Đứng ngồi không yên vì thông tin trên mạng
Theo tìm hiểu của PV, trên trang Facebook cá nhân có tên T.L.S. đã đăng tải dòng trạng thái cho rằng “thuốc trị COVID-19 đã có nhưng lại chưa được nhà nước công nhận”.Facebook T.L.S. khẳng định nếu bệnh nhân tự nguyện thì sẽ được dùng thuốc mà không bị ngăn cản, song song với việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế của nhà nước.”.
Đáng chú ý, Facebook T.L.S. quảng cáo thuốc trị COVID-19 là được bắt nguồn từ các bài thuốc dân gian gia truyền của gia đình mình, chuyên trị các trường hợp hiểm nghèo như rắn độc cắn, sốt rét, khỏi nhanh và thành công 100%. Hiện nhà nước còn chưa có quy định tự cách ly tại nhà. Nếu có, người bị nhiễm có thể tự do dùng thuốc mà họ muốn.
Sau khi quảng cáo về công dụng của thuốc cùng hiệu quả trị COVID, trang Facebook cá nhân T.L.S. khẳng định: “Nếu chẳng may bị nhiễm, hãy liên hệ với chúng tôi. Hiện tại, thuốc được cung cấp miễn phí. Thuốc trị COVID BB.”
Sau khi bài viết về thuốc trị COVID-19 được đăng tải vài giờ đã thu hút rất nhiều bình luận tán thưởng dù chưa ai biết thực hư. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao thuốc vẫn chưa được công nhận, thậm chí còn có người bày tỏ mong muốn mang thuốc về đề dự trữ, phân phát miễn phí cho những người khác. Facebook K.A.N. bày tỏ: "Cái này có được trao đổi rộng rãi không, ví dụ tụi em muốn có một ít dự trữ (là thuốc chữa chứ không phải chống bệnh đúng không anh?) thì có được mua và chuyển sang không ạ?".
Bên cạnh những bình luận muốn có thuốc để mang về nhà dự trữ, một vài người thắc mắc về quy trình một loại thuốc được công nhận là thuốc chữa bệnh. Cụ thể, FB N.C. cho rằng: "Quy trình để được công nhận là thuốc chữa bệnh rất nghiêm ngặt đòi hỏi phải qua thử nghiệm lâm sàng với đủ lượng bệnh nhân. Theo mình chỉ nên đăng ký như sản phẩm thực phẩm chức năng tăng khả năng miễn dịch bảo vệ phổi (quy trình cũng không đơn giản) để được lưu hành chính thức đã".
Trước đó, một tài khoản trên Facebook cũng đã chia sẻ bài viết với nội dung đã tìm ra thảo dược Việt Nam trừ tà, diệt virus corona. "Bài thuốc" có thể chống cúm do virus kể cả virus corona gồm: nhân sâm, tam thất, hà thủ ô, hồ lô ba, hoàng kỳ, sinh khương, trầm, ma hoàng,… được sao vàng tán thành bột.
Thảo dược diệt virus được quảng cáo trên mạng (Ảnh chụp màn hình)
|
Theo tài khoản Facebook này, bất kỳ ai đang có dấu hiệu sốt cao từ 39 đến trên 40 độ C, người ớn lạnh, ho, hắt hơi sổ mũi, đau họng, mỏi cơ, đau đầu, chảy nước mắt, ngại nhìn ánh sáng, chán ăn và khát nước có thể sử dụng thảo dược này để... trừ tà, diệt khuẩn chống virus không cho xâm nhập cơ thể.
Cùng với thuốc trị COVID-19, những thông tin về trà thanh nhiệt Dr Thanh có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 lan truyền trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội đã khiến không ít người bất ngờ. Bởi từ trước tới nay trà thanh nhiệt Dr Thanh được biết đến chỉ là một sản phẩm với 9 loại thảo mộc tự nhiên.
Trên mạng, các thông tin sai về các sản phẩm : Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh chai PET 500ml, Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh chai PET 350ml, Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh không đường chai PET 350, Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh không đường chai PET 500ml của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát diễn ra khá nhiều, với lời quảng cáo đã được các trang mạng xã hội đều khẳng định sản phẩm có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Chị Hồng Thu - phóng viên một tờ báo chuyên về y tế - còn nhận được danh sách 3 loại thuốc kèm lời giới thiệu: "Đây là đơn của các bác sĩ Mỹ ở tuyến đầu chống COVID-19, nên khẩn trương ra hiệu thuốc mua để phòng.
Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau những đơn thuốc trị COVID-19 trên mạng mà hoàn toàn không biết người kê đơn là ai.
Tin giả, hậu quả thật
Những thông tin lan truyền trên mạng về thuốc trị COVID-19 hoặc có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị bệnh này đã khiến không ít người tin tưởng, thậm chí đã có trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch chỉ vì uống thuốc trị COVID-19 theo lời đồn trên mạng.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc Chloroquine để phòng bệnh COVID-19 theo lời đồn trên mạng internet.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh V.V.T, nam 43 tuổi, sống ở Đan Phượng, Hà Nội đã tự uống 10 viên thuốc Chloroquin 250mg để phòng dịch COVID-19.
Sau uống khoảng 30 phút, anh T. thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Ngay sau khi có các biểu hiện bất thường, anh T. được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)
|
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - xác nhận đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng COVID-19. Rất may, bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc.
Theo BS. Nguyên, Chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…Đây là thuốc có độc tính cao, ranh giới giữa liều điều trị rất gần với liều ngộ độc. Nếu sử dụng không có kiểm soát, không có chuyên môn, kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng rất dễ dẫn tới ngộ độc. Ngộ độc Chloroquin rất nguy hiểm, biểu hiện là mờ mắt, mù, ù tai, điếc, co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và dễ tử vong nhanh. Khi đã ngộ độc thực sự, một cơ sở y tế nếu không đảm bảo tốt về hồi sức cấp cứu cũng khó có thể cứu sống bệnh nhân.
Rõ ràng, những thông tin về thuốc trị COVID-19 với công dụng phòng bệnh,... trên mạng không chỉ khiến người dân hoang mang, lo lắng mà còn xuất hiện không ít người tin vào thông tin này để mua và sử dụng những sản phẩm chưa được kiểm chứng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng.