Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“

VietTimes -- "Để bứt hẳn ra khỏi tư duy ngàn đời học chữ Hán, học theo Nghĩa, tôi tách Tiếng ra khỏi Nghĩa. Để nhấn mạnh thêm nữa và không cho cơ hội hiểu lầm, tôi còn nói: Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa." - Hồ Ngọc Đại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Chữ Hán gắn với Nghĩa. Chữ nào Nghĩa ấy. Học chữ cũng là học Nghĩa. Trải qua hàng ngàn năm, Chữ và Nghĩa gắn với nhau, liền một khối, gọi là chữ nghĩa.

Chữ quốc ngữ là chữ ghi Tiếng tiếng Việt. Tiếng và Chữ đều là hình thức, có thể dùng hai giác quan lý thuyết để tiếp nhận: tai (nghe tiếng), mắt (thấy chữ). Lúc này hãy coi Chữ là một hình thức trống rỗng, Tiếng là một hình thức trống rỗng.

Chiều theo thói quen ngàn đời, người ta nói chữ nghĩa, chứ không nói tiếng nghĩa, vậy thì nên có ba: Tiếng / Chữ / Nghĩa.

Tôi quan tâm đến Tiếng / Chữ, mặc kệ Nghĩa, chưa tính đến.

Những giáo sĩ đầu tiên có kinh nghiệm xử lý quan hệ Tiếng / Chữ, lấy Tiếng làm căn cứ.

Để bứt hẳn ra khỏi tư duy ngàn đời học chữ Hán, học theo Nghĩa, tôi tách Tiếng ra khỏi Nghĩa. Để nhấn mạnh thêm nữa và không cho cơ hội hiểu lầm, tôi còn nói: Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa.

Mấy người có bằng cấp sách vở với vốn chữ nghĩa lưng lửng không đâu vào đâu thì kêu toáng lên: Chữ mà không nghĩa thì còn gì là chữ!

Người ta đã phân tích cấu trúc của nước, phát hiện ra hai thành phần cấu thành là hai chất khí dễ cháy hy-đrô và ô-xi (H2O) thì nước không còn là khái niệm kinh nghiệm nữa mà là một khái niệm khoa học.

Tiếng, tiếng nói hằng ngày, trẻ học tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày với người lớn thì mỗi Tiếng là một khối liền âm thanh. Đến trường, học Tiếng Việt công nghệ giáo dục, em học cách làm khoa học: Phân giải cấu trúc ngữ âm của Tiếng.

Để thao tác với Tiếng thuận lợi và thuần khiết thì phải cô lập Tiếng, tách khỏi Nghĩa, đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa.

Nếu thao tác với ngữ âm thuần khiết, trong một chân không về Nghĩa, thì có thể thay đổi bất cứ thành phần nào của cấu trúc Tiếng.

Chẳng hạn tiếng: nôn có cấu trúc: 

Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“ ảnh 2

Một âm /n/ giữ hai chức năng ở hai vị trí khác nhau trong cấu trúc.


Âm chính /ô/ và âm cuối /n/ vẫn giữ nguyên, chỉ thay âm đầu và thay thanh thì có các Tiếng khác (không để ý đến Nghĩa):

- Thay âm đầu: bôn, côn, chôn, dôn, đôn…

- Thay thanh: nồn, nốn, nổn, nỗn, nộn.

Những giáo sĩ nước ngoài, các nhà khoa học nước mình đã bỏ ra hàng mấy trăm năm nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh để xác lập cấu trúc ngữ âm của Tiếng tiếng Việt, đến năm 1977 thì chốt lại bằng quyển Ngữ âm tiếng Việt do Đoàn Thiện Thuật chấp bút.

Nhà giáo dùng cấu trúc ngữ âm của Tiếng theo Nghiệp vụ sư phạm.

Nghiệp vụ sư phạm cổ truyền là nghiệp vụ học chữ Hán, học nhớ mặt chữ nguyên cả khối.

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại cho Môn Tiếng Việt lớp Một thì bắt đầu học ngữ âm (đặt trong một chân không về Nghĩa): dùng công nghệ giáo dục thiết kế một hệ thống việc làm, để học sinh tự làm lấy.

Làm theo công nghệ thì sản phẩm là tất yếu.

Đến trường, em học Tiếng Việt lớp Một theo công nghệ giáo dục. Dù em sinh ra ở vùng đất nào của Tổ quốc, trong gia đình nào, có đi mẫu giáo hay không, cha mẹ có biết tiếng Kinh hay không… thì cuối năm em đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.