Mô hình tư duy gây căng thẳng
Gần đây Mỹ đã quyết định tiến hành điều tra về thương mại đối với Trung Quốc theo Điều 301 của Luật Thương mại năm 1974. Đây là điều Trung Quốc rất lo ngại hiện nay.
Theo tờ Phượng Hoàng (Hồng Kông) ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng mô hình tư duy kinh tế thương mại để xử lý quan hệ Trung - Mỹ. Mỹ sử dụng các vấn đề khác, bao gồm vấn đề Triều Tiên để Trung Quốc phải đưa ra thỏa hiệp rất lớn trong xuất khẩu, chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ gây sức ép với Trung Quốc theo tư duy này rất khó đạt được kết quả. Điều này có thể nhìn lại Đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tư duy xử lý các vấn đề đối ngoại của chính quyền Donald Trump hiện nay làm cho tình hình Triều Tiên và toàn thế giới rất căng thẳng.
Ai bị tổn thất lớn hơn nếu có chiến tranh thương mại?
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Trung Quốc Đằng Kiến Quần, nếu chiến tranh thương mại xảy ra, Mỹ áp thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc thì 3 - 4 triệu người Mỹ sẽ bị thất nghiệp. Ông ám chỉ Mỹ sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Trong khi đó, theo báo cáo của tổ chức The Conference Board Mỹ, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hầu như không phải là mối đe dọa lớn đối với kinh tế Mỹ, các ảnh hưởng trực tiếp sẽ gây bất lợi hơn cho Trung Quốc, nhưng những thiệt hại gián tiếp đối với hai nước tương đối lớn.
Báo cáo này được xây dựng dựa trên những số liệu về xuất khẩu. Cơ quan xuất khẩu của Mỹ và các nước phát triển chủ yếu khác cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn từ sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo báo cáo này, giá trị gia tăng xuất khẩu của Mỹ và EU đối với Trung Quốc lần lượt tương đương với 0,7% và 1,6% so với GDP của mỗi bên. Cho dù đó là Nhật Bản, quốc gia láng giềng của Trung Quốc thì con số này cũng chỉ là 2,1%.
Trong khi đó, giá trị gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc đối với Mỹ hầu như tương đương 3% GDP của họ. Điều này cho thấy nếu nổ ra xung đột thương mại với chính quyền Donald Trump, tổn thất của Trung Quốc sẽ lớn hơn.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Erik Lundh: “Nhìn vào những số liệu này, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hầu như không phải là mối đe dọa to lớn đối với kinh tế Mỹ”.
Nhưng Erik Lundh cảnh báo, nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện thì những thiệt hại gián tiếp đối với hai nước sẽ tương đối lớn.
Ông nói: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ lan đến các phương diện quan trọng khác của quan hệ hai nước, có thể làm cho Mỹ cảm thấy tương đối khó khăn”. Người tiêu dùng Mỹ có thể bị tác động do giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh. “Sự sụp đổ của thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do lạm phát”.
Báo cáo của của The Conference Board đã gạt đi những số liệu thương mại truyền thống. Báo cáo cho rằng, ở góc độ thương mại, “sự lệ thuộc của thế giới nói chung vào Trung Quốc là không cao”.
Chẳng hạn, đối với các nước lớn xuất khẩu như Hàn Quốc và Úc, giá trị gia tăng xuất khẩu của họ đối với Trung Quốc lần lượt tương đương với 6,8% và 4,4% GDP của họ. Trung Quốc đã tận dụng ảnh hưởng kinh tế đối với Hàn Quốc để tìm cách ngăn chặn Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.