Chưa đầy 2 tháng sau khi đưa ra tuyên bố về Tầm nhìn Chiến lược Quan hệ Mỹ-Ấn Độ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama, một trong những tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc chẳng có quyền gì để phản đối các hoạt động của hải quân Ấn Độ ở khu vực Biển Đông chiến lược.
Đô đốc Harry Harris Jr – người chịu trách nhiệm về hoạt động của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhấn mạnh: “Biển Đông là vùng lãnh hải quốc tế và Ấn Độ có thể hoạt động tự do ở khu vực này bất kỳ khi nào họ muốn".
Trung Quốc trên thực tế từng can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Ấn Độ ở Biển Đông. Năm 2011, Trung Quốc từng xua đuổi một tàu chiến của Ấn Độ đi lại hợp pháp và đúng luật ở Biển Đông. Năm 2014, Trung Quốc cũng phản đối việc Ấn Độ tham gia vào một dự án thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp với Việt Nam ở vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam .
Bày tỏ quan ngại về những cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông, Đô đốc Harris cho biết: "Tôi rất quan ngại khi thấy quá trình bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi cho rằng, đó là hành động khiêu khích và nó khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Tôi rất lo ngại về điều đó. Đối với tất cả chúng tôi, chúng tôi lo ngại về sự tự do hàng hải. Nó khiến chúng tôi phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và hoạt động bồi đắp, xây dựng, cải tạo dồn dập của nước này. Những hành động đó trên thực tế đang làm thay đổi thế nguyên trạng và những dữ liệu thực tế ở đây”.
Mặc dù Đô đốc Mỹ không đề cập đến sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương nhưng mối quan tâm chính của ông này là bảo đảm an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, rất phù hợp với tuyên bố chung được phái đoàn Mỹ và Ấn Độ đưa ra trong chuyến thăm đến New Delhi của Tổng thống Obama hồi tháng 1 đầu năm nay.
Về phần mình, Trung Quốc lại đang gây bất bình về việc đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện tham vọng của họ. Hành động của Trung Quốc liên tục gây sóng gió trong khu vực, khiến nhiều người lo ngại xung đột vũ trang có thể bùng phát bất kỳ lúc nào ở Biển Đông. Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối.
Mặc dù chưa được công bố công khai và chính thức nhưng Mỹ xem Ấn Độ như là một phần chính then chốt trong chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ bởi vì Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất trong khu vực mà còn do Ấn Độ là một đối tác huấn luyện hữu ích đang tham gia cùng với Hải quân Mỹ vào các cuộc tập trận cấp cao ngoại lệ trong loạt cuộc tập trận hàng năm mang tên Malabar. Những cuộc tập trận này được tổ chức vào mùa thu. Theo Đô đốc Harris cho biết, ông này "đã tham gia vào cuộc tập trận Malabar năm 1995 và hiện tại các bạn hãy xem cuộc tập trận Malabar 2014. Đó là những bước nhảy vọt rất nhanh. Tôi muốn tăng cường các bài tập chiến dịch đặc biệt cùng với Ấn Độ".
Năm ngoái, Ấn Độ đã tổ chức cuộc tập trận Malabar trong đó có sự tham gia của Nhật Bản – một đồng minh mạnh của cả New Delhi và Washington . Australia – một đồng minh khu vực khác của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực, cũng quan ngại về sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.
Trong khi Ấn Độ và Mỹ cùng cam kết hợp tác với Trung Quốc về mặt kinh tế thì một trật tự chiến lược mới dường như đang trong quá trình định hình ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với Mỹ đóng vai trò như người anh lớn.
"Như một phần của sự nổi lên trở lại của Mỹ ở khu vực, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ ngày càng phình ra. 60% lực lượng của Hải quân Mỹ sẽ dồn về hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2020", Đô đốc Harris cho biết. Mỹ coi Ấn Độ là một phần quan trọng trong trật tự chiến lược mới nói trên. Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò như một “trụ cột” trong lực lượng tái cân bằng chiến lược ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoặc ít nhất là tham gia vào các hoạt động hải quân đa phương nhằm tạo sự ổn định lớn hơn cho khu vực được cho là ngày càng có vị trí quan trọng này.
Theo: VnMedia