Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 4/3, một phóng viên (không được nêu tên) liên tục nêu câu hỏi về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu: “Trước đây, Trung Quốc đã bình luận về suy đoán của giới truyền thông rằng virus gây dịch bệnh COVID-19 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Hiện tại, các thông tin về nguồn gốc của virus, “bệnh nhân Số 0” vẫn đang xôn xao. Có cơ quan truyền thông nói vi-rút này là “Made in China” và trên mạng internet có các luận điểm về “virus Trung Quốc” và “virus Vũ Hán”. Xin hỏi về bình luận của Trung Quốc về những vấn đề này?”.
Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), Người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Cá biệt cơ quan truyền thông cực kỳ vô trách nhiệm khi gọi virus Corona chủng mới là “virus Trung Quốc”. Chúng tôi kiên quyết phản đối hành vi này”.
Ông Triệu Lập Kiên: gọi virus Corona chủng mới là “virus Trung Quốc” là cực kỳ vô trách nhiệm (Ảnh: CNS)
|
Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng, trước hết, việc truy xuất nguồn gốc của virus vẫn đang được tiến hành và chưa có kết luận nào được đưa ra. Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần tuyên bố rằng virus Corona chủng mới là một hiện tượng toàn cầu và nguồn gốc của nó vẫn chưa xác định được. Vào lúc này, điều cần quan tâm là làm thế nào kiềm chế virus và tránh ngôn ngữ kỳ thị khu vực. Virus Corona chủng mới được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là “COVID-19”, có nghĩa là tên này không liên quan đến bất kỳ khu vực hoặc quốc gia nào.
Thứ hai, phải cùng nhau phản đối “virus thông tin” và “virus chính trị”. Trong trường hợp không có bất kỳ cơ sở thực tế nào mà cá biệt cơ quan truyền thông gọi bừa virus Corona mới là “virus Trung Quốc” với ý đồ giá họa cho Trung Quốc trách nhiệm gây ra thảm họa dịch bệnh; đó hoàn hoàn là hành vi có dã tâm xấu. Dịch bệnh COVID-19 là một thách thức chung của tất cả các nước trên thế giới. Cộng đồng quốc tế nên đồng tâm hiệp sức, chung tay đối phó với nó mới là con đường đúng đắn nhân loại cần đi. Cùng nhau chống lại tin đồn và định kiến là đạo lý cần có.
Ông Chung Nam Sơn: Dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng không nhất thiết phát nguồn ở Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Đa Chiều nhận xét, đáng chú ý là khi trả lời câu hỏi này, Triệu Lập Kiên đã dẫn lời ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia bệnh hô hấp có uy quyền ở Trung Quốc và là một Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc nói về nguồn gốc của virus.
Một tuần trước đó (ngày 27/2), ông Chung Nam Sơn nói tại cuộc họp báo đặc biệt lần thứ 24 về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh do Văn phòng Thông tin chính quyền thành phố Quảng Châu tổ chức: “Đối với việc dự đoán tình hình dịch bệnh, đầu tiên chúng tôi xem xét Trung Quốc, không xem xét đến nước ngoài. Hiện nay nước ngoài đã xuất hiện một số tình hình. Dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng không nhất thiết phát nguồn ở Trung Quốc”.
Ông Chung Nam Sơn cũng nói: “Hiện nay nó đã được truyền từ người sang người, nhưng virus này đến từ đâu vẫn còn nhiều nghi vấn. Phát hiện ca mang virus đầu tiên là từ giữa đến cuối tháng 12, không biết liệu nó đã tồn tại trước đó hay chưa”.
Luận điểm này của ông Chung Nam Sơn đã bị một học giả Trung Quốc khác lên tiếng bác bỏ. Ông Trương Văn Hồng, Tổ trưởng Nhóm chuyên gia điều trị y tế COVID-19 thành phố Thượng Hải và Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phục Đán (Fudan), ngày 28/2 khi trả lời phỏng vấn tờ báo tiếng Anh China Daily đã phản bác luận điểm nguồn gốc nCoV có thể không phải Trung Quốc của ông Chung Nam Sơn. Ông Trương Văn Hồng cho rằng Trung Quốc chỉ có mỗi Vũ Hán là nơi bệnh truyền nhiễm xuất hiện đầu tiên. Nếu nó được truyền từ bên ngoài vào Trung Quốc, nó sẽ bắt đầu cùng một lúc tại một số thành phố Trung Quốc, chứ không nơi trước nơi sau về thời gian như đã xảy ra. Ông cũng cho rằng đừng lẫn lộn giữa COVID-19 và dịch cúm bởi vì COVID-19 có những biểu hiện rất đặc trưng trong kiểm tra CT nên dễ dàng phân biệt.
Ông Trương Văn Hồng: virus Corona chủng mới có nguồn gốc Vũ Hán (Ảnh: CNS)
|
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này hôm thứ Sáu 28/2 khi trả lời phỏng vấn của China News Weekly lại bày tỏ: nguồn gốc virus là một vấn đề nhạy cảm, nhưng nhất định phải có “căn cứ xuất phát chính xác”. Cái gọi là cơ sở xuất phát gồm hai khía cạnh: “Thứ nhất, virus này xuất hiện khi nào và xuất hiện lần đầu tiên ở đâu? Cần phải điều tra thứ tự trước sau. Thứ hai, chúng ta cần tìm vị trí của nó trên cây tiến hóa. Sự tiến hóa của các gene phía sau phải là trên cơ sở của gene trước đó”. Ông Trương Văn Hồng cho rằng hai khía cạnh trên nên phải được xem xét cùng nhau và “tránh tùy tiện công bố thông tin khi chứng cứ không đầy đủ”, nếu không sẽ gây rắc rối.