Cảnh báo: Đậu mùa khỉ có thể gây biến chứng ở người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo WHO, hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất trong vòng vài tuần, tuy nhiên vẫn có các biến chứng y khoa, thậm chí, gây tử vong.
Tiếp xúc gần với khỉ mang virus gây ra nguy cơ cao mắc bệnh đầu mùa khỉ (ảnh FANPAGECUUHODONGVAT)
Tiếp xúc gần với khỉ mang virus gây ra nguy cơ cao mắc bệnh đầu mùa khỉ (ảnh FANPAGECUUHODONGVAT)

Trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh ở hơn 20 quốc gia, WHO đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lây lan, hệ luỵ khi mắc và kêu gọi các quốc gia chung tay ứng phó.

Dịch lây lan nhanh

Theo WHO, đến tháng 5/2022, thế giới đã ghi nhận khoảng 300 ca mắc/nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở châu Âu chứ không phải ở khu vực Tây và Trung Phi - nơi đậu mùa khỉ được xem là bệnh đặc hữu.

Không những vậy, với tốc độ lây lan của dịch bệnh, đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này, buộc các nước phải triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh.

Cũng theo WHO, những trường hợp mắc mới ghi nhận trong ngày 28/5 là ở Mexico, Iceland và Malta (đều là ca mắc đầu tiên ở 3 nước này). Những trường hợp này đang được điều trị tại bệnh viện và được cơ quan y tế theo dõi.

Theo các chuyên gia dịch tễ của WHO, hầu hết các ca bệnh được phân tích đều có cùng gốc với chủng virus xuất hiện ở Tây Phi và ít độc lực hơn so với 2 chủng ban đầu ở Trung Phi. Bên cạnh đó, các trường hợp mắc bệnh mới được ghi nhận gần đây ở châu Âu đều đến từ cùng một chủng virus dù chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, với việc xuất hiện nhiều ca bệnh ở các nước phương Tây hiện nay cho thấy có thể virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian, dù hiện nay tốc độ lây lan mới chỉ ở mức thấp.

“Chính vì vậy, đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và cần phải thực hiện mọi biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm”- WHO khuyến cáo

Theo số liệu của Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến thời điểm này đã có 118 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 12 nước châu Âu (không kể Anh) và dù bệnh không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2, thậm chí còn chậm hơn bệnh đậu mùa thông thường và người bệnh sẽ tự khỏi, nhưng việc xuất hiện các ca bệnh lây truyền từ người sang người đồng thời ở cả Mỹ và châu Âu đang cho thấy sự bất thường của lần virus này.

“Điều đó đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như cách ly mầm bệnh, chăm sóc y tế, tiêm phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và giải trình tự gene trên quy mô lớn đối với chủng virus đang lây lan ở Mỹ và phương Tây”- chuyên gia WHO nhấn mạnh.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật, bệnh có thể lây lan từ động vật sang người và bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.

Bệnh đậu mùa khỉ thường thấy ở Trung Phi và Tây Phi nơi có nhiều rừng nhiệt đới và nơi các loài động vật có thể mang virus thường sinh sống. Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thỉnh thoảng cũng được ghi nhận ở các nước khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, sau khi di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người, khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh mà không có sử dụng bảo hộ cá nhân với động vật và bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Khi mắc phải, người bệnh có triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt, các tổn thương có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Tiếp xúc với động vật hoang dã, khỉ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ (ảnh FANPAGECUUHODONGVAT)

Tiếp xúc với động vật hoang dã, khỉ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ (ảnh FANPAGECUUHODONGVAT)

Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2-4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh nên tìm đến cán bộ y tế và hạn chế tiếp xúc gần với người khác.

Cũng theo WHO, trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Có khoảng 3%-6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác. Điều quan trọng cần chú ý là tỷ lệ tử vong này có thể cao hạn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế.

WHO khuyến cáo cần hành động nhanh hơn

Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ và chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa các ca bệnh được báo cáo với việc di chuyển từ các nước lưu hành bệnh và không có mối liên hệ nào với động vật nhiễm bệnh… nhưng giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc các ca mắc gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh này.

Theo các chuyên gia WHO, dù bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng lây lan hoặc nguy hiểm như dịch COVID-19, song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách thức cách ly đối với mỗi ca bệnh đậu mùa khỉ, cũng như có thêm khuyến nghị về cách thức bảo vệ những người có nguy cơ, cũng như cải thiện khâu xét nghiệm và truy vết.

Vì vậy, WHO khuyến cáo các cơ quan y tế toàn cầu cần hành động nhanh hơn nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ. Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh, người dân có thể áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc với người đã có nghi ngờ hoặc khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nếu cần phải tiếp xúc vật lý với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ thì người dân cần đeo khẩu trang y tế, sử dụng gang tay…tránh tiếp xúc da với da bất cứ hình thức nào.

Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn cũng là cách để hạn chế việc lây nhiễm.

Hiện WHO đang cân nhắc liệu việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.

WHO khẳng định tổ chức này vẫn đang đánh giá về tình hình dịch bệnh, song chưa đưa ra quyết định về việc thành lập Ủy ban khẩn cấp - cơ quan sẽ đưa ra khuyến nghị tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế".

“Có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày”- WHO khuyến cáo.