“Chiến tranh đường sắt cao tốc Nhật Bản - Trung Quốc” đang lan nhanh khắp thế giới

VietTimes -- Tình hình chính trị quốc tế, khu vực thay đổi mạnh mẽ đã tác động lớn đến các hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư trong khu vực, Nhật Bản đang nổi lên với vai trò chiến lược quan trọng hơn, thể hiện ngay từ xây dựng đường sắt cao tốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhật Bản. Ảnh: Asia Times
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhật Bản. Ảnh: Asia Times

Trang tin Quan sát mới phương Đông của Nga ngày 30/11 có bài viết cho hay từ ngày 10 đến ngày 12/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modo tiến hành chuyến thăm Nhật Bản trong thời gian 3 ngày. Trong các thành quả quan trọng của chuyến thăm này, điều gây chú ý nhất cho dư luận là thỏa thuận hợp tác phát triển đường sắt cao tốc của Ấn Độ.

Đối với thỏa thuận này, Bloomberg News dẫn lời học giả Mỹ Jefferey Kingston cho rằng cuộc "chiến tranh" này hầu như có tính chất toàn cầu, chỉ có điều nó thể hiện ở trên lãnh thổ Ấn Độ. Cách làm của người tham gia bao gồm gây ảnh hưởng chính trị tới nhà lãnh đạo ở các nước có tuyên bố mời thầu quốc tế trong xây dựng đường sắt cao tốc.

Trung Quốc và Nhật Bản là hai người dẫn đầu trong giới xây dựng đường sắt cao tốc trên thế giới, trong mùa hè năm 2015, cách làm nêu trên đã được sử dụng đầy đủ trong hoạt động mời thầu tương tự ở Indonesia.

Một năm trước, Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành phát triển dự án xây dựng đường sắt cao tốc từ Jakarta ở đảo Java đến Bandung, cuộc chiến này rất kịch tính. Tuyến đường sắt này dài 140 km, chi phí xây dựng trên 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ "kịch tính" dùng để hình dung hoàn cảnh của Chính phủ Indonesia sẽ phù hợp hơn, bởi vì Indonesia buộc phải lựa chọn ra người chiến thắng trong hai nước lớn châu Á.

Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu đường sắt cao tốc ra nước ngoài. Ảnh: Cankao
Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu đường sắt cao tốc ra nước ngoài. Ảnh: Cankao

Trong mắt của Jakarta, Trung Quốc có tư cách "tự mâu thuẫn": Vừa là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Indonesia, vừa bị coi là "mối đe dọa" đối với an ninh quốc gia của nước này. Nhật Bản cũng là một đối tác thương mại chủ yếu của Indonesia, nhưng phần nhiều hơn được xem là đồng minh chính trị, quân sự tiềm tàng.

Vì vậy, sau khi tuyên bố Trung Quốc thắng thầu vào tháng 10/2015, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khẩn cấp phái đặc phái viên tới Tokyo, trấn an Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Shinzo Abe cho rằng, đường sắt cao tốc của Indonesia đã là "thứ nằm trong lòng bàn tay" của Nhật Bản. Ông cảm thấy thấy vọng là do người giành được đơn đặt hàng công trình đoạn một đường sắt cao tốc sẽ tự động giành được quyền xây dựng kéo dài tuyến đường sắt, làm cho nó nối liền đảo Java.

Nhưng thông tin được truyền đi vào đầu tháng 11/2016 cho biết Nhật Bản "có thể quay trở lại" với toàn bộ dự án xây dựng đường sắt cao tốc 750 km từ Jakarta đến Surabaya.

Chính phủ Indonesia lựa chọn thời cơ này tiến hành sửa đổi đối với dự án hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Rõ ràng, đến trước mùa thu năm nay, bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào (khi đó còn chưa rõ ràng), Jakarta đã có thái độ hoài nghi sâu sắc đối với khả năng Mỹ tiếp tục duy trì mức độ tham gia đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có các vấn đề của Đông Nam Á.

Trong tình hình này, vai trò chiến lược của Nhật Bản, nước đối lập với Trung Quốc, chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy Indonesia tiến hành những "sửa đổi" cần thiết đối với dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất của họ.

Tình hình của Ấn Độ lại đơn giản hơn nhiều. Do tình hình tam giác chính trị Nhật Bản - Ấn Độ - Trung Quốc tương đối rõ ràng. Những năm gần đây, New Delhi không tiến hành bất cứ "vu hồi" chiến lược nào (như Indonesia). Điều chắc chắn là, khi phát triển quan hệ ngoại giao, Ấn Độ rõ ràng nghiêng về phía Nhật Bản, cho dù mức độ quan hệ kinh tế thương mại hai nước hiện nay còn thua xa quan hệ Trung - Ấn.

Đường sắt cao tốc. Ảnh: Cankao
Đường sắt cao tốc. Ảnh: Cankao

Nói tóm lại, tiến trình xây dựng quan hệ "đồng minh tiêu chuẩn" Nhật - Ấn đã là một trong những xu thế quan trọng và rõ rệt nhất trong cuộc chơi chính trị toàn cầu. Nếu xu thế giảm tham gia vào tiến trình quốc tế của Mỹ hiện nay thực sự tiếp tục phát triển thì tầm quan trọng của "đồng minh tiêu chuẩn" này sẽ tăng mạnh.

Vì vậy, New Delhi sẽ trao vấn đề chiến lược quan trọng và nan giải - phát triển hạ tầng cơ sở đường sắt - cho ai thì đã sớm có câu trả lời rõ ràng. Chẳng qua là, điều này mới được xác nhận trong thời gian ông Narendra Modi thăm Tokyo.

Trong tuyên bố chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã đề cập đến tiến độ thực hiện "dự án đi đầu" của hợp tác song phương được bàn tới những năm gần đây, đó là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ dài hơn 500 km, trị giá 15 tỷ USD - công trình đường sắt nối từ Mumbai đến Ahmedabad.

Nhật Bản sẽ bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho dự án này và chi 80% vốn. Cung cấp khoản vay lãi suất thấp (0,1% hàng năm) với thời hạn 50 năm. Dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2016, dự kiến đến năm 2023 đưa vào sử dụng.

Điều có ý nghĩa sâu xa là điều này phát đi tín hiệu rõ ràng đối với Bắc Kinh, đó là Ấn Độ không phản hồi đối với việc Bắc Kinh mời họ tham gia thực hiện dự án giao thông trong khuôn khổ "Một vành đai, một con đường".

Tuy nhiên, trong bối cảnh dự án lớn vành đai kinh tế Trung Quốc - Pakistan kết nối giữa các tỉnh miền tây Trung Quốc với cảng Gwadar của Pakistan được mở ra toàn diện, cũng rất khó trông chờ vào New Delhi sẽ có phản ứng khác.

Hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ cạnh tranh các dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở các nước Đông Nam Á (ngoài Indonesia còn có Việt Nam, Malaysia, Singapore và Thái Lan), mà còn ở khu vực châu Phi và Mỹ Latinh.

Vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với tiến bộ tổng thể của các nước đang phát triển, liên quan đến thị trường to lớn và tiềm năng vài trăm tỷ USD. Giành được vị trí có lợi trong thị trường này, các đối thủ cạnh tranh chủ yếu đã sử dụng tất cả các thủ đoạn, hơn nữa mục tiêu của họ hoàn toàn không chỉ là về kinh tế.