Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
|
Bài 2
Tôi chọn Môn Tiếng Việt lớp Một làm một ví dụ về Giải pháp triết học và lịch sử cho các môn khoa học.
Một môn khoa học là một Hệ thống khái niệm khoa học về một Đối tượng, ở trình độ đương thời.
Khoa học là một “thực thể” phát triển.
Mỗi trình độ phát triển của khoa học biểu hiện bằng Hệ thống khái niệm khoa học đã phát triển đến trình độ ấy.
Điển hình và đặc trưng cho toán học bằng một ví dụ này: Trong suốt hơn 2000 năm, tồn tại mệnh đề thứ 5 của Euclide:
Từ một điểm ngoài một đường thẳng, có thể vẽ được một đường thẳng song song với đường ấy và là đường duy nhất.
Thế kỉ XIX đã có người nghi ngờ tính “duy nhất” ấy. Nếu có hai đường thì sao?
Mà đã có hai đường thì sẽ có vô số đường, chuyện gì sẽ xảy ra?
Một thời gian sau, lại có người cho rằng không thể có đường nào cả.
Toán học, một khoa học được coi là khoa học chính xác, thế mà có 3 giải pháp chống lại nhau, mà cả 3 đều “đúng”. Từ đó, có 3 môn toán khác nhau. Vậy tính chính xác toán học là gì?
Là người học toán, tôi rất xúc động trước sự kiện này. Nó lay động trí óc tôi đến mức tôi dám coi chính toán học cao cấp mới dạy tôi toán.
Tôi được đào tạo từ trường sư phạm, với công thức hành nghề: Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.
Sau hơn chục năm hành nghề, tôi tự hỏi: Nếu thầy không giảng giải thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Mầm mống “nổi loạn” ấy cứ ngày một lớn dần lên, đến mức dám làm thử. Rồi cùng với ý thức nghề nghiệp, tôi muốn làm thật, làm theo lý thuyết định hướng.
Từ năm 1965, tôi chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khoa học với ý định rõ ràng, nhưng còn mơ hồ về cả hướng đi lý thuyết lẫn cách làm thực tiễn.
Kết thúc giai đoạn “học nghề” là mở đầu giai đoạn mới bằng HƯỚNG ĐI VÀ CÁCH LÀM cho trường Thực nghiệm, năm 1978.
Trường Thực nghiệm đầu tiên trên thế giới là Trường 91, khai giảng năm học đầu tiên 1960 – 1961, ở trung tâm Mát-xcơ-va.
Tôi đến trường ấy cuối năm 1968 và cuối năm 1976 thì tạm biệt. Tôi về nước, mang theo “Quy trình kỹ thuật hình thành khái niệm khoa học”.
Hồi đó, tôi định đặt tên là Công nghệ giáo dục, nhưng Davydov khuyên nên tìm một tên “dễ nghe” hơn, vì người ta nghe sẽ “chấm, cho điểm” luận án của anh.
Một công trình tâm lý học mà có “Quy trình kỹ thuật” vào thời đó thì cũng “quá đáng” lắm rồi.
Elkonin khuyên tôi khi tạm biệt: Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam.
Bài 3: Đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui