Đại diện Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT cho biết dự kiến doanh thu cả năm 2021 ước đạt 2.613 (đạt 99,3% kế hoạch). Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái ATTT mạng đạt 95,5%. Tỷ lệ sản xuất/nhập khẩu tháng 11/2021 đạt 54%, tăng 12,4% so với cùng kỳ 11/2020 (41,6%).
Đặc biệt, năm qua, tỷ lệ cơ quan nhà nước bảo vệ 4 lớp đã đạt 100% và bảo vệ thiết bị đầu cuối đạt 80% (đạt 100% so với kế hoạch năm). Bộ TT&TT đã hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy xác định cấp độ và triển khai mô hình 04 lớp mức nâng cao.
Nét nổi bật trong năm qua đó là việc Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT cho các nền tảng phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra đánh giá ATTT cho các hệ thống quan trọng như: cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, một số hệ thống thuộc lĩnh vực y tế, một số hệ thống thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)….
Bộ TT&TT cũng đã gửi văn bản, email cảnh báo gần 700 lỗ hổng, trong đó có các sự cố mất ATTT tại các đơn vị lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân tối cao… Đồng thời Bộ TT&TT cũng liên tục giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, phát hiện và cảnh báo người dùng về các trang web, fanpage và loại hình tin nhắn lừa đảo; phát triển phần mềm Visafe bảo vệ miễn phí các thiết bị đầu cuối cho người dân; thống kê và cung cấp công cụ cho phép người dùng tra cứu về các trang web, fanpage lừa đảo…
Về Kế hoạch phát triển trung hạn 2022-2024 và định hướng đến năm 2025, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; phát triển nền tảng điều hành, chỉ huy ATTT mạng tập trung.
Đặc biệt, Bộ sẽ chủ trì phát triển nền tảng rà quét lỗ hổng bảo mật nhằm phòng ngừa sự cố mất ATTT cho các ứng dụng chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; nền tảng đào tạo, sát hạch trực tuyến kiến thức, kỹ năng ATTT cơ bản cho người sử dụng; nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ứng dụng (app) tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT cho người sử dụng.
Đối với định hướng đến năm 2025, lĩnh vực ATTT sẽ tạo sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động phát triển năng lực an toàn, an ninh mạng để vươn tầm thế giới, đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam dựa trên công nghệ mở.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu