Thuốc viên điều trị COVID-19 của Pfizer giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong gần 90% trong thử nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Pfizer cho hay các cuộc thử nghiệm cho thấy thuốc kháng virus của họ giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tới gần 90%.
Pfizer cho hay sẽ sớm xin cấp phép cho loại thuốc viên điều trị COVID-19 mà họ phát triển (Ảnh: AP)
Pfizer cho hay sẽ sớm xin cấp phép cho loại thuốc viên điều trị COVID-19 mà họ phát triển (Ảnh: AP)

Pfizer nói rằng loại thuốc kháng virus thử nghiệm chống COVID-19 của họ giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tới gần 90% ở nhóm người lớn có nguy cơ cao, trong lúc hãng dược phẩm Mỹ này gia nhập cuộc đua phát triển loại thuốc điều trị dễ sử dụng chống lại virus Corona chủng mới. Phần lớn các phương pháp điều trị COVID-19 hiện nay đều là tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch.

Một trong số những đối thủ của Pfizer, hãng dược Merck, mới đây đã cho ra mắt một loại thuốc điều trị dạng viên nhộng, hiện đang trong quá trình đánh giá tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ sau khi cho kết quả ban đầu hết sức khả quan. Trong hôm thứ Năm vừa qua, Vương quốc Anh chính thức trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng loại thuốc này.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia hiện chưa phê duyệt thuốc viên của Merck nhưng chính phủ liên bang tháng trước tuyên bố rằng họ đã đặt mua 300.000 liệu trình.

Pfizer cho hay họ sẽ yêu cầu FDA và các nhà quản lý quốc tế cấp phép cho thuốc viên của họ sớm nhất có thể. Ngay sau khi Pfizer nộp đơn xin cấp phép, FDA có thể đưa ra quyết định trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã lao vào cuộc đua phát triển một loại thuốc dạng viên điều trị căn bệnh này, sao cho việc trị bệnh trở nên dễ dàng hơn, bệnh nhân có thể mang thuốc về nhà uống để giúp giảm các triệu chứng, tăng khả năng hồi phục và giúp cho bệnh viện không bị quá tải.

Uống thuốc để điều trị COVID-19 ngay từ sớm “sẽ là bước tiến cực kỳ quan trọng”, John Mellors, trưởng nhóm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại ĐH Pittsburg, nhận định. “Nếu ai đó có những triệu chứng bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính, chúng ta có thể chuyển đơn thuốc tới một hiệu thuốc địa phương, giống như chúng ta từng làm với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác”, ông nói.

Nhóm người có nguy cơ cao tham gia thử nghiệm thuốc

Trong hôm 5/11, Pfizer công bố kết quả thử nghiệm sơ bộ đối với 775 người lớn. Những bệnh nhân được cho sử dụng thuốc viên của công ty này, cùng với một loại thuốc kháng virus khác, ngay sau khi họ xuất hiện những triệu chứng COVID-19, và kết quả là tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong của nhóm người này đã giảm tới 89% trong vòng 1 tháng, nếu so sánh với nhóm được uống giả dược.

Dưới 1% những bệnh nhân dùng thuốc viên của Pfizer phải nhập viện, trong khi không có người tử vong. Trong khi nhóm sử dụng giả dược có 7% nhập viện và 7 ca tử vong.

“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ đạt được điều gì đó đáng kể, nhưng thật hiếm khi được chứng kiến những loại thuốc có tỷ lệ hiệu quả lên tới gần 90% và 100% tránh được tử vong” – Mikael Dolsten, trưởng nhóm khoa học của Pfizer, cho hay.

Những người tham gia nghiên cứu đều chưa được tiêm vaccine và mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ cho tới trung bình, và được xem là có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong do có nhiều vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, béo phì hay bệnh tim. Việc điều trị bắt đầu trong khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày kể từ khi nhóm người bắt đầu có triệu chứng bệnh ban đầu, và kéo dài trong vòng 5 ngày.

Những bệnh nhân được uống thuốc sớm hơn cho thấy kết quả tốt hơn đôi chút, điều này cho thấy sự cần thiết phải uống thuốc và điều trị sớm.

Pfizer cũng đưa ra một số chi tiết về tác dụng phụ của thuốc, nhưng nói rằng tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ chỉ khoảng 20%.