+ Y học cổ truyền đóng vai trò như thế nào trong việc chữa trị các bệnh mới nổi, đặc biệt là bệnh COVID-19, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: Tôi khẳng định y học cổ truyền trong phòng và điều trị các bệnh về virus là hoàn toàn có hiệu quả.
Về vấn đề chữa virus nói chung và chữa COVID-19 nói riêng, từ rất lâu các bậc tiền nhân đã xếp vấn đề này vào trong phần dịch bệnh. Về mặt lý luận được nhắc đến trong 2 cuốn sách cổ gồm: “Thương hàn luận” và “Ôn bệnh”. Việc chữa trị bệnh COVID-19 cần phải có những nguyên tắc riêng.
Trước đó, khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, cùng với việc cách ly, chữa triệu chứng bằng y học hiện đại, các chuyên gia đã mời các nhà y học truyền thống có chuyên ngành về bệnh truyền nhiễm nắm rõ lý luận về thương hàn, ôn bệnh để cùng phối hợp điều trị. Từ các triệu chứng của bệnh nhân, các thầy thuốc đã đưa ra thể ban đầu của bệnh là gì, căn cứ vào đó để có biện pháp chữa trị phù hợp.
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nước đã phát hiện ra y học cổ truyền khi kết hợp với y học hiện đại có vai trò rất lớn trong chữa trị các bệnh mới nổi (bệnh chưa biết nguyên nhân, cơ chế gây bệnh), đặc biệt là COVID-19. Đối với y học hiện đại, chưa có thuốc kháng sinh tiêu diệt được virus nên rất cần kết hợp với y học cổ truyền để cùng chữa trị, giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Do COVID-19 là bệnh cấp tính mới nổi, nên khi chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải dựa theo nguyên tắc “Nam dược trị nam nhân, Đông Y liệu Đông bệnh” – chữa trị theo diễn biến bệnh của bệnh nhân và phải có thầy thuốc khảo sát trực tiếp bệnh nhân mắc COVID-19 về mặt y học cổ truyền.
"Phải có thầy thuốc khảo sát trực tiếp bệnh nhân mắc COVID-19 về mặt y học cổ truyền" - ông Khánh nói (Ảnh: Minh Thúy)
|
+ Ông có thể cho biết, đến nay đã có nghiên cứu nào về việc kết hợp giữa Đông y và Tây y trong chữa trị COVID-19 chưa?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: Như tôi được biết, Trung Quốc đã cử rất nhiều đoàn thầy thuốc y học cổ truyền chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm đến hỗ trợ Vũ Hán – nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 trên tinh thần khám trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 để đưa ra biện pháp chữa trị. Từ đó, tiến hành tổng kết và đánh giá.
Tại Việt Nam, do số lượng bệnh nhân ít, y học hiện đại đang chữa trị rất hiệu quả bệnh COVID-19, nên y học cổ truyền chưa tham gia sâu trong quá trình điều trị người nhiễm virus SARS-CoV-2.
+ Đã có thầy thuốc nào trực tiếp thăm khám bệnh nhân COVID-19 để nhận định, đánh giá người bệnh về mặt y học cổ truyền chưa thưa ông?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, một số thầy thuốc y học cổ truyền đã xung phong đi vào tâm dịch để khảo sát trực tiếp bệnh nhân nhiễm virus. Tuy nhiên do số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 còn ít, trong giai đoạn dịch nóng nhất, y học hiện đại đã chữa trị có hiệu quả nên việc thầy thuốc vào bệnh viện để khảo sát từng bệnh nhân mắc COVID-19 về mặt y học cổ truyền mắc chứng gì, giai đoạn đầu người bệnh bị cảm hàn hay phong hàn,… là chưa cấp thiết.
Một số bài thuốc đã được đưa ra để điều trị COVID-19 nhưng do chưa có sự khảo sát trên bệnh nhân nhiễm bệnh nên không thể đánh giá được. Rõ ràng, phải có sự khảo sát, đánh giá thực tế từ bệnh nhân mắc COVID-19 thì mới có thể đưa ra hướng chữa trị cũng như các bài thuốc phù hợp cho người bệnh.
+ Y học cổ truyền đã có loại thuốc nào chữa trị được COVID-19 chưa thưa ông?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: Trong công văn của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, đã đề cập rất đầy đủ thuốc cổ truyền cũng như các phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo Bộ Y tế, trong y học cổ truyền, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 thuộc phạm vi “Ôn dịch” có tên là “Cảm mạo ôn bệnh”. Bộ Y tế đã đưa ra các bài thuốc cụ thể về y học cổ truyền ở 4 giai đoạn gồm: giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát, giai đoạn hồi phục và giai đoạn tái nhiễm.
Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 của Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
|
Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền của Bộ Y tế nhưng do COVID-19 là bệnh cấp tính nên phải có những người biết về y học hiện đại và y học cổ truyền. Những người nghiên cứu sâu về chuyên ngành bệnh truyền nhiễm, thường xuyên chữa trị cho bệnh nhân ở các bệnh viện thì mới có kinh nghiệm để nghiên cứu cũng như tham gia điều trị COVID-19.
Trên cở sở khám trực tiếp cho người bệnh và luận chứng những biểu hiện bệnh thì mới có thể đưa ra được bài thuốc và hướng điều trị phù hợp. Bởi nếu dùng sai thuốc với các biểu hiện của bệnh nhân thì tình trạng bệnh sẽ nặng lên.
+ Trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều thông tin về trà thảo mộc, bài thuốc nguồn gốc y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, xin ông cho biết những loại thảo dược đang được quảng cáo thực sự có tác dụng trị COVID-19 hay không?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: Sản phẩm từ thiên nhiên nếu được tách chiết thành đơn chất được gọi là thuốc. Còn những sản phẩm tách chiết từ nhiên nhiên mà không phải là đơn chất (cao,..) thì được coi là thực phẩm chức năng và không phải là thuốc.
Như tôi đã nói ở trên, do chưa có thầy thuốc nào khảo sát trực tiếp bệnh nhân mắc COVID-19 về mặt y học cổ truyền, nên những bài thuốc được đưa ra vẫn chưa chứng minh được hiệu quả cũng như tác dụng thực sự.
+ Trước thực trạng nhiều thông tin lan truyền về những thảo dược có tác dụng trị COVID-19 mà chưa được kiểm chứng, ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho người dân để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh: COVID-19 là bệnh cấp tính nên mỗi một giai đoạn của bệnh đều phải dùng 1 loại thuốc khác nhau, chưa kể bệnh còn tiềm ẩn nhiều biến chứng. Do đó, không có bất kỳ loại thuốc nào được dùng chung cho tất cả các giai đoạn của bệnh. Nếu dùng sai thuốc, bệnh sẽ nặng lên, vì thế, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
+ Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!