Bố bé trai học sinh Trường Gateway tử vong: “Sự ra đi của con tôi còn rất nhiều uẩn khúc!”

VietTimes -- Ngày 14/1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, ông Lê Văn Sơn – bố cháu Lê Hoàng Long - cho rằng bản cáo trạng do Viện Kiểm sát công bố vẫn sơ sài, chưa chỉ rõ được sai phạm và ông mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, làm rõ.
Ông Lê Văn Sơn – bố cháu Lê Hoàng Long (áo đen ở giữa). Ảnh: Minh Thúy
Ông Lê Văn Sơn – bố cháu Lê Hoàng Long (áo đen ở giữa). Ảnh: Minh Thúy

Mong muốn Hội đồng xét xử làm rõ

Tại phiên tòa, ông Lê Văn Sơn cho biết: “Vụ việc của con tôi có rất nhiều vấn đề còn khúc mắc. Gia đình tôi chưa nhận thấy điều gì sáng tỏ, bản cáo trạng do Viện Kiểm sát công bố vẫn sơ sài, chưa chỉ rõ được sai phạm, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, làm rõ và bổ sung.”

Theo ông Sơn, khi theo học tại Trường Tiểu học Gateway, gia đình đã tin tưởng đăng ký cho cháu ăn cả ngày ở trường. Tuy nhiên, khi thấy cháu Long vắng mặt, gia đình đã không được giáo viên chủ nhiệm, cũng như nhà trường thông báo về việc cháu Long không đến lớp.  

Bị hại - ông Lê Văn Sơn tại phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy
Bị hại - ông Lê Văn Sơn tại phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy

Khi cháu Long được đưa vào viện cấp cứu, gia đình mới nhận được thông báo. Gia đình đã liên tục gọi vào số máy hotline của nhà trường, sau đó được một người phụ nữ nhắn là đã đưa cháu đi cấp cứu. Tiếp tục gọi vào số máy đó thì nhận được thông tin là cháu đã được đưa đến Bệnh viện E.

“Hiện, gia đình có văn bản gửi tòa án về trách nhiệm dân sự. Đối với nhà trường, cô giáo Thủy tôi không yêu cầu trách nhiệm dân sự. Đối với các bị cáo còn lại, gia đình yêu cầu trách nhiệm dân sự (người liên quan: Bị cáo Quy, Phiến). Sự ra đi của con tôi là mất mát vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được. Gia đình chúng tôi đã mất rất nhiều lần để làm các lễ nghi, thủ tục vì sự ra đi của con tôi có rất nhiều uẩn khúc. Các bị cáo đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng” – ông Sơn nói.

Bố cháu Long (người cầm tập giấy trắng) trao đổi cùng luật sư trước khi tham dự phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy
Bố cháu Long (người cầm tập giấy trắng) trao đổi cùng luật sư trước khi tham dự phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy

Khi được Hội đồng xét xử xét hỏi, bị cáo Doãn Quý Phiến – tài xế lái xe cho biết: Bị cáo mới thực hiện việc lái xe đưa đón trẻ với thỏa thuận là lái xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, bị cáo không nắm được có bao nhiêu cháu lên xe ô tô. Bị cáo chỉ nhận được một danh sách của Công ty TNHH Vận Tải và Du Lịch Ngân Hà có ghi địa chỉ đón các cháu, còn đón cháu nào thì bị cáo không biết.

Bị cáo Doãn Quý Phiến trả lời Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy
Bị cáo Doãn Quý Phiến trả lời Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy

Vào sáng ngày 6/8/2019, bị cáo đến đón bà Quy. Khi đến đón học sinh, bị cáo chỉ ngồi trên xe và không để ý thấy có cháu Long.

Sau khi đến trường, bà Quy mở cửa xe đưa học sinh xuống và đóng cửa, không kiểm tra lại xe. Bị cáo chỉ thực hiện đúng chức năng là tài xế lái xe. Do thành ghế của xe cao, gương chiếu hậu không bao quát hết nên bị cáo không nắm được toàn bộ học sinh trên xe. Sau khi đưa đón học sinh xong, bị cáo đánh xe vào gần sân bóng, sát đường đi lại tại ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hơn 3h chiều, ông Phiến ra bãi đỗ xe để lái xe đến trường đón học sinh. Khi lên xe ở trường, ông Phiến phát hiện cháu Long nằm ngay sau ghế lái xe, sau đó có một anh bế cháu vào cấp cứu. Sau khi cháu Long được đưa đi cấp cứu, ông Phiến tiếp tục đưa đón học sinh.  

Sau khi xét hỏi, bị cáo Phiến đã nhận thấy rõ trách nhiệm không kiểm tra xe khi đưa đón học sinh.

Nhân viên bảo vệ ký túc xá Học viện báo chí và Tuyên truyền làm thủ tục tham dự phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy
Nhân viên bảo vệ ký túc xá Học viện báo chí và Tuyên truyền làm thủ tục tham dự phiên tòa. Ảnh: Minh Thúy

Anh Nguyễn Công Quân – nhân viên bảo vệ ký túc xá Học viện báo chí và Tuyên truyền – cho biết: Lúc ông Phiến đánh xe đi, tôi chưa trực. Vào khoảng 8h kém tôi thấy ông Phiến đánh xe về ký túc xá, tôi mở cửa cho vào. Sau đó, tôi không rõ ông Phiến về nhà lúc nào. Trong ca trực, tôi không thấy có điều gì bất thường tại ký túc xá của Học viện. 

Cô giáo chủ nhiệm không thông báo cháu Long vắng mặt

Khi được xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo Trường Tiểu học Gateway - cho biết, năm học 2019-2020, bị cáo được phân công nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm, dạy môn Tiếng Việt lớp 1 Tokyo với tổng cộng 17 học sinh.

Năm học mới, các giáo viên được tập huấn về sổ tay giáo viên chủ nhiệm, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của giáo viên với nội dung điểm danh học sinh, quản lý học sinh bằng phần mềm sycamore. 

Bị cáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo Trường Tiểu học quốc tế Gateway. Ảnh: Minh Thúy
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo Trường Tiểu học quốc tế Gateway. Ảnh: Minh Thúy

Bị cáo Thủy có tham gia buổi tập huấn do nhà trường tổ chức và được nhận check list từ sổ tay giáo viên.

Ngày 6/8/2019, bị cáo có điểm danh, thấy thiếu học sinh Lê Hoàng Long. Do chưa thao tác được trên phần mềm nên bị cáo đã nhờ giáo viên lớp bên cạnh hướng dẫn điền vào phần mềm. Tại buổi họp phụ huynh trong năm học mới, bị cáo không hướng dẫn cho phụ huynh học sinh thao tác trên phần mềm sycamore để liên hệ với nhà trường.

Khi thấy cháu Long vắng mặt không phép, bị cáo Thủy không liên hệ với phụ huynh học sinh trong khi sổ tay giáo viên chủ nhiệm nhà trường đã quy định rõ phải liên lạc với phụ huynh học sinh khi thấy học sinh vắng mặt.

Sau khi bị cáo Thủy trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Trường Tiểu học Gateway cho hay, nhà trường đã nhận rõ trách nhiệm của giáo viên và thực hiện bồi thường tổn thất cho gia đình cháu Long.

Theo nhân viên y tế tại Trường Tiểu học Gateway, ngày 6/8 khoảng 16h chiều bé Long được đưa vào cấp cứu tại phòng y tế của nhà trường. Khi cấp cứu, cháu được đặt trên giường. Thời điểm đó người cháu cứng, tím tái, không có dấu hiệu thở.

PV VietTimes sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến tại phiên tòa.