96% người Việt nghĩ mình thuộc tầng lớp trung lưu, họ là ai?

Với người này có thể đảm bảo một cuộc sống cho con ăn học, cơm ngày ba bữa đầy đủ được xem là trung lưu nhưng với người khác, phải có nhà lầu, xe hơi, đi du lịch nước ngoài mới được xem là trung lưu. Chỉ có 2% người Việt Nam tự nhận mình nghèo, 2% coi mình là thượng lưu...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là kết quả nghiên cứu có tên gọi "Tầng lớp trung lưu không giới hạn" về  những người tự cho mình là tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế, do Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo (viết tắt là Hill ASEAN) thực hiện và công bố chiều 14/3.

Sự "lạc quan" của người Việt Nam được coi là cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Theo kết quả thăm dò, ở Singapore có số người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu là 85%, và giới trung lưu tính theo thu nhập thực tế là 45%; Thái Lan tỷ lệ này lần lượt là 80% và 72%; con số này ở Malaysia lần lượt là 72% và 56%; và Indonesia là 72% và 56%.

Cuộc khảo sát lần này được tổ chức có trụ sở ở Nhật Bản thực hiện với 2.500 người ở lứa tuổi từ 20-59 thuộc tất cả các tầng lớp kinh tế xã hội. Riêng mẫu khảo sát cho thị trường Việt Nam là 500.

Mức thu nhập thực tế hộ gia đình mà khảo sát của Hill ASEAN xác định tầng lớp trung lưu là 3.000-15.000 USD/năm, và số người khảo sát đủ chuẩn tại Việt Nam chiếm 50%.

Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy quan điểm của tầng lớp trung lưu giữa Hà Nội và TPHCM cũng khác nhau. Tại nơi từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, những người thuộc tầng lớp trung lưu đang cố gắng tiến vào tầng lớp thượng lưu bằng cách tự cá nhân mình tìm kiếm cơ hội.

Trái lại, ở Hà Nội mọi người tìm kiếm sự ổn định với thái độ tập thể và cố gắng để không rơi xuống tầng lớp thấp hơn.

Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo ước tính năm 2015 tổng dân số tại 5 nước thuộc cuộc khảo sát này (gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia) là 450 triệu người thì tầng lớp trung lưu lên đến 240 triệu. Ước đến năm 2020 con số này là 470 và 290 triệu.

Trong bài trình bày của mình, ông Yusuke Yosoda, giám đốc phụ trách kế hoạch chiến lược của HILL ASEAN cho rằng tái định nghĩa về tầng lớp trung lưu là điều cần thiết cho mô hình “lối sống ước mơ” với quan điểm mới của tầng lớp trung lưu khu vực ASEAN.

Trước đây khái niệm trung lưu thường được xác định bằng thu nhập, nhưng nghiên cứu cho thấy một phân khúc lớn những người tự xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu. 

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh công ty Kantar World Panel, thông thường các công ty nghiên cứu thị trường sẽ có những tiêu chí riêng đánh giá tầng lớp trung lưu, ngoài yếu tố thu nhập, một số công ty còn đánh giá dựa trên nhà cửa, đồ dùng gia đình, thói quen sinh hoạt…

Tất cả nhằm mục đích đánh giá sức mua, khả năng chi trả của người tiêu dùng tiềm năng. Nhưng điều quan trọng nhất sau những tiêu chí này là suy nghĩ của họ về cuộc sống của mình.

Với người này có thể đảm bảo một cuộc sống cho con ăn học, cơm ngày ba bữa đầy đủ được xem là trung lưu nhưng với người khác, phải có nhà lầu, xe hơi, đi du lịch nước ngoài mới được xem là trung lưu.

Ý thức của người trả lời

Ý thức (mindset) của người trả lời trong các khảo sát rất quan trọng.

“Có một điểm cũng cần lưu ý là người VN tính sĩ diện cũng khá cao. Họ không thích bị nhìn nhận là người cực khổ cho dù nếu khai thu nhập, thì ai cũng đưa ra con số khá thấp so với thực tế” - ông Hoàng cho biết.

Thông thường ở VN, tầng lớp được xem là trung lưu nếu một hộ gia đình có thu nhập 20 triệu đồng/tháng trở lên, nếu trên 40 triệu đồng/tháng thì được xem là thu nhập cao.

Người VN vốn linh hoạt, xoay sở cuộc sống nên mức thu nhập bình quân này được xem là cao, đặc biết khi GDP của VN năm 2015 cũng chỉ khoảng 45 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, được xem như là thế hệ tiêu dùng trẻ, chị Bùi Huyền My, 33 tuổi, Công ty Gumi Việt Nam, TP.HCM, có một bé trai, cho biết thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chị đủ để chi tiêu dư dả nhưng lại chưa có nhiều để tiết kiệm.

“Quan điểm tiêu dùng của tôi là chia làm hai:  nếu chi tiêu cho con cái có mắc một chút miễn là đồ tốt thì không nề hà gì. Còn cho bản thân và gia đình thì dành hẳn riêng một khoản cố định hàng tháng để chi tiêu.

Phân định rạch ròi vậy nên tôi không nghĩ mình quá cực khổ để gọi là cuộc sống hạ lưu nhưng cũng không hẳn sướng như cuộc sống trung lưu, chúng cứ lấp lửng chứ chưa xác định hẳn ở tầng lớp nào” - chị My chia sẻ.

Theo chị My, nói như vậy để thấy, kết quả khảo sát gần đây về con số 96% cho thấy bản thân người tham gia khảo sát cũng hẳn sẽ rơi vào trường hợp như của chị, ít người VN nào dám nhận mình là hạ lưu.

“Quan điểm cuộc sống của tôi cũng khá rõ ràng, thích cái gì thì phải làm và mua cho bằng được chứ không để mình thèm thuồng, nên tôi cũng ủng hộ các hình thức trả góp, hay tiêu dùng ứng trước”, chị My nhấn mạnh.

Nhóm khảo sát của HILL ASEAN cũng cho rằng những người tham gia khảo sát ở VN tự xem mình thuộc tầng lớp trung lưu chia sẻ họ thường tìm ra cách sống và cách kiếm thu nhập để sống theo lối sống mơ ước mà không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có.

Phần lớn trong số họ tìm cách cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, chủ yếu bằng các nguồn thu nhập từ thứ hai trở đi ngoài công việc toàn thời gian đang làm. Họ muốn đầu tư nhiều hơn và chấp nhận rủi ro.

Theo Tuổi Trẻ, HILL ASEAN