Mới đây, thứ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Robert Work đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nếu Trung Quốc cố tình thiết lập ở Biển Đông.
Trung Quốc trước đó đã không bác bỏ khả năng lập ADIZ. Cả phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc và phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đều ngang nhiên nói rằng ADIZ không phải là mối đe dọa và việc này có thể được thực hiện trong tương lai.
Theo Lầu Năm Góc, nếu Trung Quốc tuyên bố một ADIZ, không chỉ đẩy căng thẳng khu vực dâng cao mà còn tăng nguy cơ đụng độ quân sự cả trên không và trên biển với Mỹ. Một vùng nhận diện phòng không như vậy có thể sẽ báo hiệu một giai đoạn Bắc Kinh đẩy mạnh mưu đồ bá chủ khu vực, điều mà tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cảnh báo.
Tình báo Mỹ đang theo dõi sát sao các phát ngôn cũng như hành động của Trung Quốc và kết luận hồi tháng trước rằng Bắc Kinh có vẻ sắp tiến tới áp đặt khu nhận diện phòng không. Một trong những chỉ dấu quan trọng theo giới chức Mỹ là việc Trung Quốc cho rằng an ninh hàng không trên biển bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chiến đấu cơ và máy bay trinh sát của Mỹ mà Lầu Năm Góc vẫn thường xuyên phái đi thực hiện các chuyến tuần tra không hạn chế ở không phận quốc tế.
Báo chí nhà nước Trung Quốc từ tháng 10/2015 bắt đầu tăng cường kêu gọi thiết lập một khu nhận diện phòng không của Trung Quốc ở Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc lu loa trùng khớp với sự kiện tàu khu trục Mỹ đầu tiên thực hiện tuần tra hàng hải ở Biển Đông sau nhiều năm.
Giới chức Mỹ cho biết nếu như cùng phương thức từng được sử dụng năm 2013 để áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể sẽ thông báo an ninh hàng không ở Biển Đông bị đe dọa và ngay sau đó thiết lập khu nhận diện phòng không.
Một trong những nhân tố then chốt thúc đẩy động thái này có thể là việc Tòa thường trực trọng tài quốc tế tại Hague vào cuối tháng 4 này hoặc đầu tháng 5 tới ra một phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một ấn phẩm chính thức của Trung Quốc xuất bản tháng trước, nhà nghiên cứu quân sự Wang Hongliang thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc gia Trung Quốc ở Thượng Hải, đã đăng một bài phân tích nhận định Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu một máy bay Mỹ bị bắn hạ trên Biển Đông.
Wang chủ quan nhấn mạnh Washington sẽ phản ứng theo một trong ba cách: nhanh chóng trả đũa quân sự tiếp sau răn đe ngoại giao và quân sự; tăng áp lực ngoại giao thông qua răn đe quân sự mà không sử dụng lực lượng vũ trang; phát động một cuộc tấn công quy mô nhỏ nhằm vào các mục tiêu quân sự và chiến lược ở Biển Đông và rồi nhanh chóng xuống thang để tránh một cuộc chiến tổng lực.
Chuyên gia Trung Quốc kết luận rằng vì Trung Quốc không thiết lập một khu nhận diện phòng không nên “quân đội Trung Quốc không có bất cứ quy định an toàn bay nào tại cái gọi là “không phận tranh chấp” để có thể tuyên cáo với các bên nước ngoài”. Do đó, Wang đề xuất sớm thành lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. “Nếu như máy bay Mỹ lọt vào vùng không phận này, Bắc Kinh sẽ đương nhiên có quyền bắn hạ chúng, phù hợp với quy chế vùng sở hữu các đảo. Việc này không vi phạm luật pháp quốc tế”, Wang đe dọa.
Đô đốc Harris, tư lệnh PACOM đã tuyên bố rằng các cơ sở quân sự gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông như các đường băng hiện có, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ-62 có thể dễ dàng bị lực lượng vượt trội của Mỹ tiêu diệt bằng các đòn tấn công chính xác trong một cuộc xung đột.
Do thế, Trung Quốc đang tìm cách tránh một cuộc đụng độ quân sự đối đầu với Mỹ và thay vào đó đang sử dụng “tam chiến pháp” (chiến tranh pháp lý, chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin) để đạt mục tiêu biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Và bài báo đầy khiêu khích về việc bắn hạ máy bay Mỹ rõ ràng là một phần trong cuộc chiến cân não của Trung Quốc với Mỹ, cũng như bộc lộ những mưu đồ của Bắc Kinh hòng tăng cường kiểm soát Biển Đông.