Cách ly thế nào khi đi và trở về từ vùng có dịch COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong văn bản này không nhắc tới việc hành khách đến Đà Nẵng và trở về địa phương có phải cách ly 14 ngày hay không. Điều này đã khiến dư luận cũng như nhiều người dân thắc mắc về quy định cách ly khi trở về từ nơi có dịch COVID-19.
Người về từ vùng có dịch COVID-19 bước vào khu cách ly ở bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)
Người về từ vùng có dịch COVID-19 bước vào khu cách ly ở bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)

Người từ Đà Nẵng về Hà Nội phải cách ly 14 ngày

Trao đổi với PV VietTimes, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội – cho biết: “Đến thời điểm hiện tại TP. Đà Nẵng chưa công bố hết dịch COVID-19 cho nên thành phố vẫn đang được coi là vùng có dịch. Vì vậy, những người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội đều phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày đúng theo quy định của Bộ Y tế”.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về việc những người đi từ vùng có dịch khác khi về Hà Nội có phải cách ly 14 ngày hay không, ông Hạnh cho hay: Hiện, dịch COVID-19 đang tập trung chủ yếu ở TP. Đà Nẵng còn ở những địa phương khác không phải chỗ nào cũng là vùng dịch nên người dân cần theo dõi sát thông tin của UBND TP. Hà Nội và những địa phương khác để nắm được những quy định quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy) 

Hiện, một số tỉnh, thành phố yêu cầu người từ vùng có dịch COVID-19 về địa phương phải có phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19, thông tin về việc cách ly những người trở về Hà Nội từ Đà Nẵng, BS CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội – cho hay: Những người từ Đà Nẵng về có phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19 nhưng chưa đủ thời gian cách ly thì Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội vẫn khuyến cáo người dân nên tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày. Nếu người dân chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19 thì sẽ có quyết định cách ly tại nhà để đảm bảo công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.

Về phía TP. Đà Nẵng là vùng đang có dịch COVID-19, UBND TP. Đà Nẵng đã có hướng dẫn tiếp nhận, hỗ trợ người dân khi trở về thành phố.

Theo đó, người đi đến các điểm chốt trước khi vào thành phố phải có giấy xác nhận của cơ quan chức năng (UBND hoặc cơ quan công an xã, phường, thị trấn...) về nơi đã tạm trú, lưu trú, công tác, học tập trước khi trở về Đà Nẵng; phải thực hiện khai báo y tế tại điểm chốt và sẵn sàng thực hiện cách ly y tế.

Đối với những người đến từ các tỉnh, thành phố có trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 lây lan trong cộng đồng trong vòng 14 ngày trước đó phải thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày kể từ ngày đến TP. Đà Nẵng. Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đưa đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng biện pháp cách ly y tế đủ 14 ngày tại cơ sở y tế theo quy định.

Ngoài ra, người dân từ các tỉnh, thành phố có trường hợp bệnh lây lan trong cộng đồng trên 14 ngày, người dân ở các địa phương không có bệnh nhân mắc COVID-19 đến TP. Đà Nẵng thì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại thành phố theo quy định của Bộ Y tế gồm: khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe tại địa phương.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 thì người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để được tư vấn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Người rời Đà Nẵng từ ngày 5/9 đến TP. Hồ Chí Minh phải tự theo dõi sức khỏe

Ngay sau khi nhận được thông tin của UBND TP. Đà Nẵng về việc chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 (từ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao sang có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh) cùng văn bản của Bộ Giao thông Vận tải về việc khôi phục hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến TP. Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn giám sát y tế đối với người từ Đà Nẵng đến thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tất cả những người rời khỏi TP. Đà Nẵng từ 0h00 ngày 5/9 đều phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy) 

Những trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc ca bệnh xác định, từng đến các bệnh viện có ca nhiễm, sống ở tổ, thôn, ấp đang có ca mắc bệnh thì phải khai báo tại trạm y tế để được điều tra dịch tễ chi tiết.

Để tăng cường phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần tự theo dõi sức khỏe, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Huế, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Ngãi siết chặt biện pháp cách ly

Tại Huế, sau khi ghi nhận nhiều người dân từ vùng có dịch (Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương) có nhu cầu đến tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu mọi người dân từ vùng có dịch vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra / vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt (qua mạng).

Người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp Realtime-PCR cho trong 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thời gian lưu trú tại tỉnh tối đa là đến thời điểm hết hạn 72h tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR . Trường hợp người dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên - Huế thì phải lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó; kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm người dân chịu trách nhiệm chi trả.

Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)
Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy) 

Còn tại Bình Định, mặc dù tỉnh đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhưng tình hình dịch vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số người đi từ vùng dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam về tỉnh bằng đường bộ và đường sắt lớn, nhiều tài xế xe chở hàng từ Đà Nẵng, Quảng Nam vào Bình Định và ngược lại vẫn chưa được kiểm soát và thực hiện cách ly y tế theo quy định, có trường hợp xe khách đón người từ Đà Nẵng về trả khách tự do trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để tăng cường công tác phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định yêu cầu hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tập trung tiến hành rà soát, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2  tại cộng đồng; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách bổ sung tất cả các trường hợp trở về từ Đà Nẵng kể từ ngày 1/7.

Tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng phải thực hiện cách ly tập trung, đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ và quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về cách ly y tế tại hộ gia đình, nơi cư trú.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường giám sát dịch bệnh tại các chốt kiểm tra y tế để kiểm soát nguồn bệnh từ đầu vào, nhất là tại các tỉnh, thành phố đã có bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo thông báo của Bộ Y tế; tập trung rà soát, kiểm soát người đến/về các địa phương trên địa bàn tỉnh từ vùng có dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, những người có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát sức khỏe phù hợp.

Nhân viên y tế tại khu vực cách ly đặc biệt bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
Nhân viên y tế tại khu vực cách ly đặc biệt bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy) 

Cũng giống như ở Huế, Bình Định, tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu những người về từ vùng có dịch phải thực hiện cách ly y tế.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, các trường hợp nguy cơ cao có đến những địa điểm mà Bộ Y tế thông báo có dịch COVID-19  phải cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ít nhất 2 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp về/đến Quảng Bình từ tỉnh Quảng Nam do đã qua 14 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng nên cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục áp dụng một số biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Hôm qua (8/9), Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo cập nhật vùng dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp cách ly, phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cách ly tập trung tất cả những người đến/đi từ Hải Dương (xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc kể từ ngày 2/9); TP. Hà Nội (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm kể từ ngày 28/8); TP. Đà Nẵng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn kể từ ngày 25/8; phường Hòa An, Quận Cẩm Lệ kể từ ngày 26/8; phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà kể từ ngày 28/8; huyện Hòa Vang kể từ ngày 29/8) phải cách ly tại nhà, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Người về từ Quảng Nam (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên kể từ ngày 20/8); TP. Hội An kể từ ngày 19/8; TP. Tam Kỳ kể từ ngày 17/8 và TP. Hải Dương kể từ ngày 23/8 cũng phải thực hiện cách ly tại nhà.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu tất cả những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nội phải khai báo y tế. Đối với người về từ TP. Đà Nẵng ngay khi đến Quảng Ngãi cần đến cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.