87 công ty Nhật nhận trợ cấp của chính phủ để rời Trung Quốc về Nhật và tới các nước Đông Nam Á

VietTimes – Sau khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ chi tổng cộng 2,2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật rút khỏi Trung Quốc quay trở lại Nhật Bản; đồng thời cung cấp 220 triệu USD để tài trợ những công ty Nhật có kế hoạch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác nhằm tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước này.
Đến cuối tháng 7/2020 đã có 87 công ty nhận tài trợ của Chính phủ Nhật để rời Trung Quốc về Nhật và tới các nước Đông Nam Á (Ảnh:BusinessFocus).
Đến cuối tháng 7/2020 đã có 87 công ty nhận tài trợ của Chính phủ Nhật để rời Trung Quốc về Nhật và tới các nước Đông Nam Á (Ảnh:BusinessFocus).

Trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 8/8 dẫn nguồn hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 7/8 đưa tin, đến nay kế hoạch này của chính phủ Nhật đang diễn ra tốt đẹp. Tính đến ngày 22/7, đợt tiền tài trợ đầu tiên đã được chính phủ thực hiện, tổng trị giá 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD) đã được chi ra, mang lại lợi ích cho 87 công ty, trong đó có 30 công ty đã rời khỏi Trung Quốc chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á.

Trong đó, công ty sản xuất đồ điện gia dụng Panasonic nổi tiếng của Nhật Bản và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp sẽ được chuyển đến Indonesia; nhà máy sản xuất đế kính ổ cứng của HOYA sẽ được chuyển sang Việt Nam và Lào; nhà máy sản xuất găng tay cao su của Sumitomo sẽ được chuyển đến Malaysia; Dây chuyền sản xuất nam châm đất hiếm hóa học của Shin-Etsu được di chuyển tới Việt Nam, v.v.

Danh sách các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc chuyển tới các nước Đông Nam Á (Ảnh: Zhihu).
Danh sách các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc chuyển tới các nước Đông Nam Á (Ảnh: Zhihu).

Công ty Fujikin của Nhật Bản sẽ sử dụng khoảng 2/3 quỹ trợ cấp chi phí sản xuất để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo báo cáo, một nửa trong số 30 công ty nói trên đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bản tin của Bloomberg dẫn lời ông Shinya Nojima, Chủ tịch Fujikin nói rằng trước khi chính phủ Nhật Bản công bố chính sách trợ cấp, công ty đã xem xét việc tăng năng lực sản xuất ở Việt Nam. Chính sách trợ cấp của chính phủ rất kịp thời và phù hợp với kế hoạch của công ty. Vì các nhà cung cấp Trung Quốc đã từng đóng cửa nhà máy do dịch bệnh, nên các khách hàng của Fujikin cũng tỏ ra lo lắng về việc mua hàng và đơn đặt hàng liệu có thể được hoàn thành đúng thời hạn hay không.

Ông Satoshi Kitajima, Phó Giám đốc Tổ chức chấn hưng Ngoại thương Nhật Bản (Japan External Trade Organisation, JETRO), cũng cho biết nhiều công ty Nhật đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 bùng phát.  

Kể từ năm nay, các nước Đông Nam Á đã đua nhau tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Datuk Seri Azmin cho biết việc các công ty Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc là cơ hội tốt để Malaysia thu hút đầu tư nước ngoài. Malaysia đã bố trí việc  đào tạo để cung cấp các nhân lực có tay nghề cao.

Tổng thống Indonesia Widodo hồi tháng 5 cho biết ông sẽ giải quyết tháo gỡ mọi vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài. Chính phủ Indonesia hồi tháng 6 thông báo 7 công ty nước ngoài, trong đó 3 công ty của Nhật Bản, sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia, với tổng vốn đầu tư lên tới 850 triệu USD.

Ngày càng có nhiều công ty Nhật di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng của Trung Quốc (Ảnh: qctt).
Ngày càng có nhiều công ty Nhật di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng của Trung Quốc (Ảnh: qctt).

Bản tin của Bloomberg viết, trong 10 năm qua, đầu tư ròng của Nhật Bản vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines là khoảng 139 tỷ USD.

30 công ty chủ yếu chuyển sang Việt Nam (15), Thái Lan (6), Philippines (3), Malaysia (4), Lào (1), Indonesia (1) và Myanmar (1). Trong số đó, Công ty TNHH Nikkiso cũng đã đồng thời thành lập công ty mới tại cả Thái Lan và Việt Nam.

Về loại hình kinh doanh, các công ty thiết bị y tế, thiết bị bán dẫn và thiết bị gia dụng có xu hướng ưu tiên Việt Nam; nhà sản xuất thiết bị cao su Sumitomo Rubber Industries chọn Rubber Kingdom Malaysia ...

Theo Tổ chức chấn hưng Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), mỗi công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc đại lục có thể nhận được khoản trợ cấp từ 900.000 USD đến 46,5 triệu USD của chính phủ Nhật Bản.