Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
- Bài 12: Điểm xuất phát của Hành trình tư duy
-
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Kỳ này:
Bài 13: Chiếc gậy khều
Trình độ phát triển tư duy là thước đo trình độ phát triển Phạm trù người.
Tư duy hiện đại đã phát triển đủ sức phân hóa: Này là tư duy kinh nghiệm / Này là tư duy khoa học (Davydov, 1969).
Trong khi chưa đủ sức làm sự phân hóa kinh nghiệm / khoa học, tôi bắt đầu chú ý đến mối liên hệ cơ bản Chủ thể / Đối tượng.
Mối liên hệ Chủ thể / Đối tượng có một ví dụ kinh điển qua cách xử lý một sự việc trong cuộc sống:
Lấy tay lượm quả / lấy tay hái quả.
Nói theo thuật ngữ triết học: Chủ thể lấy tay lượm (nhặt) quả rụng là quan hệ tay đôi trực tiếp chủ thể / đối tượng.
Chủ thể lấy tay hái quả trên cây là một quan hệ tay đôi trực tiếp.
Trong quan hệ tay đôi trực tiếp, không có sự khác biệt triết học nào giữa lượm và hái.
Với một hoàn cảnh lịch sử khác, quả ở trên cao, quá tầm với của người và khỉ thì xử lý thế nào?
Khỉ nhặt một cành cây khô có sẵn làm gậy khều khều quả trên cao.
Người nhặt một hòn đá sắc cạnh, chặt một cành cây tươi làm gậy khều.
Xét về triết học, một cách trừu tượng, hai chiếc gậy khều ấy coi như ngang nhau, cùng ở trình độ trừu tượng.
Một cách cụ thể, hai cách cư xử với hai chiếc gậy khều ấy hoàn toàn khác nhau, khác nhau tận nguyên lý.
Vai trò triết học của chiếc gậy là làm vật trung gian, kẻ môi giới (cho chủ thể gặp đối tượng) theo cách nào?
- Đưa Chủ thể đến gặp Đối tượng.
- Đưa Đối tượng đến gặp Chủ thể.
- Đưa cả hai cùng đến gặp nhau.
Trong học thuật, nên nói rõ ràng, không cần lấy lòng ai cả, nên nói hẳn ra, nói thật tường minh: chiếc gậy khều là công cụ.
Trước đây, rất xúc động về “tư cách triết học” của chiếc gậy khều, Franklin đã nói: Người là con vật biết dùng công cụ.
Tôi rất ngưỡng mộ ý tưởng triết học này của Franklin, nhưng cứ ngờ ngợ: Con khỉ cũng biết dùng chiếc gậy khều (công cụ) đấy thôi!
Tôi muốn dùng lại ý tưởng triết học tuyệt vời của Franklin về vai trò của công cụ, vừa phải phân biệt tư cách triết học của công cụ ấy: cái có sẵn (nhặt một cành cây khô có sẵn) hay cái làm ra (chặt một cành cây tươi). Có sự phân biệt rạch ròi nhặt / chặt thì mới dám nói: Con người là con vật biết làm ra (chế tạo) công cụ để dùng.
Bài học chiếc gậy khều làm vật trung gian khơi gợi cho tôi ý tưởng về quan hệ Chủ thể - Đối tượng trong giáo dục nói chung, đặc biệt đối với Trẻ em mới vào lớp Một. Về mặt triết học, Đối tượng là khái niệm cơ bản nhất trong các khái niệm cơ bản nhất về giáo dục hiện đại.
Nhầm lẫn Đối tượng hay còn mơ hồ về Đối tượng như thuốc nhầm là bài học cay đắng nhất cho mọi Dự án đổi mới giáo dục. Và còn xót xa hơn: cho thực tiễn giáo dục trên những Trẻ em đang phát triển./.