Bà Thái Anh Văn tuyên bố “Đài Loan đã độc lập” và tương lai quan hệ hai bên bờ Eo biển

VietTimes -- Gần đây, truyền thông Đài Loan quan sát thấy ông Hàn Quốc Du sau khi bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử Đài Loan hôm 11/1/2020 đã quay trở lại Cao Hùng và thay đổi hẳn phong cách vốn có. Ông hiếm khi chấp nhận các cuộc phỏng vấn công khai và chỉ trả lời “cảm ơn” trước các câu hỏi. Điều này khiến giới truyền thông cho là cuộc tổng tuyển cử đã khiến Hàn Quốc Du tổn thương và “mất giọng”. Nếu nói người thua lâm vào sự thất vọng, cô đơn và suy tư, hạ giọng; thì sự cao giọng và tự tin, vui mừng thái quá của người chiến thắng lại khiến người ngoài lo ngại về nguy cơ rơi vào sự mù quáng.
Sau khi thắng cử hôm 11/1, bà Thái Anh Văn đã thẳng thắn tuyên bố "Đài Loan đã độc lập" khi trả lời phỏng vấn đài BBC của Anh (Ảnh: CNA)
Sau khi thắng cử hôm 11/1, bà Thái Anh Văn đã thẳng thắn tuyên bố "Đài Loan đã độc lập" khi trả lời phỏng vấn đài BBC của Anh (Ảnh: CNA)

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 17/1 đăng bài viết “Tuyên bố ‘Đài Loan đã độc lập’, cuộc bầu cử đã thay đổi Thái Anh Văn” cho rằng, dường như “Người chiến thắng” Thái Anh Văn đang có những biểu hiện như thế.

Bà Thái Anh Văn tuyên bố “Đài Loan đã là quốc gia độc lập”

“Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập. Chúng tôi tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Chúng tôi có chính phủ, có quân đội và có bầu cử”. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tuyên bố rõ ràng lập trường của bà về quan hệ hai bên Eo biển sau khi được bầu lại. Các học giả Đài Loan cho rằng điều này giống như đưa ra đáp án cuối cuối cùng cho câu hỏi về việc xác định quan hệ hai bên Eo biển là “một bên và một quốc gia thù địch”.

Mặc dù bà Thái truyền tải thông điệp này thông qua cơ quan truyền thông Anh BBC, nhưng trong khi phỏng vấn bà không hề giấu giếm chủ trương “Đài Loan độc lập” với cách dùng từ cứng rắn, đã khiến thế giới bên ngoài thấy một Thái Anh Văn tràn đầy năng lượng hơn sau khi bị kích thích bởi kết quả bầu cử.

Bà Thái Anh Văn thị sát cuộc diễn tập Hán Quang của một đơn vị quân đội (Ảnh: CNA)
Bà Thái Anh Văn thị sát cuộc diễn tập Hán Quang của một đơn vị quân đội (Ảnh: CNA)

Trong đoạn băng phỏng vấn bốn phút do BBC công bố, bà Thái cảnh cáo Bắc Kinh không nên hành động khinh suất, nếu đó sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, chắc chắn họ sẽ phải trả giá rất lớn. Những cảnh báo tương tự từng xuất hiện trong lập trường của Bắc Kinh về sự kích động của Đài Loan, nhưng lần này bà Thái Anh Văn đã cảnh báo Đại lục, đó là một biểu hiện chưa từng có xưa nay.

Đa Chiều viết, Thái Anh Văn, người lập kỷ lục số phiếu cao nhất trong lịch sử bầu cử dân chủ ở Đài Loan, dường như đã có được sự tin tưởng lớn qua cuộc bầu cử này và những lời nói và hành động của bà ngày càng trở nên mạnh mẽ. Khi trả lời những gì phóng viên BBC nói về “chiến tranh”, Thái Anh Văn đã không ngần ngại tuyên bố rằng ngoài việc chuẩn bị và tăng cường khả năng tự vệ, quan trọng hơn là “nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”. Điều này khiến người ta lo ngại là bà Thái sẽ đi xa hơn. Liệu có thực sự là “tự mình phình to” như ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), người phát ngôn của Văn phòng Quan hệ Đài Loan của Trung Quốc Đại lục nói, đã tạo ra những ảo tưởng chính trị phi thực tế hay không?

Trang tin Đa Chiều từng đề cập trong bài báo “Những suy nghĩ gần đây: Thời cơ chiến lược của Trung Quốc dưới bóng ma Hoa Kỳ” rằng, Mỹ luôn là nhân tố then chốt quan trọng nhất trong sự phát triển của Trung Quốc trong 40 năm qua hoặc quyết ách chiến lược hiện tại của Trung Quốc. Việc Đại lục chần chừ không thể giải quyết được vấn đề Đài Loan, suy cho cùng cũng có những nguyên nhân đáng kể từ Mỹ.

Đầu năm 2019, ông Tập Cận Bình đã phát biểu không từ bỏ phương pháp thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (Ảnh: Tân Hoa xã)
Đầu năm 2019, ông Tập Cận Bình đã phát biểu không từ bỏ phương pháp thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (Ảnh: Tân Hoa xã)

Sau khi ông Donald Trump nhậm chức vào năm 2016, đã phá vỡ tập quán ngoại giao của Hoa Kỳ trong gần 40 năm và nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn. Trong 4 năm qua, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ đã lần lượt thông qua “Luật du lịch Đài Loan”, “Đạo luật bảo chứng Đài Loan 2019” đảm bảo thường xuyên hóa việc bán vũ khí cho quân đội Đài Loan và trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử lần này, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quốc phòng năm 2020, ngoài việc tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ - Đài Loan, còn bao gồm một điều khoản riêng giám sát sự can dự của Trung Quốc vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.

Khi tín hiệu do Mỹ phát ra trong nhiệm kỳ đầu tiên được bà Thái cho rằng có sự đảm bảo của “sự ủng hộ quốc tế”, khi bà phá vỡ kỷ lục lịch sử bằng cách giành được hơn 8 triệu phiếu bầu và nghĩ rằng ý dân Đài Loan đang ủng hộ, Thái Anh Văn cho rằng bà có cơ sở không thể nghi ngờ để cạnh tranh với Đại lục.

Khi nói đến "chiến tranh",bà Thái Anh Văn cho rằng cái giá Trung Quốc Đại Lục phải trả nếu tấn công Đài Loan là rất lớn (Ảnh: Reuters).
Khi nói đến "chiến tranh",bà Thái Anh Văn cho rằng cái giá Trung Quốc Đại Lục phải trả nếu tấn công Đài Loan là rất lớn (Ảnh: Reuters).

Liệu Đài Loan có nên đặt cược vào Mỹ?

Đa Chiều cho rằng, ngay cả khi Bắc Kinh thừa nhận Mỹ có một vai trò không thể bỏ qua trong việc giải quyết vấn đề Eo biển Đài Loan, liệu điều này có nghĩa là bà Thái có nên thực sự đặt cược tương lai của Đài Loan vào những người khác? Trong 30 năm qua, cuộc chiến không ngừng nghỉ ở Trung Đông đã truyền cảm hứng cho Thái Anh Văn. Nhưng, bị kẹt trong ván cờ của các cường quốc, số phận của các nước nhỏ bé nào chẳng bị ngọn lửa chiến tranh nuốt chửng, rơi vào tình trạng hỗn loạn và chia rẽ? Chỉ ba tháng trước, những người Kurd dựa vào Hoa Kỳ đã bị bỏ rơi, một lần nữa khẳng định bài học “Trở thành kẻ thù của Mỹ là nguy hiểm, là một người bạn của Mỹ còn nguy hiểm hơn”, đã không làm Đài Loan tỉnh mộng sao? Chính quyền Đài Loan đã không coi đây là một tấm gương mà còn lao vào đám cháy. Có phải bà Thái đang biến Đài Loan thành người Kurd tiếp theo? Là một nhà lãnh đạo kiểm soát số phận của 23 triệu người Đài Loan, bà Thái đã đặt hy vọng vào Trump, người luôn hô hào “Ưu tiên Nước Mỹ”. Ý tưởng này không chỉ ngây thơ, mà còn điên rồ.

Bà Thái Anh Văn chiến thắng vang dội trong bầu cử được cho là do tranh thủ được sự ủng hộ của giới trẻ Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều)
Bà Thái Anh Văn chiến thắng vang dội trong bầu cử được cho là do tranh thủ được sự ủng hộ của giới trẻ Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều)

Mặc dù quan hệ Trung - Mỹ hiện tại vẫn chưa sáng sủa, nhưng nếu bà Thái Anh Văn có kế hoạch sử dụng điều này để đẩy nhanh quá trình “Đài Loan độc lập”, e rằng đã xem nhẹ xác suất sử dụng vũ lực của Đại lục. Nếu không ra tay, lý do khiến ông Tập Cận Bình chuẩn bị chiến đấu cho những người lính trong nhiều năm như vậy để làm gì? Vì sao các lực lượng quân sự của Trung Quốc liên tục nghiêng về Biển Đông? Lẽ nào chỉ để xem Eo biển sóng yên biển lặng? Bà Thái Anh Văn lấy nhỏ chọi lớn, e rằng không  thông minh và mắc bệnh ấu trĩ.

Không có áp lực bầu cử, bà Thái có lẽ không tiếp tục kích thích Đại lục mà không phải lo lắng, nhưng bà phải nhận ra cái giá phải trả cho nó. Đây có phải là được không bằng mất đối với Đài Loan? Điều này có thực sự là có trách nhiệm đối với các cử tri ủng hộ bà không? Lý do tại sao bà Thái dám công khai hô hào chiến tranh với Đại lục có lẽ do bị kích thích bởi cuộc bầu cử này. Bà cho rằng hơn 8 triệu người đã bỏ phiếu cho mình, đã gián tiếp công nhận lập trường của bà về vấn đề hai bên Eo biển. Tuy nhiên, bà Thái dường như bỏ qua việc bỏ phiếu cho bà không có nghĩa là họ thực sự ủng hộ hoặc ủy quyền cho bà để gia tăng mâu thuẫn giữa hai bờ Eo biển; mà có thể chỉ đơn giản là không đồng ý với thái độ của Quốc Dân Đảng về các vấn đề xuyên eo biển.

Đa Chiều kết luận, nhìn vào các cử tri của bà Thái Anh Văn, chủ yếu là những người trẻ tuổi, chính bà cũng thừa nhận rằng trong chiến thắng lần này bà được lợi do tranh thủ được thế hệ trẻ của Đài Loan. Tuy nhiên, bà Thái không nên bắt cóc dư luận Đài Loan và cũng không nên lầm lẫn bởi cái gọi là “dân ý”. Sự nhiệt tình của giới trẻ đã khiến tất cả họ đóng vai trò tiên phong trong các phong trào chính trị trong quá khứ, nhưng cũng rất dễ bị mù quáng, bị dẫn dắt sai lầm. Sự phát triển của các cuộc bạo loạn ở Hong Kong trong thời gian qua có thể là một cảnh báo.

Ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc cảnh báo bà Thái và DPP "không nên tự mình phình to, đánh giá sai tình hình, tạo ra căng thẳng và hỗn loạn ở eo biển Đài Loan và đưa Đài Loan vào tình huống nguy hiểm" (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc cảnh báo bà Thái và DPP "không nên tự mình phình to, đánh giá sai tình hình, tạo ra căng thẳng và hỗn loạn ở eo biển Đài Loan và đưa Đài Loan vào tình huống nguy hiểm" (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trung Quốc Đại Lục cảnh cáo mạnh mẽ

Đáp lại tuyên bố của bà Thái Anh Văn, ngày 16/1, ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc nói, Đài Loan chưa bao giờ là một quốc gia, mà là một phần thiêng liêng và không thể chia cắt của Trung Quốc. Ai mưu đồ cố gắng thách thức sự thật sắt đá này, người đó chỉ có thể vỡ đầu chảy máu, thân bại danh liệt. Cảnh cáo nhà lãnh đạo của chính quyền đảng Dân Tiến không nên tự mình phình to, đánh giá sai tình hình, tạo ra căng thẳng và hỗn loạn ở eo biển Đài Loan và đưa Đài Loan vào tình huống nguy hiểm.

Ông Mã nhấn mạnh: “Quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là vững như bàn thạch. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, bất kỳ đảng chính trị nào, vào bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, chia cắt bất kỳ phần lãnh thổ  nào ra khỏi Trung Quốc”.

Trước đó, ngày 15 tháng 1,  ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời câu hỏi liên quan: “Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc và Đài Loan là một phần không thể thiếu của Trung Quốc. Nguyên tắc một Trung Quốc là sự đồng thuận phổ quát của cộng đồng quốc tế”.