Anh ra động thái rắn với Trung Quốc liên quan vấn đề Hong Kong

VietTimes – Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa hẹn với người dân Hong Kong về “một trong những thay đổi lớn nhất trong hệ thống thị thực trong lịch sử nước Anh” nếu Bắc Kinh thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong; ông viết trong bài xã luận đăng tải trên tờ The Times và Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi người dân Hong Kong kể từ khi Bắc Kinh ra mắt dự luật an ninh mới (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi người dân Hong Kong kể từ khi Bắc Kinh ra mắt dự luật an ninh mới (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi tới Hong Kong trong bối cảnh tranh cãi căng thẳng về luật an ninh quốc gia Hong Kong, Thủ tướng Johnson nói rằng “rất nhiều người ở Hong Kong đang lo sợ rằng cuộc sống của họ đng bị đe dọa” kể từ khi Quốc hội Trung Quốc đưa ra dự luật này hồi tháng trước.

“Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục biện minh cho nỗi lo sợ của họ, vậy thì Anh không thể chỉ nhún vai và bỏ đi, thay vào đó chúng tôi sẽ giữ vững các cam kết và đưa ra một giải pháp thay thế” – ông Johnson cho hay.

“Anh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giữ vững mối quan hệ lịch sử phức tạp và tình bằng hữu với người dân Hong Kong” – ông Johnson nói thêm.

Theo kế hoạch mới của chính phủ Anh – sẽ có hiệu lực ngay khi Bắc Kinh chính thức thực thi luật an ninh Hong Kong – 3 triệu người dân Hong Kong đr điều kiện nhận được hộ chiếu Anh (ở hải ngoại) và người thân của họ có thể chuyển tới Anh để sinh sống và làm việc, hoặc học tập trong khoảng thời gian có thể gia hạn là 12 tháng, từ đó tạo điều kiện cho họ có được quyền công dân ở Anh.

“Đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất hệ thống thị thực trong lịch sử nước Anh” – ông Johnson nói – “Khi cần thiết, chính phủ Anh sẽ sẵn sàng thực hiện kế hoạch”.

Theo Thủ tướng Johnson, động thái của Bắc Kinh nhằm vào Hong Kong là đi ngược với điều giúp cho thành phố này thành công.

“Hong Kong thành công là bởi người dân của nó tự do. Họ có thể theo đuổi ước mơ và leo lên tầm cao mà tài năng của họ cho phép” – ông Johnson nói. Tuy nhiên, luật an ninh mới sẽ “hạn chế sự tự do đó và làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong”.

“Tôi cũng không hiểu được làm thế nào mà biện pháp mới này có thể làm giảm căng thẳng ở Hong Kong” – ông Johnson nói – “Tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ nhớ rằng trách nhiệm luôn gắn liền với sức mạnh và sự lãnh đạo. Trong lúc Trung Quốc đang đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, chính quyền của họ không chỉ đơn thuần là dự vào sức nặng của họ trên toàn cầu mà cả danh tiếng của họ trong việc ứng xử đẹp và sự khoan dung”.

Thủ tướng Johnson cũng phản ứng trước cái mà ông gọi là “những cáo buộc sai của Trung Quốc – như cáo buộc Anh tổ chức các cuộc biểu tình ở Hong Kong”, hay reo rắc sự ngờ vực về Tuyên bố chung Trung-Anh.

Lập liên minh ứng phó vấn đề Hong Kong?

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab muốn lập một liên minh quốc tế để phản ứng trước vấn đề Hong Kong (Ảnh: Sputnik)
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab muốn lập một liên minh quốc tế để phản ứng trước vấn đề Hong Kong (Ảnh: Sputnik)

Trước đó, trong hôm 2/6, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói trước Quốc hội Anh rằng họ đã thảo luận về việc “chia sẻ gánh nặng” với Mỹ, Australia, Canada và New Zealand trong việc xử lý làn sóng di cư của người dân Hong Kong.

Tuyên bố trên được ông Raab đưa ran gay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ sẽ cân nhắc một số biện pháp để tiếp đón người dân Hong Kong đến nước này sau khi Bắc Kinh thực thi luật an ninh mới ở đặc khu này.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục động thái này, người dân Hong Kong có thể đến với vòng tay nồng hậu của đất nước chúng ta” – ông Raab nói.

Ông Raab nói thêm rằng đề xuất “hào phóng” này sẽ tạo nên “con đường hướng tới quyền công dân” Anh, mặc dù đề xuất ông đưa ra không nêu chi tiết về số năm sinh sống ở Anh mà người dân Hong Kong cần có để trở thành công dân Anh.

Ngoại trưởng Raab cũng nói trước Quốc hội rằng ông đang làm việc với một số nước có chung chí hướng trong liên minh “Five Eyes” – trong đó có Mỹ, Canada, Australia và New Zealand – để hình thành một làn sóng hưởng ứng của quốc tế đối với vấn đề Hong Kong.

Tuy nhiên, ông Raab hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi ý định, thêm rằng Anh sẽ không bao giờ từ bỏ trách nhiệm đạo đức và lịch sử của mình.

“Ngay cả trong giai đoạn này, tôi thực sự hy vọng Trung Quốc sẽ xem lại hướng tiếp cận của họ” – ông Raab nói – “Vẫn còn một cơ hội để Trung Quóc thoái lui – mặc dù chúng tôi nghĩ rằng khó có khả năng này. Nhưng chúng tôi sẽ giữ vững lời hứa mà chúng tôi trao cho người dân Hong Kong, và sẽ không thoái thác”.

Các thành viên Quốc hội Anh ở cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng, và đảng Quốc gia Scotland, đều ủng hộ kế hoạch mở rộng quyền sở hữu hộ chiếu Anh (hải ngoại) của người dân Hong Kong.

Ngoại trưởng Raab nói rằng Anh đưa ra hành động này nhằm phản ứng trước việc chính phủ Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh trong đó quy định về quyền và sự tự do của Hong Kong.