Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
- Bài 12: Điểm xuất phát của Hành trình tư duy
- Bài 13: Chiếc gậy khều
- Bài 14: Làm ra công cụ để dùng
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Kỳ này:
Bài 15: Lần đầu biết đến tính khoa học tâm lý học của nghề dạy học
Bài báo 30 trang của Galperin “Các giai đoạn hình thành khái niệm – kĩ năng – kĩ xảo” (thay cho luận án tiến sĩ khoa học tâm lý học), tôi đọc đúng một tháng. Anh bạn Nga ở chung kí túc xá kêu lên: Một bài báo 30 trang đọc 30 ngày thì sau này còn đâu thời gian làm luận án!
Tôi vốn là giáo viên dạy toán, đạt đến nghiệp vụ giảng dễ hiểu, học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng… thế mà nay Galperin đưa ra cách học sinh có thể tự học bằng cách tự làm lấy các hành động trí óc. Với tôi, điều có ích thiết thực hơn, có thể dùng để hành nghề: Galperin mô tả cấu trúc của hành động trí óc.
Với mẫn cảm nghề nghiệp, từ hơn chục năm đứng lớp, tôi nay mới nghe nói lần đầu tính khoa học tâm lý học của nghề dạy học.
Tôi được Luria gửi sang cho Elkonin và Davydov, trường Thực nghiệm số 91, Mat-xcơ-va.
Đến trường, dự giờ, giờ toán và các giờ khác, tôi chú tâm vào các hành động trí óc theo học thuyết của Galperin. Với học thuyết này, có nhiều nghiên cứu sinh làm luận án phó tiến sĩ tâm lý học. Đọc nhiều luận án đã bảo vệ ở trường Lomonosov, tôi thấy (nói theo ngôn ngữ của tôi bấy giờ) các luận án ấy chỉ khác nhau về Vật liệu.
Rồi cũng đến lượt tôi và rồi tôi cũng thế!
Tôi từng làm thực nghiệm việc học sinh “tự làm ra” Phép nhân, làm bằng các hành động trí óc, được cụ thể hóa từ Hoạt động học.
Trường thực nghiệm số 91 triển khai hoạt động học trên các Đối tượng khác nhau, vẫn gọi theo tên cũ: Toán, Tiếng Nga, Nghệ thuật, sinh hoạt nhóm,…
Tôi dự tất cả các tiết học ở các lớp Một – Hai – Ba, chăm chăm vào một Hoạt động học được thực thi như thế nào. Cụ thể hơn, hoạt động học được triển khai theo các hành động học nào cho mỗi môn học, đặc biệt cho môn Toán.
Thực nghiệm dạy Phép nhân, tôi phải thiết kế các hành động học, bắt đầu từ hành động vật chất: làm bằng tay, làm trên các vật thật vật chất, sau đó, thay hình thức, chuyển thành lời, thành mô hình, thành đẳng thức.
Bài học nghề lớn nhất, căn bản nhất, ở trình độ cao nhất hồi bấy giờ, về tâm lý học là lý thuyết hoạt động đã được dùng trong thực tiễn giáo dục với tư cách hoạt động học.
Tôi mất 3 năm để “học thuộc”, học bằng làm thực nghiệm trên học sinh bình thường đang học ở trường phổ thông (Trường 91), bằng cách tổ chức hoạt động học trên một Vật liệu là Phép nhân. Tôi đủ tự tin về tâm lý học để viết luận án Phó tiến sĩ tâm lý học. Kết thúc năm học 1970 – 1971, tôi đã viết hòm hòm (bản thảo) thì đùng một cái, tôi bất ngờ được dự một xê-mi-na ở khoa Toán trường Lomonosov: Phép toán đại số và lý thuyết nhóm. Điều đặc biệt lý thú là Tập hợp làm toán gồm có các phần tử rất đời thường, chẳng có chút gì “toán học” cả.