Mỹ sẽ ngừng ứng xử đặc biệt với Hong Kong, tính trừng phạt Trung Quốc

VietTimes – Trong một quyết định bất ngờ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo với Quốc hội rằng Hong Kong không còn giữ được quyền tự trị trước Trung Quốc. Đánh giá này là một bước quan trọng trong việc quyết định xem Hong Kong còn nhận được diện ưu tiên kinh tế và thương mại của Mỹ hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hong Kong không còn duy trì quyền tự trị trước Trung Quốc (Ảnh: AP)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hong Kong không còn duy trì quyền tự trị trước Trung Quốc (Ảnh: AP)

"Không một người hiểu lý lẽ nào lại có thể đánh giá rằng Hong Kong còn duy trì được mức độ tự trị cao trước Trung Quốc, với thực tế hiện nay" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố  - "Quyết định này không làm tôi hài lòng. Nhưng chính sách vẹn toàn cần có sự nhận thức về thực tế".

Đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ mang tính khuyến nghị chứ không mang tính quyết định. Giới chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Trump, giờ sẽ quyết định xem có nên sử dụng các lệnh trừng phạt hay các biện pháp chính sách khác đối với Hong Kong hay không..

"Mặc dù Mỹ từng hy vọng rằng một Hong Kong thịnh vượng và tự do sẽ đưa ra một mô hình cho Trung Quốc, nhưng giờ rõ ràng là Trung Quốc lại biến Hong Kong theo mô hình của họ" - ông Pompeo nói.

Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong mà Quốc hội Mỹ thông qua tháng 11/2019, chính quyền Mỹ mỗi năm cần đánh giá và quyết định xem liệu Hong Kong có duy trì quyền tự trị trước Trung Quốc hay không.

Giờ lựa chọn trừng phạt của Mỹ - mà theo các chuyên gia là còn tùy thuộc vào phản ứng của Bắc Kinh - bao gồm nâng mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, đưa ra các quy định đầu tư khắt khe hơn, đóng băng tài sản và thắt chặt việc cấp thị thực.

Động thái cứng rắn của Mỹ đã tạo ra cơn địa chấn ở cả Trung Quốc và Hong Kong.

"Tôi khá chắc rằng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực tế được cho là gây xói mòn quyền tự trị của Hong Kong" - bà Bonnie Glaser, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định - "Các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể áp đặt với các ngân hàng làm ăn với các thực thể mà họ (Mỹ) cho là vi phạm luật pháp bảo vệ quyền tự trị của Hong Kong".

Lời cảnh báo sẽ thay đổi hiện trạng thương mại, kinh tế ưu tiên của Hong Kong cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty Mỹ đang hoạt động tại thành phố này, cũng như người dân Hong Kong, trong khi chỉ gây ảnh hưởng nhỏ tới Trung Quốc; Nicholas Lardy, chuyên gia phân tích thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.

"Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại đi trừng phạt người dân Hong Kong vì điều gì đó mà chính quyền Bắc Kinh đang làm" - ông Lardy nói.

Muchael Fuchs, cựu nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho rằng các lệnh trừng phạt của mỹ có thể làm thay đổi về căn bản mối quan hệ Trung-Mỹ, tương lai cảu Hong Kong và hệ thống kinh tế toàn cầu. "Ảnh hưởng từ sự việc này sẽ rất lớn"; ông Fuchs nói.

Dự luật tâm điểm của tranh cãi

Cảnh sát ngăn người biểu tình chặn các tuyến đường ở quận Mong Kok, Hong Kong tối 27/5 - AFP
Cảnh sát ngăn người biểu tình chặn các tuyến đường ở quận Mong Kok, Hong Kong tối 27/5 - AFP

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh mới đây đề xuất dự luật an ninh quốc gia Hong Kong "nhằm vào một danh mục hành động nhỏ hẹp" và nó sẽ "không ảnh hưởng tới quyền tự trị của Hong Kong, quyền và sự tự do của người dân Hong Kong hay quyền hợp pháp và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài".

"Vấn đề Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép sự can thiệp của bên ngoài" - tuyên bố nêu thêm - "Đối với sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề Hong Kong, chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp đáp trả cần thiết".

Theo Luật Cơ bản, được coi như Hiến pháp Hong Kong, chính quyền thành phố này được tự đưa ra các quyết định của riêng mình, chỉ ngoại trừ các vấn đề liên quan tới quốc phòng và an ninh quốc gia.

Nhưng trong kỳ họp Quốc hội tổ chức hồi tuần trước tịa Bắc Kinh, Trung Quốc đã công bố dự luật trong đó cấm các hành động "ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp của nước ngoài" có thể mở rộng đáng kể quyền lực của đại lục với thành phố này. Điều này gây quan ngại rằng Trung Quốc đang nhanh chóng tiêu hủy hệ thống "Một quốc gia, hai chế độ".

Rất nhiều người ở Washington - từ các thành viên Quốc hội cho tới các hiệp hội doanh nhân, luật gia và tổ chức nhân quyền - đều phản ứng trước dự luật trên, dẫn tới việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố trên.

"Quyết định thảm họa của Bắc Kinh chỉ là một trong số hàng loạt hành động về cơ bản gây xói mòn quyền tự trị và sự tự do của Hong Kong, và cả những cam kết của Trung Quốc với người dân Hong Kong có trong Tuyên bố chung Trung-Anh" - Ngoại trưởng Pompeo nói.

Ảnh hưởng nhiều mặt

Theo nhiều chuyên gia, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các đòn trừng phạt của Mỹ, khoảng 1.200 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong có thể đối mặt với những điều kiện hoạt động khắc nghiệt hơn, tăng chi phí di dời hoặc các chủ doanh nghiệp có thể bị dẫn giải tới tòa án của đại lục.

Về phần minh, Trung Quốc có thể chịu tổn hại về mặt kinh tế và uy tín trên trường quốc tế, bởi vai trò quan trọng của Hong Kong - một trung tâm tài chính của thế giới. Thành phố này cũng nhận được rất nhiều khoản đầu tư của các công ty đến từ đại lục.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước các cuộc biểu tình và sự bất mãn của người dân Hong Kong. Giới lãnh đạo Trung Quốc có khả năng đã kết luận rằng những nhân tố kinh tế không còn quan trọng bằng mối quan ngại làn sóng biểu tình có thể lan tới phía Nam Trung Quốc.

"Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ chứng kiến dấm chấm hết của Hong Kong với tư cách một trung tâm tài chính sánh ngang với New York hay London" - Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức tư vấn Hội đồng Đối ngoại (CFR), nói - "Nhưng tôi tin rằng đó là điều mà chính quyền đại lục sẵn sàng hy sinh".

Thêm vào đó, Trung Quốc không còn phải dựa dẫm vào Hong Kong như họ đã từng trước đây, theo ông Lardy.

Vào thời điểm Anh trao trả Hong Kong năm 1997, thành phố này đóng góp khoảng 18% GDP của Trung Quốc, một con số giờ giảm xuống còn 4%; theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động tài chính của họ sang Thượng Hải.

Theo SCMP