây là cơ sở để đánh giá cán bộ nhờ được kinh qua đơn vị mới, qua đó có thể lựa chọn và đào tạo được những cán bộ có triển vọng phát triển cao hơn.
Thứ năm, việc luân chuyển sẽ tạo xu thế chung cho mọi cán bộ lãnh đạo phải năng động, sáng tạo để được ghi nhận đánh giá tốt, chống chủ nghĩa kinh nghiệm, cầm chừng “nghỉ dưỡng” “hưởng thụ” khi đã làm quen với công việc cũ.
Bên cạnh những ưu điểm như tôi đã nói ở trên, theo tôi khi thực hiện luân chuyển cũng cần quan tâm 3 việc:
Thứ nhất, khi luân chuyển cán bộ cấp trên cần phải dày công làm công tác tư tưởng cho từng người cũng như tập thể để cán bộ nhận thức đúng phấn khởi đón nhận nhiệm vụ mới, có hưng phấn mới, sáng tạo mới, kết quả mới.
Thứ hai, mỗi cán bộ có thể làm được nhiều việc, nhưng làm giỏi rất ít việc. Nếu việc đó phù hợp với năng khiếu, sở trường, đào tạo và môi trường thực tiễn thì mới có đỉnh cao .Vì vậy khi luân chuyển cần lựa chọn cán bộ phù hợp với nhiệm vụ mới để có kết quả cao hơn (trừ trường hợp cần đào tạo toàn diện để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ cấp trên cao hơn).
Thứ ba, cần chốt số liệu khi đưa cán bộ điều chuyển về đơn vị mới đến, để hàng năm so sánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ cho từng cán bộ từ đó có phương án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhận nhiệm vụ cao hơn hoặc thay thế kịp thời khi có dấu hiệu sa sút trì trệ.
Theo ông ngoài công tác cán bộ trong thời gian tới Bộ TT&TT nên tập trung những vấn đề cốt lõi nào?
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp: Cùng với công tác cán bộ, Bộ TT&TT cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tận dụng thành quả của khoa học công nghệ dồn sức đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách với các nội dung chính: Ban hành các văn bản mới thay thế cho các văn bản cũ để phát triển nhanh hơn. Thay đổi cơ chế tập trung quản lý sang cơ chế vừa có thể quản lý tốt vừa có thể hỗ trợ các doanh nghiệp làm giàu chính đáng.
Thứ hai, tập trung cao nhiệm vụ then chốt mang tính thời đại như kinh tế số, công nghiệp 4.0, công nghệ 5G để đi tắt đón đầu tiến kịp xu thế tiến bộ của thế giới.
Thứ ba, quan tâm đến công tác cải cách hành chính bằng ứng dụng CNTT, tập trung hai vấn đề lớn nhất: Chính phủ điện tử và Thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ tư, quan tâm hoạt động bưu chính theo phương thức phục vụ tại gia cho 24 triệu hộ gia đình, đáp ứng đầy đủ mong muốn của mọi công dân.
Thứ năm, đổi mới công tác xuất bản, từ xuất bản sách sang xuất bản điện tử, nâng tầm của đội ngũ làm công tác xuất bản từ xếp chữ sang chọn chữ để ngành xuất bản thực sự là tổng kho tri thức của quốc gia và thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thứ sáu, đổi mới công tác truyền thông theo 3 hướng chính:
- Truyền thông về khát vọng làm giàu chân chính để chấn hưng đất nước thay cho truyền thông xóa đói giảm nghèo, phải hiểu làm giàu nhanh chính là xóa đói giảm nghèo mau.
- Truyền thông vì mục tiêu khen đúng chê đúng. Khen để phát huy, chê để sửa chữa. Thông tin Truyền thông phải là cánh chim báo bão cỗ vũ toàn dân vượt khó vì mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Đất nước bình yên.
- Truyền thông nhằm cỗ vũ động viên và tập hợp lực lượng vì khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường sớm sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
PV: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Doãn Hợp