Theo hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, về mặt y học cổ truyền, chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đã gây ra đại dịch trên diện rộng. Hiện, dịch COVID-19 diễn biến phù hợp với đặc điểm của ôn dịch, nhiệt dịch độc theo lý luận của y học cổ truyền và quá trình diễn biến bệnh theo vệ, khí, dinh, huyết, tam tiêu.
Theo y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh COVID-19 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng. Vì thế, bệnh nhân có thể được sử dụng 1 số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác theo quy định để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh. Cụ thể, bệnh nhân có thể tự phòng bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc (tập thở, tự xoa bóp, xoa bóp toàn thân) hoặc dùng thuốc dùng ngoài (xông hơi phòng ở, nơi làm việc, sát khuẩn vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng,…); thuốc dùng trong (lựa chọn 1 số dược liệu, thuốc cổ truyền để bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng như: hoài sơn, trần bì, hoàng kỳ,…).
Quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế (Ảnh - MT) |
Để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn việc điều trị bằng y học cổ truyền được dùng cho bệnh nhân có chẩn đoán xác định COVID-19. Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh thầy thuốc sẽ kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.
Với bệnh nhân F0 không có triệu chứng, thầy thuốc sẽ căn cứ vào tình trạng và diễn biến cụ thể của người bệnh để kê đơn điều trị theo đối pháp lập phương. Thầy thuốc có thể tham khảo 4 bài thuốc gồm: Ngọc bình phong tán, nhân sâm bại độc tán, sâm tô ẩm và đạt nguyên ẩm. Hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý, mỗi phương pháp điều trị mới kê nên dùng trong 3 ngày. Nếu không xuất hiện triệu chứng thì tiếp tục sử dụng đến khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, nếu xuất hiện thêm triệu chứng thì phải gia giảm phù hợp.
Với bệnh nhân F0 mức độ nhẹ, y học cổ truyền chia làm 2 thể gồm: Thể hàn thấp và thể thấp nhiệt. Thầy thuốc có thể tham khảo 3 bài thuốc (Sâm tô ẩm, hoắc hương chính khí tán, nhân sâm bại độc tán gia giảm) để điều trị cho bệnh nhân thể hàn thấp. Còn bệnh nhân ở thể thấp nhiệt, thầy thuốc có thể sử dụng 3 bài thuốc (ngân kiều tán, tang cúc ẩm, thanh ôn bại độc ẩm) để sử dụng cho người bệnh.
Sau khi được điều trị tích cực và khỏi bệnh, theo y học cổ truyền thì cơ thể bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn, chính khí suy nhược, tân dịch hao tổn. Vì thế bệnh nhân cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng suy tạng phủ, cân bằng âm dương cơ thể. Bệnh nhân khỏi bệnh ở giai đoạn hồi phục được chia làm 4 thể gồm: Thể phế tỳ khí suy, thể khí âm lưỡng hư, thể khí hư huyết ứ và thể khí huyết hư.
Ở thể phế tỳ khí suy, bệnh nhân khí đoản, mệt mỏi, buồn nôn, ăn kém,… có thể được điều trị bằng 3 bài thuốc gồm: sâm linh bạch truật tán, hương sa lục quân tử thang, bổ trung ích khí thang.
Với thể khí âm lưỡng hư, bệnh nhân thường mệt mỏi, khí đoản, miệng khô, khát,…có thể được điều trị bằng bài thuốc sinh mạch tán, bảo nguyên thang, thập toàn đại bổ, nhân sâm dưỡng vinh thang, lục vị địa hoàng hoàn, dưỡng âm thanh phế thang.
Khi bệnh nhân ở thể khí hư huyết ứ thường mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau tức ngực,… thầy thuốc sẽ tham khảo các bài thuốc bảo nguyên thang.
Bệnh nhân ở thể khí huyết hư (tinh thần mệt mỏi,ho khan không đờm, ăn uống kém,..) có thể được điều trị bằng bài thuốc bát trân thang gia giảm.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của bệnh nhân, thầy thuốc có thể điều trị mà không cần dùng thuốc bằng phương pháp châm cứu, xoa bóp toàn thân, xông phòng ở, nơi làm việc, tập thở,…hoặc ăn uống theo thể trạng để nâng cao vệ khí.