Chính quyền Joe Biden tiếp tục ủng hộ Đài Loan, Trung Quốc cảnh cáo “chớ đùa với lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/3 đã cảnh cáo chính quyền Joe Biden hãy rút lại “hoạt động nguy hiểm” ủng hộ Đài Loan của chính quyền Tổng thống Trump trước đây.
Vấn đề Đài Loan đang là chướng ngại khó vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung (Ảnh: Dwnews).
Vấn đề Đài Loan đang là chướng ngại khó vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung (Ảnh: Dwnews).

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 7/3 đã tham dự cuộc họp báo của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) và trả lời các câu hỏi của các phóng viên. Khi trả lời các câu hỏi về vấn đề Đài Loan, Vương Nghị nói “nguyên tắc một Trung Quốc” là cơ sở chính trị của quan hệ Mỹ - Trung và là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua”.

Trung Quốc luôn coi vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và coi vấn đề Đài Loan là một phần không thể thiếu trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

VOA cho biết, ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ “sẵn sàng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác dưới ngọn cờ của cái gọi là dân chủ và nhân quyền, gây ra nhiều rắc rối trên thế giới và thậm chí trở thành gốc rễ của hỗn loạn và chiến tranh”. Ông cũng nói: “Mỹ cần nhận thức điều này càng sớm càng tốt, nếu không thế giới sẽ vẫn không được yên ổn”.

Ông Vương Nghị kêu gọi chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden “nhận thức đầy đủ về mức độ nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan” và “triệt để thay đổi cách làm nguy hiểm là ‘vượt ranh giới’ và ‘chơi với lửa’ của chính quyền Donald Trump trước đó”.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Đài Loan được cải thiện nhanh chóng và quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đáng kể. Đặc biệt vào năm 2020, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Trump, cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật Đài Loan”, ông Trump đã ký và có hiệu lực. Đạo luật này yêu cầu các cơ quan hành chính Mỹ phải giúp Đài Loan củng cố quan hệ ngoại giao, tham gia vào các tổ chức quốc tế và tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa Mỹ và Đài Loan.

Tại cuộc họp báo hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Mỹ "đừng đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tại cuộc họp báo hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Mỹ "đừng đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã).

Vào tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ Alex Michael Azar đã đến thăm Đài Loan và trở thành quan chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai bên chấm dứt vào năm 1979. Ông cũng là quan chức cấp bộ trưởng đầu tiên của Mỹ thăm Đài Loan sau khi Mỹ đã thông qua “Đạo luật Du lịch Đài Loan”. Sau đó, một phái đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach dẫn đầu, cũng đã tới Đài Bắc vào ngày 17/9/2020. Ông Krach là quan chức cấp cao nhất đang tại chức của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến thăm Đài Loan trong 41 năm kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan bị cắt đứt.

Về quan hệ Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ Biden đã bày tỏ ông hy vọng sẽ thiết lập một mối quan hệ văn minh hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra rằng không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc đối đầu của chính quyền Biden với Trung Quốc về thương mại, công nghệ và nhân quyền sẽ dịu đi.

Ngày 3/3/2021, Nhà Trắng đã công bố bản Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia này nêu rõ rằng: “Mỹ sẽ ủng hộ Đài Loan, một nền dân chủ tiên tiến và là đối tác kinh tế và an ninh quan trọng của Mỹ. Đây là cam kết lâu dài nhất quán của Mỹ”.

Ông Vương Nghị không nói rõ trong một cuộc họp báo hôm 7/3 Bắc Kinh có thể phản ứng như thế nào nếu chính quyền Joe Biden không thay đổi chính sách Đài Loan của chính quyền trước. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc luôn đe dọa rằng nếu Đài Loan tuyên bố “Đài Loan độc lập” về mặt pháp lý, họ sẽ dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Ông Vương Nghị trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo (Ảnh: Dwnews).

Ông Vương Nghị trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo (Ảnh: Dwnews).

Trung tâm Nghiên cứu Pew, một tổ chức tư vấn của Mỹ, hôm 4/3 đã công bố một cuộc thăm dò mới, cho thấy gần 90% (89%) người Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” hoặc “kẻ thù” chứ không phải là “đối tác”. Đồng thời, hầu hết người Mỹ ủng hộ chính quyền có lập trường cứng rắn hơn trong các chính sách đối với Trung Quốc, từ việc ưu tiên xử lý vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc đến việc áp dụng các chính sách kinh tế và thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và hạn chế các lưu học sinh Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg hôm 7/3 đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố tại cuộc họp báo thường niên vào ngày 7/3 rằng trong tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với chủ quyền của Đài Loan: "không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc nhượng bộ”. Phản ứng của ông Vương Nghị về vấn đề Đài Loan là một trong những phản ứng của ông nhằm chỉ trích Mỹ “tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác dưới danh nghĩa dân chủ và nhân quyền”.

Đồng thời, ông Vương Nghị cũng nhắc lại rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để cùng giải quyết những quan ngại chung về đại dịch COVID-19 và nền kinh tế toàn cầu. “Tôi hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ khởi động lại hợp tác về biến đổi khí hậu, điều này sẽ mang lại những thay đổi tích cực về khí hậu cho quan hệ song phương”.

Bloomberg chỉ ra rằng, mặc dù Trung Quốc lạc quan rằng quan hệ Trung-Mỹ sẽ được cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông Biden, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt trách nhiệm sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho quan hệ Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm của Donald Trump cho Washington.

Bloomberg cho rằng cuộc họp báo ngày 7/3 là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tiếp tục.

Phát biểu của ông Vương Nghị lặp lại nhận xét trước đó của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương. Khi phát biểu về quan hệ Trung - Mỹ ngày 2/2, ông Dương Khiết Trì đã thúc giục Mỹ không được vượt qua "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phàn nàn rằng các chính sách ban đầu của ông Joe Biden tương tự như chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tân Tổng thống Joe Biden chưa có dấu hiệu được cải thiện (Ảnh: Tân Hoa xã).

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tân Tổng thống Joe Biden chưa có dấu hiệu được cải thiện (Ảnh: Tân Hoa xã).

Kênh truyền hình CNBC cho biết trong một bản tin có tiêu đề “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc có giọng điệu cứng rắn, kêu gọi Trung Quốc và Mỹ không can thiệp nhau” nói trong cuộc họp báo ngày 7/3: Mỹ cần dỡ bỏ "những hạn chế vô lý" và ngừng can thiệp vào điều mà Bắc Kinh coi là công việc nội bộ.

Vương Nghị không nói rõ những “hạn chế” này là gì, và chỉ ra rằng cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ hồi tháng 2 là cơ sở tích cực để xây dựng lại quan hệ song phương.

CNBC chỉ ra rằng trong một bài phát biểu hồi tháng 2, Vương Nghị đã kêu gọi chính phủ mới của Mỹ dỡ bỏ thuế quan và các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ông Trump đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc với lý do lo ngại an ninh quốc gia, trong đó nổi tiếng nhất là gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Trước khi nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump kết thúc vào tháng 1/2021, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã liên tục leo thang trong vài năm qua. Cho đến nay, chính phủ do Tổng thống Mỹ Biden lãnh đạo vẫn giữ lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" tự tin hơn và bày tỏ lo ngại về lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.

CNBC chỉ ra rằng chính quyền trung ương Trung Quốc tin rằng những vấn đề này là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Hãng tin Anh Reuters đặc biệt chú ý đến tuyên bố của Vương Nghị về vấn đề Đài Loan, theo bản tin của Reuters, Vương Nghị cảnh báo rằng không có chỗ cho sự thỏa hiệp về Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ông thúc giục chính phủ mới của Mỹ thay đổi “hành vi chơi với lửa” của chính quyền tiền nhiệm.