Chấm dứt nạn “tặc lưỡi” sử dụng hệ thống thông tin chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin phải kiên quyết áp dụng nguyên tắc: Hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn thông tin thì chưa đưa vào sử dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm, đầu tư liên tục, bền bỉ để bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm, đầu tư liên tục, bền bỉ để bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số.

Tại sự kiện Security Summit 2022 do Cục Tin học hóa tổ chức diễn ra hôm nay 23/6/2022, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời với quá trình chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng thông tin, xuyên suốt trong các chương trình, chiến lược quốc gia, việc phát triển, triển khai các nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Thứ trưởng nêu, nền tảng số là không gian diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân Việt Nam trên môi trường số; cũng chính là không gian mạng quốc gia.

"Bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số quốc gia cũng chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia. Vì vậy, công tác đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời được trong quá trình chuyển đổi số” - Thứ trưởng Dũng nói.

Ông Dũng ví việc thúc đẩy chuyển đổi số dựa trên nền tảng số không gắn với việc bảo đảm an toàn thông tin cũng giống như xây một ngôi nhà trên một nền móng không vững chắc. Các nền tảng số sẽ không có khả năng chống chịu bền bỉ trước các cuộc tấn công với tần suất ngày càng tăng, quy mô ngày càng rộng, kỹ thuật ngày càng tinh vi và gây ra hậu quả ngày càng lớn như hiện nay.

Dành tối thiểu 20% kinh phí để bảo đảm an toàn thông tin

Với đặc trưng cơ bản của nền tảng là dùng chung, số lượng người dùng lớn, sinh ra dữ liệu lớn nên các nền tảng số sẽ là “miếng mồi ngon” mà tội phạm mạng hướng tới. Vì vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức và cách làm để đảm bảo an toàn thông tin.

Nhiều giải pháp bảo mật được trình diễn tại Security Summit 2022.

Nhiều giải pháp bảo mật được trình diễn tại Security Summit 2022.

Thứ trưởng Dũng yêu cầu các nhà phát triển nền tảng phải ưu tiên dành kinh phí phù hợp (tối thiểu khoảng 20-30%) cho các tính năng về an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, không chắp vá.

“An toàn thông tin vẫn luôn là chặng đua đường dài, không phải cuộc đua nước rút. Phát triển các nền tảng mới có thể nhìn thấy ngay kết quả kinh tế, tài chính, nhưng với an toàn thông tin, sự quan tâm, chú ý lại thường đến khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm, đầu tư bền bỉ, liên tục và lâu dài để bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số” - Thứ trưởng nói.

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc điểm ra một số vấn đề trong đảm bảo an toàn thông tin tại Việt Nam như: Tỷ lệ các hệ thống được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn theo cấp độ hiện còn thấp, mới chỉ khoảng 30%; lừa đảo trực tuyến ngày càng phổ biến.

Cùng với đó, nhiều thiết bị số phục vụ Chính phủ điện tử đang sử dụng nhưng chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; Các chương trình diễn tập an toàn thông tin còn thiếu và chưa thực hiện đều đặn, thường xuyên./.