GS. TS. Nguyễn Văn Kính:

Bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 không phải điều trị bất kỳ loại thuốc nào

VietTimes -- Trước nhiều ý kiến thắc mắc xoay quanh việc một số bệnh nhân mắc COVID-19 tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được công bố khỏi bệnh, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - để lý giải về vấn đề này.
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

PV: Bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 có gì đặc biệt thưa ông?

GS. TS. Nguyễn Văn Kính: Sau khi bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi về mặt lâm sàng (hết sốt 3 ngày, xét nghiệm 2 lần cách nhau 24h có kết quả âm tính), bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và tiếp tục được theo dõi 14 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi khỏi bệnh được theo dõi, cách ly ở cộng đồng đã tái dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong quá trình theo dõi các bệnh nhân tái dương tính, chúng tôi nhận thấy người bệnh không có bất kỳ một dấu hiệu lâm sàng nào. Người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường.

Trước đó, khi các bác sĩ tiến hành làm xét nghiệm lần cuối mới phát hiện bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

11 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh ngày 5/5/2020. Ảnh: Minh Thúy
11 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh ngày 5/5/2020. Ảnh: Minh Thúy 

PV: Tại Bệnh viện, bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 đã điều trị loại thuốc gì thưa ông?

GS. TS. Nguyễn Văn Kính: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 không phải điều trị bất kỳ loại thuốc nào. Bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở) nên chỉ cần theo dõi, cách ly tại Bệnh viện.

Tôi khẳng định bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 không phải là người lành mang trùng. Nếu bệnh nhân là người lành mang trùng thì virus trong cơ thể bệnh nhân phải sống và lây truyền cho những người khác.

PV: Những trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được xét nghiệm như thế nào thưa ông?

GS. TS. Nguyễn Văn Kính: Hiện, Việt Nam đang thực hiện xét nghiệm phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 bằng phương pháp Realtime-PCR – lấy 1 đoạn mồi (primer) để phát hiện gen của virus SARS-CoV-2.

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính, ở mỗi một quốc gia, virus SARS-CoV-2 đều khác so với virus ban đầu được công bố ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các chuyên gia trên thế giới đã giải mã được trình tự gen của virus gây bệnh tại một số nước. Hiện, virus SARS-CoV-2 đã có nhiều biến thể khác nhau. Tại Việt Nam, virus SARS-CoV-2 không giống 100% với virus gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán.

Độ nhạy của phương pháp này rất cao, lên tới 98%, nên đây được coi là phương pháp xét nghiệm gen của virus chứ không phát hiện toàn bộ virus. Muốn phát hiện toàn bộ virus phải nuôi cấy được virus SARS-CoV-2. Việt Nam là 1 trong 4 nước có thể nuôi cấy, phân loại được virus này.

Các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm lại các trường hợp tái dương tính và đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Cụ thể là bệnh nhân 137 và bệnh nhân 74.

Khi bệnh nhân tái dương tính có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần, một giả thuyết được đặt ra đó là phương pháp xét nghiệm hiện nay chỉ có thể kiểm tra được những phần, mảnh ARN của virus (có thể được coi là xác virus trong quá trình thải loại).

Ngoài ra, người bệnh tái dương tính với virus SARS-CoV-2 ở các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều không lây nhiễm cho bất kỳ người nào.

GS. TS. Nguyễn Văn Kính chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Nguyễn Văn Kính chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Minh Thúy 

PV: Hôm nay, 4/5 bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, xin ông cho biết ca bệnh nào đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình điều trị?

GS. TS. Nguyễn Văn Kính: Trong số 5 bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh nhân 19 là bệnh nhân cực kỳ nặng đã phải chạy ECMO 17 ngày. Khi vừa bỏ ECMO thì bệnh nhân bị ngừng tim. Vì thế, chúng tôi đã phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và cấp cứu kịp thời. Hiện, bệnh nhân đã có thể tự thở, tự ăn, một vài ngày tới bệnh nhân có thể được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2, không xuất hiện dương tính giả.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Ảnh: BVCC
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Ảnh: BVCC

PV: Xin ông chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho những trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2?

GS. TS. Nguyễn Văn Kính: Với các trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện, về mặt lâm sàng, các bệnh nhân ủ bệnh trung bình từ 8-10 ngày, thông thường là 10 ngày. Khi mới vào viện, bệnh nhân không có diễn biến bệnh nặng. Sau 1 tuần, bệnh nhân mới xuất hiện tổn thương phổi. Tổn thương phổi ở bệnh nhân mắc COVID-19 rất khác với SARS và MERS-CoV.

Qua quá trình điều trị, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương từ rìa phổi, đáy phổi rồi lan dần vào phần trung tâm phổi. Từ những tổn thương nốt kính mờ, phổi của bệnh nhân bị tập hợp thành nhiều nốt khiến người bệnh bị suy hô hấp, thiếu oxy.

Tại Bệnh viện, chúng tôi triển khai điều trị cá thể hóa để phù hợp với thể trạng của mỗi bệnh nhân vì có tới 45% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng và 55% bệnh nhân còn lại có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở).

Với các bệnh nhân mắc bệnh nặng, bên cạnh những rối loạn về hô hấp, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu.

PV: Cảm ơn ông!