Những ngày gần đây, dư luận xã hội vẫn chưa hết “nóng” với những ý kiến bình luận xoay quanh việc hơn 200 nhân viên y tế ở Bệnh viện Bạch Mai đột ngột xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có một số bác sĩ đã gắn bó lâu năm với bệnh viện.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này, nhất là ý kiến chỉ đạo từ phía Bộ Y tế, PV đã liên hệ với PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế.
Chờ kết quả đánh giá cụ thể
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn cho biết: Phía Bệnh viện Bạch Mai đã có báo cáo chi tiết gửi lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị chức năng về việc 221 cán bộ, nhân viên nghỉ việc, chuyển công tác trong thời gian qua. Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể về báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai và sau đó có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Theo ông Sơn, hiện có rất nhiều thông tin khác nhau xung quanh một số vấn đề ở Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế chưa thể có ý kiến, bình luận gì mà phải chờ đánh giá cụ thể.
Để nhận được câu trả lời chính xác, khách quan về sự việc hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc từ phía Bộ Y tế, PV VietTimes đã trực tiếp liên hệ với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế để đặt câu hỏi. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo Vụ vẫn chưa có câu trả lời.
Để có thêm nhiều ý kiến khách quan, PV đã trao đổi với một nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, từng có hàng chục năm tham gia trực tiếp công tác chuyên môn, quản lý ở các bệnh viện. Vị lãnh đạo này cho rằng: Các vấn đề liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai được phản ánh trong thời gian qua cần sự lên tiếng thêm của Bộ Y tế để làm rõ sự việc, cung cấp thông tin chính xác cho người dân.
Vị này cũng cho rằng, bản thân ông thấy việc các bác sĩ ở bệnh viện công như Bạch Mai nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư làm việc không có vấn đề gì, quan trọng nhất là các bác sĩ dù ở đâu cũng phải phục vụ và chăm sóc tốt cho sức khoẻ của người dân, đúng theo quy định của ngành Y tế.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều xoay quanh vụ việc, không ít các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai đã phản ánh tình trạng nhân viên y tế phải tranh nhau găng tay y tế và vật tư y tế.
Khu vực khám sàng lọc bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - BVCC) |
Thông tin về vệc này, TS.BS. Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức-cán bộ Bệnh viện Bạch Mai - thừa nhận, đây là một khó khăn của bệnh viện và chính là áp lực đối với nhân viên y tế. Thực tế, do dịch COVID-19 và đấu thầu không thực hiện được do vướng về giá, các quy định,…nên găng tay y tế cũng không mua được.
"Bộ Y tế cũng không cung cấp được. Đây là vấn đề bất khả kháng của bệnh viện. Chúng tôi rất tạo điều kiện nhưng thực sự, bây giờ nhiều khi có tiền cũng không mua được thiết bị" – ông Thành nói.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Đây chỉ là ý kiến của phía Bệnh viện Bạch Mai, còn trách nhiệm trong việc đảm bảo vật tư y tế để hoạt động thuộc về Giám đốc Bệnh viện chứ không liên quan đến Bộ.
Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo những gì?
Sau khi hàng trăm nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác, ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – đã ký văn bản gửi lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, báo cáo chi tiết việc nhân lực xin thôi việc và chuyển công tác tại Bệnh viện.
Trong báo cáo này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trước đó, vào ngày 9/2, Bệnh viện đã có công văn báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, trong đó có nội dung về việc viên chức của Bệnh viện xin chuyển công tác đến cơ quan khác.
Số lượng người lao động thôi việc và chuyển công tác đến cơ quan khác từ 1/2/2020 đến nay là 221 người. Song song với 221 cán bộ chuyển công tác và thôi việc, kể từ ngày 1/2/2020 đến nay, Bệnh viện đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới là 506 người. Trong đó, Bệnh viện tuyển dụng, tiếp nhận 199 người là cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn (gồm: viên chức: 19 người, cán bộ Đại học Y và đơn vị khác kiêm nhiệm công tác: 24 người, hợp đồng lao động: 156 người.
Cùng với đó, Bệnh viện cũng tuyển dụng các cán bộ có trình độ chuyên môn cao gồm: GS, PGS: 5 người; Tiến sĩ: 4 người; Ths, BS nội trú, BSCKI: 98 người, Cử nhân Điều dưỡng hệ tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi: 24 người,… Bệnh viện đã ký hợp đồng lao động đối với 232 điều dưỡng, kỹ thuật y đã hoàn thành khóa đào tạo lớp nâng cao tay nghề do bệnh viện tổ chức năm 2019.
Ngoài ra, Bệnh viện còn ký hợp đồng lao động với 75 người làm việc ở vị trí việc làm tiếp đón, hướng dẫn, vận chuyển người bệnh,…nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - BVCC) |
Phân tích nguyên nhân người lao động thôi việc và chuyển công tác, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 – 2021 nên giai đoạn đầu thực hiện theo cơ chế tự chủ, Bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động. Đặc biệt, do tá động của dịch COVID-19, bệnh viện gặp khó khăn về nguồn tài chính.
Đáng chú ý, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá bảo hiểm y tế, chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá) dẫn đến nguồn thu, khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực cho bệnh viện bị hạn chế rất lớn. Cùng với đó, bệnh viện thực hiện không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá bảo hiểm y tế; triển khai chăm sóc toàn diện, cung cấp miễn phí dịch vụ cho bệnh nhân: cung cấp nước sôi, vận chuyển, ô che, máy sưởi,…
Chính vì những khó khăn trên mà tổng doanh thu của Bệnh viện năm 2020 đã giảm gần 2.000 tỉ so với năm 2019 (tương đương giảm 26%). Mặc dù Bệnh viện đã áp dụng mọi chính sách để hỗ trợ cán bộ viên chức bình ổn thu nhập (Hỗ trợ mỗi cán bộ, viên chức thêm 2 tháng lương đợt Bệnh viện bị phong tỏa vì COVID-19, hỗ trợ bình ổn thu nhập tăng thêm 6 tháng đầu năm 2020 với tổng kinh phí 120 tỉ đồng) nhưng thu nhập của cán bộ, viên chức vẫn bị giảm nhiều so với năm 2019.
Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý) |
Để hoạt động của Bệnh viện phù hợp với cơ chế tự chủ trong tình hình mới, Bệnh viện đã triển khai sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện rà soát vị trí việc làm, tinh giản những lao động dôi dư không cần thiết, bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm; giải thể những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp với sự phát triển của bệnh viện hiện nay, trong đó điển hình là: Giải thể đơn vị dịch vụ do Bệnh viện triển khai cung cấp miễn phí cho người bệnh như: nước uống, xe vận chuyển... đặc biệt ngừng dịch vụ tang lễ trong bệnh viện, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa tạo điều kiện cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế không bị ảnh hưởng tiếng ồn, cũng như gây tâm lý lo âu, buồn phiền... Qua đó, Bệnh viện đã tinh giản 62 lao động phổ thông dôi dư theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bệnh viện đã sáp nhập hệ thống nhà thuốc vào khoa Dược theo đúng quy định. Nếu như trước đây hệ thống nhà thuốc hoạt động độc lập có trên 10 nhà thuốc thì nay được sáp nhập vào Khoa Dược và được sắp xếp lại còn 5 nhà thuốc đảm bảo tinh gọn, hiệu quả và quy hoạch xây dựng Bệnh viện xanh, sạch, đẹp. Bệnh viện cũng đã tinh giản 51 lao động dôi dư có trình độ Trung cấp, Cao đẳng theo đúng quy định.
Chính vì những lý do trên, ông Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ Y tế sớm Ban hành giá trần dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để bệnh viện được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện triển khai các hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là các quyết sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ chính sách đãi ngộ khuyến khích người lao động, tạo điều kiện để bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.