Bộ Y tế họp khẩn ứng phó bệnh đậu mùa khỉ sau tuyên bố của WHO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chiều nay, 24/7, Bộ Y tế đã họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh này.

Cuộc họp khẩn diễn ra tại Bộ Y tế để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ vừa diễn ra chiều nay (24/7). Ảnh: Khoa Nguyễn.
Cuộc họp khẩn diễn ra tại Bộ Y tế để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ vừa diễn ra chiều nay (24/7). Ảnh: Khoa Nguyễn.

Nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất lớn

Cuộc họp khẩn của Bộ Y tế diễn ra vào chiều nay, 24/7, để bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, cùng sự tham gia cuả Văn phòng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các vụ, cục, viện của Bộ Y tế.

Xác định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, Bộ Y tế đã lập tức kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, tập huấn giám sát, dự phòng dịch,...

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, WHO thông báo đến 23/7/2022 đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc tại 75 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Nhưng đến hôm nay (24/7/2022), Việt Nam chưa có trường hợp bệnh đầu mùa khỉ nào. Tuy vậy, trên thế giới tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.

Bộ Y tế xác định, hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, số mắc tăng nhanh, phương thức lây truyền và đặc điểm của bệnh, của virus còn nhiều đặc tính cần tiếp tục nghiên cứu.

Vì thế, hàng loạt biện pháp đã được Bộ Y tế đưa ra.

Bộ Y tế đang phối hợp với WHO để kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp ứng phó

Bộ Y tế đang phối hợp với WHO để kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp ứng phó

Kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng

Ngay sau khi bệnh đậu mùa khỉ trở thành mối đe doạ toàn cầu được WHO ban bố, Bộ Y tế Việt Nam đã khẩn trương kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ (Pasteur).

Cùng với đó, Cục Y tế dự phòng cũng theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh, để báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ, Chính phủ từng tình huống bất thường xảy ra và điều chỉnh kịp thời các biện pháp phòng chống dịch.

Trước nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào, Cục Y tế dự phòng đề nghị đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, thậm chí có thể cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý các trường hợp có tiền sử mắc bệnh đậu mùa khỉ về từ vùng dịch, tăng cường sự tham gia của các cơ sở phòng chống dịch HIV/AIDS để cùng giám sát, dự phòng cho nhóm đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ lưỡng giới, mại dâm. Đồng thời, ngành y tế cũng xác định đẩy mạnh công tác truyền thông tới nhóm người này.

Như VietTimes mới đưa tin, đêm qua (23/7), theo giờ Việt Nam, ông Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ ở mức cảnh báo cao nhất.

Quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ được ra trong bối cảnh chưa có sự đồng thuận giữa các thành viên trong Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên hợp quốc hành động như vậy. Tổng Giám đốc WHO cho rằng đang có làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo WHO, ngày 21/5/2022, ghi nhận 92 ca bệnh xác định, 28 ca bệnh nghi ngờ tại 12 quốc gia, đến 22/6/2022, ghi nhận 3.413 ca mắc tại 50 quốc gia, đến 23/7/2022, WHO thông báo đã ghi nhận trên 16 nghìn ca mắc tại trên 75 quốc gia (gồm cả các quốc gia đang lưu hành dịch), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Hiện một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới, họ là đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada) và những người có quan hệ đồng giới nam, họ ở khu vực thành thị, và là những người tham gia trong nhóm trong mạng xã hội, tình dục ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ.