Nữ CEO KBC có thu nhập cao nhất 17 tỷ đồng/năm
Trong báo cáo “Thu nhập của tổng giám đốc và hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings vừa công bố, tổng giám đốc các công ty niêm yết trên sàn tại Việt Nam có thu nhập năm 2023 bình quân 2,5 tỷ đồng mỗi người.
Phân tích được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát tại 200 công ty đại chúng đại diện 85,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn tại thời điểm cuối năm 2023.
Thu nhập được định nghĩa gồm thù lao, tiền lương, phụ cấp và thưởng phát sinh, được chi trả từ quỹ lương trong một năm tài chính của công ty. Trong khi, các khoản khác không được tính bao gồm ESOP, cổ tức, cổ phiếu thưởng, các lợi ích khác ví dụ như nhà ở, học phí cho con, bảo hiểm gia đình, hạn mức đi lại.
Theo báo cáo, top 15 doanh nghiệp đại chúng trả thu nhập cho Tổng giám đốc (CEO) dao động ở mức 5,4 - 17 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2023, nữ Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) bà Nguyễn Thị Thu Hương nhận thu nhập cao nhất với 17 tỷ đồng, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Đây là con số vượt trội so với lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, cao hơn cả "sếp" các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tiếp theo là Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ông Danny Le - người nước ngoài - nhận thu nhập 14,7 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng/tháng.
Đứng vị trí thứ ba là bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) có tổng thu nhập 13,9 tỷ đồng, tương đương 1,15 tỷ đồng/tháng.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Long (HoSE: NLG) có thu nhập 12,9 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) ông Nguyễn Việt Quang có thu nhập 11,1 tỷ đồng trong năm 2023. Cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) Trần Mai Hoa có tổng thu nhập gần 10,3 tỷ đồng.
Ngoài nhóm doanh nghiệp có mức thu nhập của tổng giám đốc trên 10 tỷ đồng, một số doanh nghiệp có thu nhập tổng giám đốc cao năm vừa qua, như Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM - HOSE: HCM (9,6 tỷ đồng), Coteccons - HoSE: CTD (8,7 tỷ đồng), chứng khoán VNDirect - HoSE: VND (7,6 tỷ đồng), NamABank (7 tỷ đồng), Masan Consumer (7 tỷ đồng)...
Vị trí CEO bất động sản có thu nhập cao nhất
Xét theo ngành, dù đang trải qua giai đoạn khó khăn, hiệu quả hoạt động giảm nhưng thu nhập cho vị trí CEO bất động sản vẫn cao nhất, đạt 4,9 tỷ đồng. Tiếp theo là dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và bảo hiểm, lần lượt đạt 4,5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Công nghệ thông tin, ngân hàng và bán lẻ là các ngành có hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung với tỷ suất ROE cao (>15% trong năm 2023) nhưng thu nhập bình quân của CEO lại tương đối thấp. Lý do chính là thu nhập này chưa tính đến giá trị của số cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được.
Năm 2023, nhiều ngành với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao có tăng trưởng mạnh về thu nhập bình quân của vị trí CEO, bao gồm dầu khí, dịch vụ tài chính (chủ yếu chứng khoán), bảo hiểm. Ngược lại, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng ở mức thấp, bán lẻ, tài nguyên cơ bản (thép, gỗ) có kết quả "thất vọng" nên thu nhập bình quân của CEO giảm so với 2022.
Xét quy mô, thu nhập của CEO ở nhóm vốn hóa lớn (quy mô vốn hóa từ 25.000 tỷ đồng) vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Theo FiinGroup và FiinRatings, điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Xét theo loại hình, thu nhập của CEO nhóm doanh nghiệp nhà nước chi phối chưa bằng gần một nửa so với nhóm doanh nghiệp tư nhân cho dù hiệu quả hoạt động (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE) khá tương đồng. Điều này xuất phát từ thực tế là vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước cũng là các vị trí có tính chất điều hành theo cơ chế hiện nay.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu