Bộ trưởng Bộ Y tế: Chấm dứt tình trạng "2 tháng khám 80 lần" bằng lịch khám, chữa bệnh trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng "2 tháng khám tới 80 lần" gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh - BYT)
Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh - BYT)

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế - đưa ra tại hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, ngày 9/4 tại Hà Nội.

Ngăn chặn tình trạng khám vượt quá số lần quy định

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việc triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng "2 tháng khám 80 lần" mà báo chí đã phản ánh”.

Để hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh hoạt động có hiệu quả, ông Long yêu cầu hệ thống phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân - người dân chỉ cần nhập số sổ bảo hiểm y tế (BHYT) vào hệ thống đặt lịch, ngay lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến bệnh viện, người dân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt, khám với bác sĩ nào tại phòng bệnh nào.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hệ thống phải thiết lập 1 cổng duy nhất cho toàn bộ người dân truy cập, tránh tình trạng hệ thống khám, chữa bệnh ở bệnh viện nào thì chỉ sử dụng được ở trong bệnh viện đó.

Bộ Y tế Nguyễn Thanh Longyêu cầu hệ thống phải thiết lập 1 cổng duy nhất cho toàn bộ người dân truy cập (Ảnh - BYT)

Bộ Y tế Nguyễn Thanh Longyêu cầu hệ thống phải thiết lập 1 cổng duy nhất cho toàn bộ người dân truy cập (Ảnh - BYT)

Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện ra thì tất cả hồ sơ sức khoẻ bệnh nhân đã có trong phần mềm này (gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí có cả kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó). Qua phần mềm này, các bác sĩ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.

Hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến cùng hồ sơ sức khoẻ điện tử đều hướng tới mục tiêu chung là có một “bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định,… trong đơn thuốc.

Theo ông Long, để việc đặt lịch khám, chữa bệnh hoạt động hiệu quả, với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh và mọi dữ liệu đều do Bộ Y tế quản lý.

"Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ ngày 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú” – ông Long nói.

Theo Bộ trưởng, mặc dù quy định này “hơi mạnh" nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải mạnh và quyết liệt thì mới thực hiện được. Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi sổ trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

Nhiều bệnh viện làm “manh mún”

Thực tế, việc đặt lịch khám, chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã phát triển hệ thống này. Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - các bệnh viện vẫn đang làm “manh mún".

Theo ông Khuê, hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi mỗi đơn vị lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau dẫn đến tình trạng hồ sơ không được chia sẻ giữa các bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ. Vì thế, nền tảng công nghệ không được sử dụng chung. Hơn nữa, tại các bệnh viện khi thực hiện đặt lịch khám lại không gắn kết với bất cứ chương trình điều trị nào.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh - BYT)

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh - BYT)

Hiện, tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến rất thấp. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa - tỷ lệ người dân đặt lịch khám rất thấp. Hầu hết bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến. Trước đó, trong hội nghị chuyển đổi số y tế diễn ra vào cuối năm 2020, Bộ Y tế đã đưa ra "mục tiêu tham vọng" là từ ngày 1/7, bệnh viện phải giúp người dân tự đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc.

Đến nay, BHXH đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ BHYT và mã số BHXH. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ. Tuy nhiên, những thông tin trên hồ sơ sức khoẻ này vẫn đang dừng ở dạng "tĩnh" (tức là chưa khai thác, liên thông được).

Vì thế, hồ sơ sức khoẻ điện tử phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa. Hệ thống hồ sơ sức khoẻ và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến cần kết nối với các dịch vụ y tế khác khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Tới đây, việc quản lý người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hoá", đồng thời,. liên thông với hồ sơ sức khoẻ của người dân, nhằm quản lý sức khoẻ suốt đời.

Đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến đang được xây dựng, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết: Tại Bệnh viện, trước 5h sáng hàng ngày, thường xuyên có khoảng 70 bệnh nhân chờ thẩm định BHYT. Bệnh viện cũng phải bố trí từ 6-8 nhân viên thực hiện công tác này. Nếu hệ thống mới được triển khai thì bệnh viện vừa giải quyết tình trạng "cò bệnh viện", vừa bớt được thủ tục hành chính thủ công.

PGS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K – bày tỏ: Thời gian đầu, hệ thống nên triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, tin nhắn trước (gửi số sổ BHYT qua tin nhắn trong trường hợp người bệnh không có điện thoại thông minh).

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Lê Văn Quảng, GS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E – cho rằng: Hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến cần triển khai ở bệnh nhân ngoại trú trước, nội trú sau. Sau đó sẽ triển khai thanh toán các chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.

Bổ sung thêm về những tiện ích hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế gợi ý hệ thống cần tích hợp chức năng khai báo y tế phòng dịch COVID-19 trực tuyến với người đến các cơ sở khám chữa bệnh, tránh phiền nhiễu, xếp hàng, mất thời gian và gây ùn ứ. Điều này sẽ hướng tới ứng dụng hồ sơ sức khoẻ của người dân sau khi tải về điện thoại thì khi đến cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR code là đã chứng minh được sự có mặt tại cơ sở y tế đó, chi tiết tới từng các khoa phòng.

"Sắp tới, Bộ Y tế sẽ lựa chọn một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh để thí điểm trước hệ thống này, sau đó sẽ đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng triển khai toàn quốc. Đây là việc cần làm" – Bộ trưởng cho hay.