Tính từ ngày 24/7 đến nay đã hơn một tháng, bệnh nhân 416 (BN416), là nam, 57 tuổi, trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 trong đợt dịch mới bùng phát tại Đà Nẵng, vẫn đang diễn biến rất nặng.
Bệnh nhân được đặt ECMO - thiết bị tim phổi nhân tạo - từ 24/7, một ngày trước khi chính thức được công bố dương tính SARS-CoV-2 (25/7), do diễn biến tăng nặng rất nhanh. Ngày 6/8, bệnh nhân này được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Như thế, đến nay, BN416 đã có 31 ngày chạy ECMO.
BS Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy - đang được tăng cường cho Đà Nẵng, có mặt tại Khu điều trị đặc biệt BN nặng COVID-19 cho biết, trong quá trình điều trị, hôm 18/8, BN416 chuyển âm tính một lần với SARS-CoV-2, tuy nhiên từ ngày 20-24/8, BN416 lại dương tính 3 lần. Từ hôm 24/8, BN416 được dùng thêm hai loại thuốc được chuyển từ BV Chợ Rẫy (TP HCM) ra để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.
“Hiện bệnh nhân này còn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở. Đánh giá trên siêu âm phổi cho thấy đông đặc phổi của bệnh nhân còn nhiều và có tình trạng xơ phổi. X quang phổi của bệnh nhân rất xấu” - BS Trần Thanh Linh nói.
Các BS giải thích với nhu mô phổi của một người khỏe mạnh, bình thường sẽ ở tình trạng xốp. Khi các nhu mô phổi bị viêm, ở những vùng phổi tổn thương các phế nang xung huyết trở nên đông đặc hơn do chứa đầy dịch tiết, làm tăng tỷ trọng nhu mô phổi được gọi là hội chứng đông đặc phổi.
Còn xơ phổi là tình trạng bệnh mạn tính, trong đó mô ở sâu bên trong phổi bị tổn thương, dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi và tạo sẹo. Các sẹo này gọi là xơ phổi.
BS Linh đọc kết quả hình ảnh chụp phổi của BN nặng COVID-19 (Ảnh: Lê Bảo, Tuấn Dũng)
|
“Điểm khác biệt là BN91 chỉ mắc bệnh béo phì chứ không có bệnh nền nhiều như BN416. Trong đó, đặc biệt BN416 bị tăng huyết áp. Hơn nữa BN416 vẫn dương tính SARS-CoV-2 sau hơn một tháng điều trị. Các thay đổi về thông số không đáp ứng, bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, hình ảnh X quang phổi của bệnh nhân cho thấy đã bắt đầu xơ phổi, không còn là phổi đông đặc có khả năng hồi phục” – BS Trần Thanh Linh trao đổi.
Chiều hôm qua, trường hợp của BN416 được đưa ra hội chẩn online cấp quốc gia với Tiểu ban điều trị COVID-19 và các BS tại các điểm cầu trên toàn quốc. Trong hội chẩn online, các BS cũng đưa ra giả thuyết, chờ BN416 sạch hoàn toàn SARS-CoV-2, đánh giá thể tích, chức năng phổi, cùng các điều kiện khác để tính toán khả năng ghép phổi.
Từ điểm cầu BV Chợ Rẫy tham gia buổi hội chẩn online, đại diện lãnh đạo BV này nhận định trường hợp BN416 còn nặng hơn, khó hơn cả BN91 - người từng có thời gian điều trị kỷ lục tại Việt Nam, cũng từng tiên lượng tử vong cao nhưng sau đó hồi phục kỳ diệu và đã trở về quê hương Anh.
“Tuy nhiên, trước diễn biến nặng của BN416, các BS điều trị vẫn đang cố gắng hết sức, hiện tại BN416 ổn” - BS Trần Thanh Linh từ khu cách ly trả lời ngắn gọn với phóng viên VietTimes.