Bé trai 3 tuổi hồi phục kỳ diệu sau khi bị gãy xương đùi do cột bê tông đè vào chân

VietTimes – Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị vừa phẫu thuật cho bé trai 3 tuổi không may bị gãy xương đùi do cột bê tông đè vào chân.
Kíp mổ cho bệnh nhi bị gãy xương đùi. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị
Kíp mổ cho bệnh nhi bị gãy xương đùi. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị

Trao đổi với PV VietTimes, BS. Trần Cửu Long Giang – Trưởng Khoa ngoại Thần kinh - Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết: Bệnh nhi nhập viện do tai nạn cột bê tông đè vào chân. Đây là một thương tổn nặng khiến bé bị gãy chéo vát thân xương đùi phải – một xương dài lớn nhất trong cơ thể, gây ra tình trạng mất máu nhiều. Ngoài ra phần mềm cân cơ bao quanh xương còn bị đụng dập nhiều. Mặc dù bé đã được nắn chỉnh bó bột nhưng kết quả không như mong đợi.

Các bác sĩ tại Khoa Ngoại Thần kinh - Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị đánh giá đây là trường hợp gãy chéo vát, di lệch nhiều, rất khó năng chỉnh bằng phương pháp bó bột.

Bệnh nhi hồi phục sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị
Bệnh nhi hồi phục sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị 

Vì vậy, bệnh nhi đã được mổ kết hợp xương đùi phải, nhằm nắn chỉnh ổ gãy một cách chính xác nhất về giải phẫu bình thường, cố định xương vững giúp cho trẻ có thế phục hồi chức năng, vận động sớm nhất ngay sau mổ. Phẫu thuật còn giúp các bác sỹ kiểm soát tốt nhất, cắt lọc các tổ chức phần mềm như cân, cơ và mỡ bị đụng dập nhằm giúp cho ổ gãy xương liền nhanh chóng và tránh bị nhiễm trùng.

Ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, vết mổ liền tốt vận động chân mổ không tì gần như  bình thường và được xuất viện.

Phần xương đùi bị gãy của bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị
Phần xương đùi bị gãy của bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị 

Theo BS. Trần Cửu Long Giang, có 2 phương pháp để điều trị cho bệnh nhi trong trường hợp này gồm bó bột và mổ. Mỗi phương pháp đều có một ưu điểm riêng.

Với phương pháp bó bột, bệnh nhân không phải mổ nhưng sẽ phải bó bột trung bình từ 6 đến 8 tuần, bột từ bụng cho tới bàn chân bên gãy, gây khó chịu cho cả bệnh nhân và người chăm sóc. Bệnh nhân được vận động ngay sau khi phẫu thuật ngăn ngừa nguy cơ teo cơ, cứng khớp do bất động lâu ngày. Không những thế về lâu dài bệnh nhi sẽ phải đối mặt với tình trạng bị ngắn chân, lệch trục xương  thậm chí thành tật đối với chân bị gãy.

Hiện, Bệnh viện Hữu Nghị đã triển khai nhiều kỹ thuật mổ trong chỉnh hình như: dị tật thừa ngón, chỉnh trục chi thể, chấn thương cơ quan vận động,...Với sự hỗ trợ của các bác sỹ gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn cao, ngay cả trẻ nhỏ (từ 6 tháng tuổi) và những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền đều được gây mê an toàn và thành công.