Tiền mất, tật mang
Đã có nhiều năm kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân bị đau ở cột sống, bác sĩ Phan Minh Trung - Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) – phải tiếp nhận, điều trị cho không ít bệnh nhân gặp biến chứng, vì tiêm cột sống không đúng chỉ định.
“Các bệnh nhân cứ tự ý đi tiêm ở nhiều nơi, gặp các bác sĩ chẳng biết có chuyên khoa hay không, thực hiện quy trình tiêm “mù”, tiêm thuốc gì không rõ với liệu trình tiêm nhắc lại từ 10-15 lần. Họ đang tự gây hại cho bản thân mà không biết” – Bác sĩ Phan Minh Trung chia sẻ.
Lúc này, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc 2 nhóm biến chứng rất nguy hiểm: Tai biến do chỉ định và thực hiện kỹ thuật sai và biến chứng có liên quan tới thuốc.
Khi bị chỉ định sai, bệnh nhân không chỉ bị chậm trễ việc chẩn đoán đúng, mà còn giảm khả năng điều trị, bởi không phải bệnh nhân nào đau cột sống cũng áp dụng được phương pháp tiêm thuốc.
Bác sĩ Phan Minh Trung lấy ví dụ người bệnh bị chèn ép thần kinh, hoặc phải can thiệp bằng các phương pháp đúng khác. Nếu người bệnh không được chẩn đoán đúng, không được thực hiện các phương pháp can thiệp đúng, thì sẽ không được điều trị kịp thời, đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã nặng.
Bệnh nhân thực hiện thủ thuật tiêm cột sống (Ảnh: BVCC)
|
Bệnh nhân còn có thể gặp biến chứng do thuốc tiêm có chứa corticoid, được tiêm nhiều lần vào cơ thể, có thể khiến toàn bộ phần mềm cơ và dây chằng bị ảnh hưởng. Đã có 1 số trường hợp bệnh nhân tới điều trị với các cơ, dây chằng hoại tử, nát mủn, cơ thì xơ cứng, teo. Thứ hai là tiêm quá nhiều corticoid khiến rối loạn nội tiết nghiêm trọng.
Một nhóm biến chứng khác cũng thường gặp. Đó là bệnh nhân bị tổn thương do tiêm không chính xác, ví dụ chảy máu hoặc nhiễm trùng. Biến chứng này thường xảy ra khi các cơ sở tiêm cột sống trôi nổi, không phép, “tiêm mù” thuốc cho bệnh nhân – tức là tiêm cột sống dựa trên cảm giác đau của bệnh nhân, bị đau ở đâu thì tiêm vào đó, hoàn toàn không có máy móc hỗ trợ.
“Nhiều bệnh nhân bị tổn thương nặng quá, phải mổ cấp cứu vì nhiễm trùng, đã tạo thành áp xe ở khu vực cơ xung quanh cột sống, hoặc ở vùng rất sâu. Nguy hiểm hơn nữa, áp xe có thể lan vào lòng bên trong cột sống, trở thành áp xe ngoài màng cứng chèn ép thần kinh. Nếu tiêm ở vùng đốt sống ngực hoặc cổ, bệnh nhân còn gặp nguy hiểm hơn nữa, biến chứng nhiễm trùng hoặc chảy máu ở 2 vị trí này có thể gây liệt” – Bác sĩ Phan Minh Trung cho biết.
Cần hiểu đúng về tiêm cột sống
Kỹ thuật tiêm cột sống cho bệnh nhân cần được thực hiện bởi các bác sĩ và có sự hỗ trợ của máy móc (Ảnh: BVCC).
|
Theo bác sĩ Phan Minh Trung, khi bệnh nhân bị đau cấp hoặc mãn tính cột sống, đều phải được khám lâm sàng kỹ càng, làm các chẩn đoán hình ảnh phù hợp (XQ, CT, MRI...) và bệnh toàn thân phối hợp, để đưa ra chẩn đoán cụ thể, chính xác về tổn thương và nguyên nhân gây đau. Từ chẩn đoán chính xác, bác sĩ mới đưa ra chỉ định đúng và hợp lý.
Trong khi đó, tiêm cột sống là kỹ thuật chống đau can thiệp và có rất nhiều kỹ thuật khác nhau: tiêm diện khớp, nhánh trong, rễ chọn lọc, ngoài màng cứng, đĩa đệm, lỗ cùng, khớp cùng chậu... Để sử dụng, phải có bác sĩ chuyên khoa chỉ định đúng kỹ thuật cho từng bệnh nhân cụ thể, tùy theo tổn thương bệnh lý, chứ không phải “đau ở đâu thì tiêm ở đấy”.
Bác sĩ Phan Minh Trung nhấn mạnh, tất cả các quy trình tiêm cột sống hiện nay đều đòi hỏi phải thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, C-arm, v.v… để đảm bảo tiêm chính xác vào điểm đích tổn thương với lượng thuốc tối thiểu và tránh biến chứng.
Hiện, có rất nhiều chế phẩm thuốc, hóa chất, tác nhân vật lý (cao tần, laser...) được sử dụng đồng thời qua mũi tiêm, hay đầu đốt qua da – tất cả đều có chỉ định cụ thể, phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý.
“Thêm nữa, đây là một biện pháp chống đau can thiệp cần chỉ định hợp lý chứ không phải “cái đũa thần” chữa được cho mọi trường hợp!” – Bác sĩ Phan Minh Trung cho biết.
Ngoài ra, căn cứ vào tình trạng bệnh lý cụ thể của từng người bệnh khác nhau, các bác sĩ sẽ phối hợp các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa, chống đau, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, v.v... với nguyên tắc “không có bệnh, chỉ có người bệnh”.
Một lần nữa, bác sĩ Phan Minh Trung nhấn mạnh, muốn thực hiện tiêm cột sống, bệnh nhân phải tìm tới các bệnh viện chuyên khoa, nơi có các bác sĩ, có chỉ định chặt chẽ và áp dụng kỹ thuật với cập nhật rất nhiều tiến bộ công nghệ, tránh xa các cơ sở “đau đâu tiêm đấy”, bị biến tướng do lợi ích kinh tế.
Bác sĩ Phan Minh Trung cũng khuyến cáo: “Người dân nên tới bệnh viện để khám khi mắc bệnh và không nên nghe lời người bán thuốc, ông hàng xóm, bà bạn, nhất là gặp mấy “bác sĩ” chữa được “tất” thì “tiền mất, tật mang"”.