Bộ Y tế Việt Nam ứng phó thế nào với bệnh viêm phổi từ Trung Quốc?

VietTimes – Trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới về các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra chiều 15/1, ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã chia sẻ các phương án đối phó với dịch bệnh của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì buổi họp khẩn chiều 15/1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì buổi họp khẩn chiều 15/1.

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch đáp ứng phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) với 3 tình huống diễn biến dịch bệnh.

Nếu Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt, phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.

Nếu xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào nước ta, cơ quan chức năng ngay lập tức khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh, phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế bệnh lây lan ở mức thấp nhất và xây dựng hướng dẫn giám sát, sự phòng bệnh viêm phổi cấp do nCoV tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo ông Đặng Quang Tấn, kế hoạch được vạch ra trong bối cảnh thời tiết đang giao mùa đông – xuân và Tết Nguyên đán, sẽ có nhiều khách du lịch tới Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi khiến cho dịch bệnh lây lan dễ dàng giữa 2 quốc gia.

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời phỏng vấn báo chí về bệnh viêm phổi lạ.
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời phỏng vấn báo chí về bệnh viêm phổi lạ.

Vì vậy, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động áp dụng các kinh nghiệm, bài học từ việc chống dịch SARS vào năm 2003, MER-CoV và nhiều dịch bệnh khác; chủ động thực hiện các biện pháp ngăn dịch bệnh từ cửa khẩu.

Ngoài công tác chủ động phòng, chống dịch, công tác giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh kịp thời cũng rất quan trọng.

PGS.TS.Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết đã sẵn sàng tham gia vào công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp. Hệ thống giám sát bệnh viêm phổi nặng của Việt Nam đã được thiết lập từ lâu, luôn sẵn sàng hoạt động xét nghiệm, xác định virus gây bệnh viêm phổi.

PGS.TS.Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
PGS.TS.Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

“Chỉ trong vòng 10 ngày đầu năm 2020, các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến địa phương trong nước đã phát hiện 1 số trường hợp viêm phổi nặng. Họ đã gửi 12 mẫu bệnh phẩm viêm phổi tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Chúng tôi đã làm việc, kết quả phân tích cho thấy các trường hợp đó đều mắc viêm phổi do cúm và các tác nhân thông thường khác, không phát hiện trường hợp nào bị bệnh do virus corona mới” – PGS.TS. Trần Như Dương cho biết.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ chia sẻ thông tin bằng văn bản về loại virus gây bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc, chưa có mẫu virus gây bệnh (gồm mồi đặc hiệu và chứng dương).

5 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO - dành cho người dân về việc chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi lạ (Ảnh: WHO Việt Nam)
5 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO - dành cho người dân về việc chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi lạ (Ảnh: WHO Việt Nam)

PGS.TS. Trần Như Dương tin tưởng, với hệ thống giám sát hoạt động hiệu quả như trên, ngay khi mẫu virus gây bệnh ở Trung Quốc được chuyển tới Việt Nam, các bác sĩ hoàn toàn có thể xét nghiệm, chẩn đoán bệnh viêm phổi do virus corona mới trong vòng 24h – 48h.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh do điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng nổ. Thứ trưởng mong muốn người dân có được thông tin từ nhiều phía, nhiều chiều trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới nổi để không hoang mang, tự phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc nói riêng.