Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
- Bài 12: Điểm xuất phát của Hành trình tư duy
- Bài 13: Chiếc gậy khều
- Bài 14: Làm ra công cụ để dùng
- Bài 15: Lần đầu biết đến tính khoa học tâm lý học của nghề dạy học
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Kỳ này:
Bài 16: Cuộc gặp với ông Võ Văn Kiệt
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt gọi điện, hẹn muốn làm việc với tôi một ngày, bàn giải pháp giáo dục cho Miền Tây.
Gặp tôi, ông nói: Anh em khuyên mình nên gặp Đại thì mới tìm ra giải pháp và chắc chắn làm được.
Làm việc cả buổi sáng, tôi nói: Tôi xin nhận thiết kế giải pháp, nhưng với tư cách là tư lệnh chiến trường.
- Đồng ý.
- Tôi cần có chính ủy.
- Đồng ý.
- Vậy tôi phân công: Chính ủy đi gặp Bí thư tỉnh ủy các tỉnh ấy và có thư mời tôi.
- Đồng ý.
Một tuần sau, ông gọi điện cho tôi:
- Ông Đại này, ở Vĩnh Long mình làm ngon lành, nhưng ở Kiên Giang, ông Bí thư nói: Tôi biết ông Đại là ai, mà gửi thư đề nghị. Thế nên mình có ý kiến thế này: Anh em (các Bí thư tỉnh ủy) gửi thư cho mình, mình gửi cho Đại, được chứ?
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ trưởng giáo dục đào tạo đến gặp tôi tại nhà. Tôi đưa bức thư của Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang gửi cho ông Võ Văn Kiệt (tức là cho tôi). Nhờ vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân chấp nhận kế hoạch triển khai ở hai đầu đất nước.
Lào Cai, sát biên giới Trung Quốc. Kiên Giang, tận cùng phía Tây đất nước.
Rất may, Giám đốc Sở hai tỉnh này rất nhiệt tình và quyết tâm triển khai.
Một lần, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng tôi đến một trường rất hẻo lánh, ở huyện Mường Khương dự giờ. Trên đường về, Thứ trưởng nói với tôi là đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho triển khai mở rộng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bỏ tiền túi mua vé tàu, một mình lên Lào Cai. Ở Lào Cai thuê xe ôm đến các trường, đóng vai phụ huynh học sinh đến tìm hiểu 5 trường.
Về Hà Nội, Bộ trưởng gặp tôi nói rõ ý định triển khai mở rộng ra các nơi khó khăn nhất.
Tôi lập kế hoạch “Ba Tây”, Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ: 6 tỉnh.
Những năm sau, mở rộng dần cho các tỉnh: 10, 12, 15, 25, 30, 40, 45, 47, 48 tỉnh.
Năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lập Hội đồng thẩm định quốc gia có 13 thành viên thẩm định quyển Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục.
Năm tiếp theo, 2018, Bộ trưởng Nhạ lại yêu cầu Hội đồng ấy thẩm định lần thứ hai.
Năm học 2018 – 2019 có 800.000 học sinh học theo quyển Tiếng Việt lớp Một CGD.
Thế rồi có vụ lùm xùm (chắc chắn không phải ngẫu nhiên).
Thế rồi có loạt bài này của tôi.
Quyển Tiếng Việt lớp Một CGD ít nhất có hai lần vào cuộc “chữa cháy”.
Lần đầu năm 1985, triển khai Cải cách giáo dục (mà tôi đã nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là sẽ thất bại), có 600.000 học sinh lớp Một lưu ban.
Lần thứ hai, học sinh học cuối năm thì cũng đọc được, nhưng sau hè lại quên.
Giải pháp của tôi đảm bảo: Em sinh ra ở bất cứ nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, có đi mẫu giáo hay không… miễn là 6 tuổi đi học, học theo CGD thì đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.