Chống dịch như chống giặc
Ta hay nói chống dịch như chống giặc, có lẽ chỉ đúng với ý chí tinh thần như đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, vượt khó để chiến thắng dịch như chiến thắng giặc. Còn trên thực tế chống dịch và chống giặc có rất nhiều điểm khác nhau. Có những mặt chống dịch còn phức tạp, khó khăn hơn cả chống giặc.
Ví dụ cuộc chiến tranh nào cũng có quy luật. Chiến tranh chống Mỹ quy luật càng rõ hơn. Ta nắm chắc quy luật né tránh để tiến, để lùi, để đánh để thắng. Một số ví dụ để chứng minh: Trước khi Mỹ đánh B52 thì cho máy bay F111 cắt đo độ gió 3 lần. Lập tức ta chọn một trong hai phương án là di chuyển hoặc đào hầm vì sau đó 4 đến 5 tiếng B52 mới rải bom. Ở lại thì phải ngủ hầm mấy khi bom trúng miệng hầm, nếu trúng, chúng tôi gọi là “cò ỉa miệng chai” hiếm lắm. Trước khi Mỹ đổ quân thì dọn bãi, Mỹ hành quân thì bom pháo mở đường. Mỹ đóng quân ở đâu thì từ hàng rào rộng ra 500m luôn an toàn, nên đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới nói "bám sát thắt lưng địch mà đánh", vừa an toàn vừa hiệu quả.
Khi ta phòng ngự cần chờ cho lính Mỹ vào sát công sự mới bắn, có lính Mỹ chết thì cả ngày không có bom pháo bắn vào, ta an toàn. Có bắn cũng chỉ là đạn giấy, vì Mỹ luôn bảo vệ lính của họ kể cả lúc đang sống và lúc đã chết. Pháo bầy dừng bắn thì sau loạt đạn đầu chúng ta nhảy xuống hố pháo gần nhất để ngồi là an toàn, vì pháo Mỹ không bao giờ bắn lại hố pháo cũ.
Trong khi chống dịch gần như không rõ quy luật, hoặc có mà ta chưa phát hiện ra nên khó hơn nhiều. Đánh Mỹ ta hoàn toàn tự chọn đánh đâu, đánh lúc nào, rút về đâu ta đều chủ động. Chống Covid ta luôn bị động khó lường.
Đánh Mỹ ta có tiền tuyến, hậu phương. Hậu phương gần, hậu phương xa, hậu phương lớn, hậu phương nhỏ. Chống dịch lại diễn ra một lúc ở nhiều nơi. Những nơi còn lại đều bị giãn cánh phong tỏa, điều kiện chi viện, giúp nhau khó hơn nhiều.
Tóm lại chống dịch và chống giặc hoàn cảnh, điều kiện rất khác nhau, đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo, bám thực tiễn để chống và xây có hiệu quả cao nhất.
Thực tiễn và những bài học rút ra
1. Coi trọng địa bàn cơ sở
Qua thực tiễn chống dịch lần thứ tư này, chúng ra mới nhận ra địa bàn cơ sở (xã, phường, thị trấn) cực kỳ quan trọng. Ngày xưa nhà vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã xây dựng 5 tiêu chuẩn để chọn Lý trưởng là "Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín."
Các triều đại phong kiến nhận thức rằng: Làng xã yếu là triều đình yếu. Lý trưởng mất lòng dân sẽ làm cho nhà Vua bất tín nhiệm với dân. Nguyên lý này vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay. Thực tiễn đã chứng minh xã yếu là huyện yếu, tỉnh yếu, vì xã là đơn vị cơ sở của hệ thống chính trị quốc gia. Xã vươn lên làm được những việc huyện mong, tỉnh cần, quốc gia trông đợi là may mắn và diễm phúc. Ngược lại, huyện, tỉnh thậm chí Trung ương phải xuống làm thay xã là bất lực, thậm chí là bất hạnh. Vì thế phải dồn sức chăm lo địa bàn cơ sở, nếu không mất niềm tin của dân là mất rất lớn.
Địa bàn xã của chúng ta qua đại dịch này xuất hiện nhiều vấn đề chưa ổn, không vui. Ngay cả đồng tiền trợ cấp muốn đến đúng đối tượng và đúng địa chỉ cũng thông qua cán bộ cơ sở. Chỉ có xóm xã, khối phường mới biết hộ nào đói, hộ nào nghèo, hôm nay hộ nào không có ăn, ngày mai hộ nào hết gạo, hết tiền. Nếu để cấp trên xuống làm thay cơ sở, vì thiếu thông tin nên dễ làm sai. Bài học đặt ra là chúng ta phải củng cố địa bàn cơ sở nếu không mất dân là mất tất cả.
2. Quan tâm đến lực lượng nòng cốt
Qua chống đại dịch Covid 19 lần thứ 4 này chúng ta nhận rõ 3 ngành chủ công là: Y tế, Quân đội và Công an. Chăm lo cho ngành chủ công về chuyên môn là Y tế để đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng phải xây dựng 2 ngành nòng cốt là Quân đội và Công an để tiên phong làm tròn mọi việc khi Đảng cần dân mong. Là người đi từ địa phương ra Trung ương, tôi có thể nói rằng: Khi diễn tập thì chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và Nhà nước chỉ còn rõ nhất là Quân đội và Công an. Quân đội ta là Quân đội Nhân dân, Công an của ta là Công an Nhân dân, nên làm tất cả vì dân là cần thiết và đúng đắn.
3. Nhìn rõ hơn trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp
Điều đáng vinh danh nhất trong đại dịch này là doanh nghiệp, doanh nhân. Trải qua khó khăn của đại dịch, Văn hóa Doanh nhân càng tỏa sáng. Doanh nhân đã đóng góp hàng ngàn tỉ đồng vào quỹ vaccine, hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ các bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ, công an nơi tuyến đầu chống dịch và giúp nông dân, công nhân, thị dân duy trì cuộc sống. Hàng trăm tỉ để hỗ trợ vé máy bay, vé tàu hỏa, vé ô tô, tiền ăn, tiền đi đường cho công nhân về quê. Hàng chục tỉ ở mỗi tỉnh giúp các địa phương ổn định nơi cách ly, chống dịch và ổn định đời sống cho công nhân khi trở về với gia đình.
Hội doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ tỉnh Hải Dương 2000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 |
Doanh nhân và doanh nghiệp đã và đang làm 5 nhiệm vụ vẻ vang cho nhân dân và đất nước: Thứ nhất, doanh nhân cùng với hộ gia đình là 2 lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất cho xã hội. Thứ hai, doanh nhân là lực lượng chủ lực nộp ngân sách để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Thứ ba, doanh nhân là lực lượng nòng cốt thực thi các chính sách từ thiện, nhân đạo quốc gia. Thứ tư, doanh nhân là lực lượng đi tiên phong trong công cuộc liên kết, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ năm, doanh nhân là đội ngũ cán bộ được đào luyện qua sản xuất, kinh doanh để đào tạo nhân tài cho công cuộc chấn hưng kinh tế của đất nước. Vì thế chúng ta phải lo cho doanh nhân, là lo cho sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia.
4. Đại dịch Covid 19 là cơ hội vàng cho ứng dụng CNTT
Chính vì đại dịch Covid đã buộc tất cả chúng ta phải ứng dụng CNTT tốt hơn, xử lý các vấn đề qua CNTT nhiều hơn; ứng dụng kết nối và lan tỏa nhờ CNTT nhanh và phong phú hơn. Mọi người nhận thấy CNTT cần cho mình, cho công việc của mình tốt hơn. Vấn đề cần làm là ứng dụng CNTT phải đồng bộ, phải nhất quán, phải thống nhất và thông suốt trong chỉ huy và thực thi để đạt kết quả như mong muốn.
5. Đại dịch và niềm tin
Đại dịch là phép thử khắc nghiệt đối với toàn bộ hệ thống công quyền của chúng ta. Mọi cấp phải tự rút ra bài học để thực thi trách nhiệm của mình với dân tốt hơn. Trong khó khăn, ác liệt, những mệnh lệnh chỉ huy phải trí tuệ, trách nhiệm, đúng đắn, nhất quán và thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Mệnh lệnh gì cũng sát với thực tiễn và hợp lòng dân. Lenin đã nói: “UBND các cấp là cơ quan Trung ương đóng tại địa phương”. Không thể một chủ trương mà mỗi cấp mỗi khác.
Hai đợt công nhân ở TPHCM và các tỉnh miền Nam chạy về quê là hai thực tiễn khác nhau. Lần 1 (tháng 6/2021) là chạy về quê vì sợ chết dịch. Lần 2 (tháng 10/2021) là chạy về quê vì sợ chết đói. Hai hoàn cảnh phải có hai giải pháp khác nhau. Nhưng tựu trung là chăm lo cho cuộc sống, niềm tin và hy vọng của dân. Làm sao để cấp cơ sở nói gì dân cũng tin. Đúng như 5 tiêu chuẩn chọn lý trưởng của nhà vua Lê Thánh Tông mà tôi đã nói ở trên, mà tiêu chuẩn quan trọng nhất trong nhìn nhận của nhân dân là “Ngôn ngữ khả tín”. Tạo niềm tin cho dân là tài đức lãnh đạo của tất cả bộ máy công quyền các cấp, bắt đầu từ cấp cơ sở.
6. Nghĩ sâu hơn việc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung
Đại dịch Covid vừa xảy ra chủ yếu ở những địa phương có các khu công nghiệp tập trung. Làm công nghiệp là phải tập trung nhưng cũng nên xem xét lại quy mô tập trung và địa bàn phân bổ. Làm sao để bố trí các khu công nghiệp hợp lý hơn trên địa bàn cả nước để đến khi có dịch bệnh và các tình huống bất lợi xảy ra thì cự ly từ các khu công nghiệp đến quê hương trong vòng bán kính hợp lý hơn chứ không phải là hàng ngàn km như hiện nay. Để khi cần thì sự chi viện của khu công nghiệp của công nhân với quê hương và gia đình thuận lợi hơn.
Công nhân ở các tỉnh phía Nam đi xe máy về quê (ảnh: Người lao động) |
Mặt khác các khu công nghiệp phải gắn kết rất khoa học và hợp lý từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân. Nếu công nhân có các khu chung cư tập trung ở gần nhà máy, doanh nghiệp quản lý công nhân từ nơi ăn ở, đến nơi sản xuất thì phòng chống dịch sẽ chủ động và hiệu quả cao hơn nhiều.
Cũng cần suy nghĩ thêm về việc các địa phương phải tạo thêm việc làm cho công dân của mình trên địa bàn để hạn chế lao động tràn về các đô thị lớn nhiều quá.
7. Phục hồi kinh tế gắn với phòng và chống Covid
Chính phủ đã có chủ trương rất rõ về việc vừa tập trung phục hồi kinh tế vừa chống đại dịch Covid. Tôi xin nói thêm vài lời:
Đã phục hồi kinh tế thì chủ trương phải nhất quán từ Trung ương đến địa phương, từ Bắc vào Nam. Phải chấm dứt tình trạng chốt đường, ngăn sông, cấm chợ để người, hàng hóa, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm... lưu thông được, từ đó phục hồi được kinh tế. Kinh tế đất nước như dòng máu lưu thông trong cơ thế con người, nếu bị ách tắc thì kinh tế khó phát triển và sự sống con người cũng bị đe dọa.
Mặt khác chúng ta phải sống chung với dịch, nghĩa là: F0 vẫn có thể phát sinh nhưng không vượt quá năng lực của tuyến y tế cơ sở. F0 có thể vẫn còn nhưng F0 mới phát sinh phải thấp hơn F0 được chữa khỏi và ra khỏi các bệnh viện. Chúng ta phục hồi kinh tế gắn với đẩy lùi, hạn chế đại dịch vẫn phải tôn trọng nguyên tắc: 5K + Vaccin+ Ứng dụng CNTT+ Liệu pháp điều trị hợp lý có hiệu quả từ gia đình ra xã hội, từ các trung tâm y tế các địa phương đến Trung ương, gắn trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp toàn ngành Y tế – y tế tư nhân, y tế nhà nước, Đông Tây y và quân dân y kết hợp. Phải hiểu phát triển phục hồi kinh tế tốt sẽ có tiềm lực để chống đại dịch có hiệu quả hơn. Chống dịch tốt hơn sẽ tạo điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững hơn.
Là một người ngoại đạo nói về chống dịch bệnh, tôi xin có vài lời, dù sao cũng là tâm tình và suy nghĩ của cá nhân. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ thành công cả trong phục hồi kinh tế và đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục đưa đất nước vượt khó tiến lên vì sự nghiệp nước mạnh, doanh nghiệp giàu, nhân dân ấm no, yên vui, hạnh phúc.