Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!

"Khi đã xác định không thể tránh khỏi chiến tranh - nói cách khác, ngồi yên là tự sát, Việt Nam đã hạ quyết tâm: Đánh! Đánh để bảo vệ nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc! Đánh để có cuộc hồi sinh của cả dân tộc Campuchia anh em! Đánh để có hòa bình", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Lời tòa soạn:

"Dù rằng đời ta thích hoa hồng

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...”.

Nhìn lại suốt chiều dài của lịch sử đất nước trong thế kỷ 20, có lẽ hiếm có câu hát nào thể hiện được một cách đúng nhất tâm tư, suy nghĩ của những người Việt Nam về ký ức chiến tranh, về một thời gian khó, đặc biệt là với những người lính “ra đi từ mái tranh nghèo” như những câu hát này trong bài hát của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

Với nhiều người, chiến tranh đã chấm dứt trên mảnh đất hình chữ S kể từ sau ngày 30/4/1975 nhưng thực tế, phải hơn 15 năm sau chúng ta mới được sống những ngày tháng hòa bình đúng nghĩa. Một dân tộc vừa bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh với 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, dù đã cố gắng hết sức để có thể tránh một cuộc chiến tranh nữa nhưng không được. Biên giới Tây Nam của Tổ quốc bị xâm phạm, nhân dân Việt Nam liên tục bị tập đoàn diệt chủng Polpot sát hại. Và rồi, chúng ta lại buộc lòng phải bước vào một cuộc chiến tranh hoàn toàn không mong muốn và hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác biệt với những cuộc chiến vừa trải qua.

Đúng 40 năm trước, những ngày cuối năm 1978, những người lính tình nguyện Việt Nam bắt đầu cuộc chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot - Khơ me đỏ. Ngày 07/01/1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng, đánh dấu ngày tàn của chế độ Khơ me đỏ.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Polpot, giải phóng thủ đô Phnom Penh và đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về những câu chuyện xoay quanh chủ đề này.

Phần 1: Dù rằng đời ta thích hoa hồng

Xin Thượng tướng cho biết vai trò của Việt Nam nói chung và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng đối với sự kiện ngày 7/1 của Campuchia?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nói đến sự kiện ngày 7 tháng Giêng, ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh của Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Polpot - Khơ me đỏ, trước hết ta phải nói đến tính chính nghĩa của hành động tự vệ chính đáng của nhân dân và quân đội Việt Nam.

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng! ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Có một điều trùng hợp là cách đây chừng khoảng một tháng, sau hơn 20 năm đấu tranh pháp lý bền bỉ, Tòa án quốc tế đã chính thức ra tuyên án về tội ác của chế độ Khơ me đỏ. Đây chính là câu trả lời cuối cùng về tính chính nghĩa của việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia năm 1979. Phán quyết ấy có một nội dung rất quan trọng: Chế độ Khơ me đỏ đã phạm tội ác diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam và bản thân nhân dân Campuchia. Đây là tội ác chống lại loài người. Với phán quyết ấy, sau 40 năm, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chế độ Khơ me đỏ là một chế độ diệt chủng và mặc nhiên thừa nhận việc ta đưa quân sang Campuchia là một hành động chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc mình, nhân dân mình và cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Không có một đánh giá nào cao hơn như vậy.

Vừa qua, Quốc vương Campuchia, theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen đã công nhận 3 ngày lễ lớn ở Campuchia gồm: Ngày tìm đường cứu nước (21/6/1977) - ngày Hun Sen cùng một số đồng đội chạy sang Việt Nam đề nghị giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Ngày Giải phóng (07/01/1979) - người giải phóng là bộ đội Việt Nam cùng với quân đội Campuchia; Ngày Hòa bình (29/12/1999) - ngày mà Khơ me đỏ bị xóa sổ với tư cách là một tổ chức chính trị- quân sự đã từng tồn tại thực tế trên lãnh thổ Campuchia cho đến tận thời điểm đó.

Nếu nhìn lại, những ngày lễ quan trọng này đều thể hiện sự giúp đỡ to lớn của Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Đến giờ này chúng ta có thể tự hào mà nói rằng cả cộng đồng quốc tế cũng như nhân dân Campuchia đã thừa nhận một cách mạnh mẽ về tính chính nghĩa của chúng ta trong việc đưa quân sang Campuchia, ở lại 10 năm để giúp bạn và sau khi rút quân vẫn tiếp tục giúp bạn ổn định tình hình đất nước, đi đến giải giáp Khơ me đỏ và ổn định, phát triển cho đến ngày hôm nay.

Bây giờ, khi nhìn lại toàn bộ diễn biến của cả một giai đoạn, Có thể thấy những hành động của Khơ me đỏ hoàn toàn không phải là nhất thời mà là một âm mưu với sự chuẩn bị có hệ thống từ nhiều năm. Liệu Việt Nam có bị bất ngờ hay không trong cuộc chiến này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như tôi vừa nói, từ ngày 21/6/1977, Hun Sen đã cùng các đồng đội chạy sang Việt Nam, nói hết với ta những gì đang xảy ra ở Campuchia. Sớm hơn thế nữa, từ những năm 1975-1976 Khơ me đỏ đã có những động thái đưa quân áp sát biên giới, tiến hành những trận đánh thăm dò ở biên giới Tây Nam. Chúng ta đều biết cả. Xa hơn nữa, là sự thỏa hiệp giữa các nước lớn sau khi Mỹ thua ở Việt Nam về việc sẽ cùng ủng hộ Khơ me đỏ để chống Việt Nam, chúng ta cũng đã biết. Thậm chí trước nữa, từ năm 1972, chúng ta đã hiểu được nhiều vấn đề khi mà Khơ me đỏ tấn công một số đơn vị của quân đội ta ở Campuchia.

Tất cả đều diễn ra mang tính hệ thống và mật độ xảy ra của các sự kiện mỗi ngày một dày lên. Và không chỉ có vậy, hàng ngàn người dân Campuchia chạy sang Việt Nam trong thời gian đó đã mô tả về một cuộc thảm sát, về một chiến dịch diệt chủng mang tầm quốc gia chưa hề có trong lịch sử nhân loại đang diễn ra ở Campuchia từng ngày, từng giờ. Số người chết đã lên đến con số hàng triệu. Chúng ta đau xót trước thảm họa của cả một dân tộc láng giềng, anh em. Rồi chính nhân dân ta ở nhiều nơi trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia cũng bị quân Khơ me đỏ tràn sang, thảm sát ghê rợn. Bọn diệt chủng Polpot - Ieng Sary đã dìm cả dân tộc Campuchia vào biển máu và máu của nhân dân ta cũng đã chảy thành sông...

Có thể khẳng định chúng ta không hề bất ngờ về bản chất của Khơ me đỏ, về sự phản bội của Khơ me đỏ, trước hết là phản bội nhân dân Campuchia và sau đó là phản bội Việt Nam. Khi một chế độ đã phản bội chính nhân dân của mình thì không gì có thể ngăn cản chúng phản bội lại một quốc gia khác như Việt Nam. Cho nên, trong cuộc chiến này, chúng ta không bị bất ngờ.

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng! ảnh 2

Vết máu của dân thường bị quân Khmer Đỏ thảm sát tại chùa Phi Lai, Ba Chúc. Vụ thảm sát Ba Chúc là một tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ. Vụ việc xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường. Chỉ có ba người sống sót sau vụ thảm sát.

Chúng ta đã nhận ra bộ mặt của Khơ me đỏ từ sớm nhưng mãi đến đầu năm 1979 mới quyết định đưa quân sang Campuchia và giải phóng thủ đô PnomPenh. Vậy tại sao chúng ta không làm việc này sớm hơn, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Vì sao mãi đến đầu năm 1979 ta mới đưa quân sang Campuchia và giải quyết chiến trường trong một thời gian rất ngắn, theo tôi có 2 lý do:

Lý do quan trọng nhất, bao trùm lên tất cả là chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để không xảy ra chiến tranh. Còn một chút gì hy vọng để có thể giải quyết vấn đề Campuchia bằng biện pháp hòa bình thì chúng ta cũng đã làm. Khi đó chúng ta cũng biết một điều, khi “dưới chân” mà lạnh thì “trên đầu” cũng coi chừng, tức là khi Tây Nam có biến thì phía Bắc cũng có vấn đề. Mình biết chứ! Chính vì biết ai đứng đằng sau Khơ me đỏ, thấy rõ sự nguy hiểm của tình thế nên chúng ta vẫn kiềm chế, cố làm mọi cách để có thể tránh chiến tranh.

Trong suốt những năm đó, đã có biết bao nhiêu công hàm, bao nhiêu hoạt động ngoại giao, bao nhiêu nỗ lực của chúng ta để bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân đồng thời giao thiệp với Khơ me đỏ để tìm giải pháp hòa bình. Thời kỳ đó, mỗi khi Polpot đưa quân sang tàn sát người dân Việt Nam, chúng ta chỉ đánh chúng lui trở về chứ chưa đưa quân sang, kể cả sau những vụ thảm sát thường dân đẫm máu. Chúng ta hiểu rằng, chiến tranh là một đại sự của cả dân tộc cho nên đã phải làm mọi việc, mọi khả năng có thể, tận dụng mọi tia hy vọng nhỏ nhất để mong rằng không phải dùng đến chiến tranh.

Lý do thứ hai cũng rất quan trọng - quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là không “xuất khẩu cách mạng”. Cách mạng là không làm hộ. Cách mạng của nước nào phải do chính người nước ấy, chính lực lượng của nước ấy tự giải phóng dân tộc mình. Như thế mới chính nghĩa và như thế mới giữ được chính quyền. Nếu không phải do chính nhân dân nước ấy thực hiện cuộc cách mạng thì dù có đánh thắng cũng không thể “giữ hộ” Campuchia mãi được và chúng ta cũng không hề có ý định “thôn tính” Campuchia.

Chính vì thế Việt Nam phải chuẩn bị một điều kiện nữa là giúp Bạn xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia. Khi lực lượng cách mạng này ra đời thì cách mạng Campuchia đã có những “nhân tố bên trong” do chính các nhà cách mạng Campuchia như Hun Sen, Heng Somrin, Chia Xim… tập hợp lại thành Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (02/12/1978), do Việt Nam giúp đỡ tổ chức, xây dựng, huấn luyện....

Khi đã xác định không thể tránh khỏi chiến tranh - nói cách khác, ngồi yên là tự sát - và đã có phong trào cách mạng của nhân dân Campuchia, Việt Nam đã hạ quyết tâm: Đánh! Đánh để bảo vệ nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc! Đánh để có cuộc hồi sinh của cả dân tộc Campuchia anh em! Đánh để có hòa bình!

(Còn nữa)

Phần 2:  Tây Nam: Cuộc chiến không hề mong muốn

Theo Infonet

Link gốc: https://infonet.vn/chien-tranh-bien-gioi-tay-nam-ke-thu-buoc-ta-om-cay-sung-post286245.info