Biển Đông: Tàu sân bay Mỹ giương oai nhằm 3 mục đích

VietTimes -- Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến Biển Đông lần này để đảm bảo tự do đi lại, tiến hành phô diễn sức mạnh, tăng cường ảnh hưởng khu vực, cổ vũ đồng minh, tăng cường diễn tập ở Biển Đông.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Trang mạng Trung Quốc ngày 15 tháng 2 cho rằng cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ thuộc chỉ huy của Hạm đội 3 Mỹ, nhưng nay đã đi vào khu vực thuộc "quản lý" của Hạm đội 7, mục đích chính là thực hiện "chi viện lẫn nhau" giữa hai hạm đội này.

Hiện nay, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ đang đến Biển Đông. Cụm tấn công tàu sân bay này xuất phát từ căn cứ hải quân San Diego, bờ biển phía tây nước Mỹ vào ngày 5 tháng 1 năm 2017, bắt đầu triển khai ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ngày 13 tháng 1, tàu khu trục USS Michael Murphy DDG 112 xuất phát từ Trân Châu Cảng, gia nhập cụm tấn công tàu sân bay này. Ngày 10 tháng 2, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến căn cứ hải quân Guam, Mỹ.

Tàu sân bay USS Karl Vinson được khởi công chế tạo tại nhà máy đóng tàu Newport News, Mỹ; biên chế vào ngày 13 tháng 3 năm 1982. Tàu sân bay này có lượng giãn nước đầy 92.955 tấn, là một trong 3 tàu sân bay lớp Nimitz có lượng giãn nước nhỏ nhất, lần lượt nhỏ hơn tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và 6 tàu sân bay tiếp theo là 4.978 tấn và 10.682 tấn.

Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson ngoài tàu khu trục USS Michael Murphy vừa đề cập trên, còn có tàu tuần dương USS Lake Champlain CG 57 lớp Ticonderoga và tàu khu trục USS Wayne Meyer DDG 108 lớp Arleigh Burke.

Máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons
Máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons

Những tàu chiến cỡ lớn này đều từng hoạt động ở Biển Đông. Phối thuộc còn có liên đội máy bay thứ hai của Hải quân Mỹ, bao gồm phi đội tác chiến máy bay trực thăng HSC-4, phi đội tấn công máy bay trực thăng HSM-78, phi đội máy bay cảnh báo sớm VAW-113, phi đội tấn công điện tử VAQ-136, phi đội chi viện hậu cần hạm đội VRC-30 và phi đội máy bay chiến đấu tấn công VFA-2, VFA-34, VFA-137, VFA-192.

Theo thông tin từ trang mạng Hải quân Mỹ, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến Biển Đông lần này để đảm bảo tự do đi lại, là một đợt triển khai thường lệ, nhưng có ý nghĩa sâu xa:

Một là phô diễn sức mạnh, tăng cường ảnh hưởng khu vực. Những năm gần đây, Mỹ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quan chức cấp cao Quân đội Mỹ như Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris rất muốn triển khai các hành động quyết đoán đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hơn nữa, Hải quân Mỹ không ngừng điều động tàu chiến và máy bay thường xuyên hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke gồm USS Lassen DDG 82 và USS William P.

Lawrence DDG 110 đã lần lượt tiến hành tuần tra ở vùng biển 12 hải lý của các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), thách thức yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc.

Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có tính chất không xác định, Hải quân Mỹ điều động cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến Biển Đông nhằm phô diễn sức mạnh, mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng xây dựng phi pháp đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa.

Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ tiếp tế trên biển. Ảnh: Sina
Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ tiếp tế trên biển. Ảnh: Sina

Hai là cổ vũ các đồng minh, tăng cường lòng tin cho đồng minh. Hiện nay, tình hình Biển Đông từng bước có xu hướng ổn định. Các nước như Philippines mong muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình.

Trong bối cảnh lớn căn cứ hải quân Yokosuka Nhật Bản có tàu sân bay USS Ronald Reagan, Quân đội Mỹ tiếp tục điều động cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, hơn nữa sẽ tiến hành diễn tập liên hợp trên biển với đồng minh và thăm cảng biển một số nước.

Một mục đích quan trọng của Mỹ là tạo ra “hậu thuẫn” về sức mạnh quân sự, cổ vũ cho các đồng minh như Philippines, Nhật Bản, khuyến khích họ tiếp tục tự tin hành động hơn nữa ở Biển Đông, tăng cường tiếng nói và quyền chủ động của Mỹ ở khu vực Biển Đông.

Ba là tăng cường diễn tập, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu. Trên đường đến Biển Đông, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ tiến hành tập luyện thường xuyên hoặc diễn tập song phương, bao gồm tác chiến săn ngầm, diễn tập cơ động, tấn công hỏa lực..., tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến tổng hợp.

Điều đáng chú ý là cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn do Hạm đội 3 Mỹ chỉ huy. Cho dù hoạt động ở vùng biển do hạm đội khác quản lý, quan hệ chỉ huy vẫn được giữ nguyên như cũ. Mục đích chủ yếu là để thực hiện sự chi viện lẫn nhau giữa Hạm đội 3 và Hạm đội 7, duy trì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và 2 máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Malaysia cùng bay trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tập trận trung. Ảnh: US Navy
Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và 2 máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Malaysia cùng bay trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tập trận trung. Ảnh: US Navy