“Nhân danh cách mạng - nghiên cứu về cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ”:

Bài 1: Cuộc “đại tàn sát” mang tính diệt chủng

VietTimes -- Ngày càng có nhiều học giả, nhà nghiên cứu và người dân Trung Quốc hiểu rõ sự thực về những điều đã xảy ra ở Campuchia dưới ách thống trị của Khmer Đỏ và bản chất dã man, tàn bạo của chế độ này. Nhân kỉ niệm 40 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và ngày nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, VietTimes xin giới thiệu và chuyển ngữ bài viết nhan đề “Nhân danh cách mạng- nghiên cứu về cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ” của tác giả Trình Ánh Hồng, đăng trên trang mạng Yêu tư tưởng (Aisixiang.com).  
Những nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị tàn sát tại Tuolsleng.
Những nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị tàn sát tại Tuolsleng.

Cuộc đại tàn sát dân tộc và chủng tộc với mục đích tái cơ cấu xã hội.

Hai mươi lăm năm trước đây chính quyền Campuchia Dân chủ do Khmer Đỏ xây dựng bị lật đổ bởi 10 vạn đại quân Việt Nam và bởi quân đội của mình quay súng chống lại. Sau đó các tài liệu liên quan tới lịch sử  đẫm máu của chính quyền này dần dần được công bố, chủ yếu qua lời kể của những người dân Campuchia tị nạn, phỏng vấn của các nhà báo phương Tây, điều tra của các học giả và các tài liệu do chính phủ Việt Nam và chính phủ mới của Campuchia chỉnh lý và công bố.

Có khoảng 2 triệu người đã bị Khmer Đỏ tàn sát trong thời kỳ 1975 - 1978
Có khoảng 2 triệu người đã bị Khmer Đỏ tàn sát trong thời kỳ 1975 - 1978

Nhưng việc ghi chép lịch sử liên quan tới Khmer Đỏ bị hạn chế bởi nhiều nhân tố; chủ yếu do tính che giấu của các chính sách do Khmer Đỏ ấn định và thực thi, do tình trạng đóng cửa với bên ngoài khi họ nắm chính quyền và do tuổi thọ của chính quyền Khmer Đỏ quá ngắn ngủi, chưa kịp xây dựng được hồ sơ có hệ thống. Thế nhưng, sự thiếu tài liệu và các khó khăn về mặt nghiên cứu do nó gây ra, từ một góc độ đặc biệt, đã phản ánh đặc điểm của cách mạng Campuchia: nó như một trận cuồng phong sau khi tràn qua không để lại bất cứ dấu vết nào rõ ràng để có thể tìm kiếm, ngoại trừ đống đổ nát.

Nhưng việc chờ đợi bổ sung quá trình và chi tiết về cuộc cách mạng đó không ngăn trở chúng ta đưa ra các phán đoán cơ bản đối với hậu quả của cuộc cách mạng này: đây là một cuộc đại tàn sát dân tộc và chủng tộc với mục đích tái cơ cấu xã hội.

Gọi đó là cuộc “tàn sát dân tộc” là căn cứ vào số người bị chết trong thời kỳ Khmer Đỏ thống trị 1975-1978, dù cho tới nay vấn đề này vẫn có các ước tính khác nhau, từ con số bảo thủ 40 vạn cho tới con số 3 triệu người có vẻ khuếch đại. Nói chung, 1 triệu người chết là con số có thể chấp nhận được. Thế nhưng đối với một nước nhỏ hồi ấy dân số có từ 7 đến 8 triệu người thì cho dù 1 triệu cũng là con số khó có thể tưởng tượng, nó vượt xa quy mô những cuộc đàn áp và thanh toán chính trị sau khi xây dựng chính quyền mới tại nhiều quốc gia. Bởi vậy học giả người Pháp Jean Lacouture đã gọi giai đoạn lịch sử này của Campuchia là “cuộc tự diệt chủng” (auto-genocide).

Lính Khmer Đỏ dùng gậy đập chết những người dân vô tội
Lính Khmer Đỏ dùng gậy đập chết những người dân vô tội

Gọi đó là cuộc “tàn sát chủng tộc” là bởi toàn bộ 20.000 người gốc Việt Nam ở Campuchia đều bị giết; trong số 430.000 người gốc Hoa thì bị giết 215.000 và 10.000 người gốc Lào chết 4.000 người; 20.000 người gốc Thái thì bị giết 8.000 người; 250.000 tín đồ đạo Islam (người Chàm) chết 90.000 người - những con số này đều vượt xa tỷ lệ tương ứng người Khmer bị chết.

Cần nhấn mạnh là: việc điều tra cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ mới đầu là do giới  truyền thông phương Tây và học giả phương Tây thực hiện; hiện nay phần lớn các xuất bản phẩm liên quan đến đề tài này cũng là của phương Tây. Không những thế, các nước phương Tây còn chủ trương lập một tòa án quốc tế xét xử Khmer Đỏ. Nếu có ai cho rằng điều đó phản ánh thành kiến lệch lạc về hình thái ý thức của phương Tây (thí dụ tư duy chiến tranh lạnh, tâm trạng hậu thực dân hoặc bá quyền quốc tế), thì người viết (Trình Ánh Hồng) mong rằng quan điểm ấy không phát triển tới mức có sự nghi ngờ đối với sự thật cơ bản của cuộc đại tàn sát.

Trên thực tế, ngay từ đầu phương Tây đã có những tiếng nói đánh giá khác về Khmer Đỏ. Ví dụ, hãng xuất bản Monthly Review New York ngay từ năm 1976 đã xuất bản cuốn “Campuchia – cuộc cách mạng đói khát” (Cambodia: Starvation and Revolution) của hai học giả ở Đại học Cornell, cho rằng truyền thông phương Tây cố ý tuyên truyền chính sách của Khmer Đỏ là không có lý tính (chủ yếu nói về hợp tác hóa, rời bỏ thành thị và lao động tập thể quy mô lớn, khi đó không hề vạch trần cuộc đại tàn sát). Họ khi đó cho rằng đó là biện pháp độc đáo để Campuchia giải quyết vấn đề lương thực... 

Lính Khmer Đỏ tiến vào thành phố ngày 17.4.1975
 Lính Khmer Đỏ tiến vào thành phố ngày 17.4.1975

Các nhân tố cấu thành cuộc đại tàn sát

Sở dĩ trong 4 năm 1975-1979 tại Campuchia xảy ra sự giết chóc quy mô như thế là do mấy nhân tố dưới đây cấu thành:

Thứ nhất,  cưỡng chế di dân với quy mô lớn. Tháng 4/1975, sau khi Khmer Đỏ giành chính quyền tiến vào các đô thị, chỉ trong thời gian từ 3 ngày đến một tuần, họ cưỡng chế toàn bộ dân rời khỏi các đô thị, dùng vũ lực áp tải đưa về nông thôn. Do việc này hoàn toàn không có sự chuẩn bị tương ứng về vật chất, thậm chí cũng không xác định mục tiêu cuối cùng là gì, cho nên phần lớn người già yếu, đàn bà, trẻ em đã chết vì đói khát, bệnh tật và mệt nhọc. Ngoài ra là do sự tàn sát có kế hoạch trong quá trình di chuyển ấy đối với những người không phục tùng và với người khác biệt (gồm những người không phải dân Khmer và các tín đồ Phật giáo).

Thứ hai, đàn áp và thanh toán chính trị. Đây là nhằm vào các nhân viên quân sự, hành chính của chính quyền Lon Nol; bao gồm binh sĩ, cảnh sát và công chức, kể cả các thành viên Hoàng gia trước cuộc đảo chính của Lon Nol (khi đó trên danh nghĩa họ vẫn thuộc Mặt trận Liên hiệp dân tộc). Cách thức hành quyết phổ biến là dùng xe tải chở những người này đến một địa điểm nào đấy rồi dùng gậy đập chết hoặc trực tiếp bắn chết.

Thứ ba, lao động thể lực cường độ cao. Những người còn sống sót trong cuộc di tản đi khỏi đô thị thường bị buộc cùng nông dân làm những việc như đào mương, làm ruộng, làm đường. Do tình hình kinh tế xấu đi, thiếu thốn lương thực và những thứ cần dùng cho đời sống nên rất nhiều người đã chết bởi kiểu lao động cưỡng chế đó.

Các thành thị không bóng người vì dân chúng bị lùa về nông thôn lao động
Các thành thị không bóng người vì dân chúng bị lùa về nông thôn lao động

Thứ tư, thanh lọc nội bộ. Khmer Đỏ vừa thành lập nhà nước xong là bắt đầu cuộc thanh lọc nội bộ với cớ dọn sạch những người thân Việt Nam, các gián điệp của KGB, đặc vụ của CIA và những người khác biệt mới trà trộn vào Đảng. Trong số 13 người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc trong danh sách công bố hồi tháng 10/1975 thì có 5 người bị hành quyết trong đợt thanh lọc năm 1977; gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 2 vị Bộ trưởng tiền nhiệm và đương nhiệm Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền, Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch Nhà nước. Số người lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội các quân khu bị hành quyết còn nhiều hơn.

Đợt tập trung nhất là đợt thanh lọc năm 1978 nhằm vào cán bộ, binh sĩ Quân khu miền Đông bị coi là thuộc phái thân Việt Nam. Đợt thanh lọc này do Ta Mok, người lãnh đạo Quân khu Tây Nam phụ trách, trong một lần đã giết gần 100.000 người của chính Khmer Đỏ. Ngoài ra còn xây dựng Trung tâm Thẩm vấn tại một trường trung học ở phía Nam Phnom Penh, có ký hiệu S21 (Tuolsleng), chủ yếu dùng để thẩm vấn, tra tấn và hành quyết kẻ địch trong đảng. Theo ước tính Trung tâm này đã hành quyết 20.000 người.

Mục tiêu của Khmer Đỏ: “vượt qua Lênin và Mao Trạch Đông”

Điểm khác biệt với các cuộc đại tàn sát khác trong thế kỷ XX là, cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ không phải là để giải quyết sự xung đột chủng tộc, bộ lạc hoặc tôn giáo, mà là nhằm triệt để tái cơ cấu xã hội. Kiểu triệt để tái cơ cấu này diễn ra sau khi Khmer Đỏ đã hấp thụ các kinh nghiệm của phong trào cộng sản quốc tế, với ý đồ ngay khi cách mạng vừa mới thắng lợi xong thì chỉ một lần là giải quyết xong tất cả các vấn đề hiện thực và các vấn đề được lịch sử các nước khác chứng minh là sẽ nảy sinh, xây dựng một xã hội XHCN thuần túy hơn Liên Xô, Trung Quốc.

Nhằm đạt mục đích đó, họ từ chối tiến hành bất kỳ phương pháp cải tạo hòa bình hoặc giáo dục thuyết phục nào, bãi bỏ bất cứ thời kỳ quá độ nào và chọn một con đường trực tiếp giản đơn nhất: ngay từ đầu dùng bạo lực để tiêu diệt với quy mô lớn và có tổ chức một bộ phận dân chúng, thông qua đó đạt được cải tạo xã hội.

Hai tên đồ tể Nuol Chea (trái) và Khiêu Shamphan bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế
 Hai tên đồ tể Nuol Chea (trái) và Khiêu Shamphan bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế

Thế nhưng con đường đó chưa hề trải qua sự chuẩn bị lâu dài trước và về lý luận, mà vội vã hình thành chỉ trong hai năm ngắn ngủi. Từ các văn kiện do những người lãnh đạo Khmer Đỏ thời kỳ đầu lưu lại, như văn kiện của Khieu Samphan và Ieng Sary hồi du học tại Pháp, bài “Chế độ dân chủ hay là chế độ quân chủ?” của Pol Pot viết hồi thập niên 50 và các tài liệu của hai đợt học tập chỉnh phong trong Đảng năm 1970 và 1971, chúng ta đều không thấy có bất cứ sự sắp đặt hoặc ám chỉ nào về cuộc cải tạo xã hội một cách hệ thống và đẫm máu sau khi giành chính quyền; mà về cơ bản chỉ lặp lại cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ mà các đảng Trung Quốc đã lãnh đạo thực hiện.

Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 5/1973, chính sách của Khmer Đỏ kiểm soát có sự biến đổi, bắt đầu nhấn mạnh “tính đặc thù” của cách mạng Campuchia. Đầu tiên là sự chuẩn bị trong đảng cho việc tách khỏi Việt Nam. Thế nhưng sau khi Bắc Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương năm 1973, tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia bắt đầu bày tỏ không chấp nhận ràng buộc bởi bản hiệp định, lại thêm mâu thuẫn dân tộc trong lịch sử giữa Campuchia và Việt Nam nên Khmer Đỏ bắt đầu tách khỏi Việt Nam. Việt Nam bị họ gọi là “Chủ nghĩa xét lại Việt Nam”, những người thân Việt Nam trong đảng bị bức hại và thanh lọc.

Tập thể lãnh đạo Khmer Đỏ quyết tâm đi con đường riêng của Campuchia. Một trong những đặc điểm của con đường này là tả khuynh, đặc biệt là tranh thủ thực hiện Chủ nghĩa xã hội ở Campuchia. Thế là bắt đầu từ tháng 5.1973, tại một số vùng do Khmer Đỏ kiểm soát bắt đầu phong trào tập thể hóa. Điều này rõ ràng vượt qua tính chất của cách mạng dân tộc dân chủ lúc đó. Các biện pháp khác còn bao gồm: thực hiện di dời dân số nông thôn với quy mô nhất định, cưỡng chế tập trung dân số về vùng do Khmer Đỏ kiểm soát để vào hợp tác hóa; cưỡng chế di cư, thậm chí phóng hỏa thiêu hủy các làng xóm; đóng cửa các chùa chiền, nơi thờ tự, cưỡng bức tu sĩ tham gia lao động ở nông thôn; thực hiện thống nhất trang phục, tất cả mặc quần áo đen; thực hiện chế độ nhà ăn công cộng nông thôn...

Người dân các thành phố Campuchia bị lùa về nông thôn lao động cấy lúa
 Người dân các thành phố Campuchia bị lùa về nông thôn lao động cấy lúa

Xét về diễn biến lịch sử, năm 1973 là điểm ngoặt của cách mạng Campuchia. Tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia vứt bỏ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ tiến dần, lấy sự quá độ trực tiếp bắt đầu thực hành ở vùng nông thôn do họ kiểm soát làm khởi điểm, đề ra một cương lĩnh dùng bạo lực để triệt để cải tạo xã hội trong thời gian ngắn nhất. So với các đảng Liên Xô, Trung Quốc thì Đảng Cộng sản Campuchia trước khi nắm chính quyền chẳng những không có một thời kỳ phát triển tương đối dài và độc lập, mà lại càng không có một quá trình phân tích lý luận, thảo luận, thậm chí tranh luận tương đối đầy đủ về đất nước và xã hội Campuchia.

Đứng trước thời cơ nhanh chóng nắm được chính quyền do Mỹ rút khỏi Đông Dương, trình độ lý luận và kinh nghiệm chính trị của toàn đảng còn xa mới sánh được với các đảng lớn khác khi giành chính quyền. Đúng như một nhà nghiên cứu nói: trường hợp Campuchia thể hiện hố sâu ngăn cách giữa thứ lý luận cực kỳ thô ráp và cuộc thực nghiệm ở quy mô quốc gia. Khmer Đỏ là một thể chế vội vã xây dựng nên, “vội vã tới mức căn bản không có thời gian ngừng nghỉ để tìm hiểu và quan tâm tới xã hội Campuchia; toàn bộ những gì tồn tại trước thể chế này đều phải bị hủy diệt hoặc ít nhất bị triệt để cải tạo”.

Nhưng điều khôi hài của lịch sử là, một đảng thiếu chuẩn bị nhất về nắm chính quyền đó lại đưa ra một cương lĩnh liều lĩnh nhất, vượt qua mọi cuộc cách mạng khác; như Ieng Sary nhân vật số 2 của đảng này nói năm 1977: “Cuộc thực nghiệm cách mạng Campuchia không có bất kỳ mô hình sẵn có nào. Chúng ta đang làm những việc trong lịch sử không có tiền lệ; mô hình Trung Quốc hay mô hình Việt Nam đều không thích hợp với chúng ta”.

Dân chúng Campuchia bị cưỡng bức làm việc trên đại công trường thủy lợi
Dân chúng Campuchia bị cưỡng bức làm việc trên đại công trường thủy lợi

Cái gọi là CNXH “đặc sắc Campuchia”

Tháng 9.1975, một số nhà trí thức Campuchia học ở nước ngoài về thì thấy khẩu hiệu “Angka vượt qua Lênin, vượt qua Mao Trạch Đông”. Một cán bộ cấp cao phụ trách đón tiếp họ đã giới thiệu: tính đặc thù của cách mạng Campuchia là bỏ trống thành thị và xóa bỏ tiền tệ. Người này nói: Mao Trạch Đông từng nói cần tiến hành cách mạng văn hóa nhiều lần, nhưng cuối cùng thì ngừng lại, còn chúng ta ngày nào cũng làm cách mạng văn hóa. Ông này đặc biệt nhắc tới việc Trung Quốc vẫn dùng tiền tệ, tư nhân vẫn có thể nuôi gia cầm - những chuyện ấy không còn tại Campuchia.

Các chuyên gia Trung Quốc ở Campuchia bị coi là đã biến thành “xét lại”, vì họ không những có tiền lương mà khi về Trung Quốc còn dùng tiền dành dụm để mua đồ điện hoặc máy khâu ở hải quan đem về nước. Có lần chuyên gia Trung Quốc hỏi người Campuchia là cái đập nước mới xây dựng này chi phí hết bao nhiêu tiền, thì người Campuchia vừa bất bình vừa tự hào trả lời: “Đập nước này do nhân dân xây dựng, nước chúng tôi không dùng tiền”. Nhất là người Trung Quốc (người Việt Nam cũng thế) vẫn nhà nào ăn cơm nhà nấy, còn ở Campuchia trước khi cách mạng thành công đã thực hiện chế độ nhà ăn tập thể.

Dựa vào những sự so sánh ấy, cán bộ Campuchia cho rằng “Chế độ của chúng ta ưu việt hơn chế độ của người Trung Quốc”. Có thể thấy rằng Khmer Đỏ đã rút ra bài học gọi là “hữu” trong phong trào cộng sản quốc tế, muốn ngay từ khi vừa mới nắm chính quyền đã lập tức giải quyết triệt để mọi vấn đề mà Trung Quốc “tả” nhất hồi ấy còn chưa giải quyết được; không những “nhảy qua giai đoạn quá độ để bước ngay lên Chủ nghĩa Xã hội”, mà còn tiến ngay vào Chủ nghĩa Cộng sản, qua đó xây dựng cho Thái Lan, Indonesia và Miến Điện một mô hình khác với Trung Quốc, Việt Nam (hồi ấy Khmer Đỏ cho rằng tình thế cách mạng Đông Nam Á đã chín muồi, Campuchia sẽ trở thành một trung tâm mới). Đó chính là cái gọi là “đặc sắc Campuchia”.

Đây là mô hình triệt để tái cơ cấu xã hội ngay từ ngày đầu tiên cách mạng thắng lợi. Mô hình đó bắt đầu thực hiện từ ngày 17/4/1975 (ngày Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh) bằng cuộc đại di dân khỏi các thành phố. Những lý do mà hồi ấy Khmer Đỏ tuyên bố với dân thành phố và người tỵ nạn là: Thứ nhất, Mỹ có thể ném bom các thành phố; Thứ hai, các thành phố đều thiếu lương thực. Đó luôn là giải thích chính thức của Khmer Đỏ.

Cho tới tháng 9/1977 Pol Pot mới thừa nhận việc rút dân ra khỏi các thành phố là do “nguyên nhân an ninh”, tức là nhằm để triệt phá hết căn cứ hoạt động của các tổ chức phản cách mạng. Quyết định ấy được ra đời hai tháng trước khi Khmer Đỏ tiến vào thành phố, song lại giữ bí mật cả với các cán bộ cấp khá cao. Việc giữ bí mật đó đã làm cho cuộc đại di chuyển 2 triệu dân hoàn toàn không có chuẩn bị trước; vì thế mấy chục vạn người bị chết là điều tất nhiên.

Trẻ em Campuchia cũng bị cưỡng bức lao động khổ sai
Trẻ em Campuchia cũng bị cưỡng bức lao động khổ sai

Ngày 20/5/1975 (một tháng sau khi Khmer Đỏ tiến vào thành phố), tại Phnom Penh có tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ cấp cao Khmer Đỏ. Tại cuộc họp, lần đầu tiên người ta công bố các chính sách của Trung ương sau khi tiến vào thành phố. Cuộc họp này không lưu lại bất kỳ văn bản nào (ít nhất tới nay chưa phát hiện thấy). Ngày nay sở dĩ biết được nội dung cuộc họp ấy chủ yếu dựa vào lời kể của những người dự họp, nhất là hồi ức của những người sau này ly khai Khmer Đỏ như Heng Samrin (nguyên tướng lĩnh Khmer Đỏ, sau trở thành người lãnh đạo chính quyền mới xây dựng năm 1979) rồi chắp nối  các tư liệu đó lại.

Điểm chính của chính sách này là: rút hết dân ra khỏi thành thị; bãi bỏ tiền tệ; đóng cửa các chùa chiền Phật giáo, đuổi sư sãi đi làm lao động nông nghiệp; hành quyết tất cả những người lãnh đạo chính quyền Lon Nol; xây dựng hợp tác xã cấp cao trong cả nước và thực hành chế độ nhà ăn tập thể; đuổi hết người Việt Nam ra khỏi Campuchia; điều động quân đội đến biên giới Campuchia - Việt Nam chuẩn bị chiến đấu; v.v…

Có người dự họp còn nói có cả nội dung hủy bỏ trường học và bệnh viện nữa. Những hồi ức của Heng Samrin phù hợp với các nội dung đó và bổ sung thêm: việc hủy bỏ tiền tệ được đồng thời tiến hành với xóa bỏ thị trường và tài sản tư nhân. Ông còn nói, phân loại mọi người thành “Người có quyền lợi đầy đủ” và “Người dự khuyết” . Đáng chú ý là phát biểu của Nuon Chea (một trong các lãnh đạo chủ chốt của Khmer Đỏ) hôm đó có nhấn mạnh nguyên tắc “thẩm định nghiêm ngặt”. Theo giải thích của những người dự họp thì có nghĩa là trong quá trình thực thi các chính sách trên có thể sử dụng bạo lực bất cứ lúc nào để trừ khử hết những người chống đối và bất mãn, không được giữ họ lại trong xã hội mới.

Bà Trình Ánh Hồng sinh 1959, quê Tô Châu, là một học giả nghiên cứu lịch sử. Bà tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc năm 1988, năm 2001 đỗ Tiến sỹ tại Đại học Northeastern University (Massachuset, Hoa Kỳ) rồi về giảng dạy tại Đại học Tô Châu (tỉnh Giang Tô); các năm 2006, 2007, 2010 là học giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc lập Singapore. Bà chuyên nghiên cứu về Phong trào Cộng sản quốc tế và ảnh hưởng quốc tế của “Cách mạng Văn hóa” Trung Quốc; đã có rất nhiều bài viết đăng tải trên các tạp chí, trang mạng học thuật Hoa ngữ và Anh ngữ ở trong, ngoài Trung Quốc. Từ 2003, bà Trình Ánh Hồng là Phó Giáo sư khoa Lịch sử, Đại học Delaware State University, Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)