Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
-
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Tôi từng thi đủ các kỳ thi, có đủ bằng cấp, từ thấp nhất – bằng sơ học yếu lược, thời còn Pháp, đến bằng cao nhất – Tiến sĩ khoa học của Liên Xô.
Có bằng, nhưng tôi không dại đem dán vào tên khai sinh cha mẹ đặt cho: Hồ Ngọc Đại.
Tôi phân biệt rạch ròi: Này là Vật thật, có trước. Này là Vật thay thế, có sau.
Người ta sống bằng Vật thật: cơm thật, nước thật, không khí thật.
Người ta làm sang bằng Vật thay thế, có thể đeo vào lột ra, có thể xin cho, mua bán, đem cầm cố…
Ngay từ đầu, Môn Tiếng Việt lớp Một CGD giúp em phân biệt rạch ròi, không một chút mơ hồ:
Vật thật là tiếng nói hằng ngày ở nhà, ở trường, ở khắp nơi.
Vật thay thế thì có nhiều.
Mẫu. Em nhắc lại Lời thầy nói ra:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
1. Em nói từng Tiếng rạch ròi. Nhắc lại tất cả các Tiếng: /Tháp/ /Mười/ /đẹp/ /nhất/ /bông/ /sen/.
2. Em nói từng Tiếng, vừa nói vừa vỗ tay.
Em vỗ tay theo các mức độ phù hợp với các mức độ âm thanh nói:
- Vỗ tay to – nói to
- Vỗ tay khẽ - nói khẽ
- Gõ ngón trỏ tay phải vào lòng bàn tay trái – nói mấp máy môi.
- Đưa ngón tay lên (không có âm thanh) – ngậm miệng nói.
3. Em thay Tiếng nói có âm thanh bằng các Vật cầm nắm được: Nói một Tiếng – đặt lên bàn một vật rắn vững chắc (hòn sỏi, khối nhựa, củ lạc, nút chai,…).
Đặt từng đồ vật xuống bàn thì nói từng Tiếng theo các mức độ: nói to, nói khẽ, nói mấp máy môi, ngậm miệng nói.
Môn học bắt đầu từ Vật thật thô (thô nhất, nguyên tảng, nguyên khối) là Tiếng.
Tiếng là Vật thật – nói ra, nghe được, là điểm xuất phát của môn Tiếng Việt lớp Một CGD.
Sau này còn có nhiều dịp trở lại, ngay bây giờ tôi nói ngay:
Tiếng là Đối tượng ở điểm xuất phát, ở trình độ trừu tượng nguyên thủy.
Điểm xuất phát của Môn học, của Chương trình môn học khoa học là trình độ trừu tượng nhất của Đối tượng (của Môn học), tương ứng với trình độ tư duy (về Đối tượng đó) của người chọn (tác giả).
Tác giả nhận thức Đối tượng, chọn Đối tượng theo nguyên tắc nào, theo lý thuyết nào?
Dù là Môn Tiếng Việt lớp Một, Chương trình môn học cũng phải theo những nguyên tắc học thuật và nghiệp vụ sư phạm, ở trình độ đương thời của trẻ em, của thầy giáo (nghiệp vụ sư phạm), tương ứng với trí tuệ đương thời của nhân loại.
Tôi chọn Tiếng làm điểm xuất phát của Chương trình môn Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục.
Tiếng là Đối tượng cần chiếm lĩnh còn ở điểm xuất phát, thì còn là một thể đồng nhất trừu tượng nguyên sơ, nguyên tảng, nguyên khối.
Tôi biết, không ít người, kể cả người có học hàm học vị cao ở các ngành đều ngờ ngợ: sao Tiếng lại là trừu tượng nhất.
Trừu tượng, ở triết học học trò học để thi thì khác hẳn trừu tượng triết học của nhà triết học, nhất là của nhà triết học hiện đại (ví dụ, Ilenkov).
Chương trình môn Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục thiết kế theo sự vận động từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.
Theo nguyên tắc triết học đó, tôi chọn Tiếng làm điểm xuất phát của hành trình tư duy từ trừu tượng đến cụ thể hơn của Môn học khoa học.