Theo thông tin mà lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản công bố, các tàu của Trung Quốc đã đi vào khu vực cách quần đảo Senkaku mà Nhật kiểm soát - còn gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc - chỉ khoảng 4 km, vượt qua mức giới hạn 12 hải lý được quốc tế công nhận là thuộc chủ quyền của một quốc gia.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo đã liên tiếp trao công hàm phản đối tới Bắc Kinh vì sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong khu vực này. Được biết, cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với chuỗi đảo không người nêu trên, nhưng Nhật Bản đã quản lý chúng từ năm 1972.
Căng thẳng trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.900 km về phía Tây Nam, đã kéo dài suốt nhiều năm. Và với các tuyên bố chủ quyền có từ hàng trăm năm về trước, cả Nhật Bản và Trung Quốc khó có thể nhượng bộ dù chỉ một li.
Vị trí quần đảo SenkakuĐiếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp (Ảnh: CNN)
|
Tuy nhiên, căng thẳng xung quanh chuỗi đảo nào đã tăng nhiệt trong tháng trước, sau khi Hội đồng thành phố Okinawa thông qua một dự luật thay đổi hiện trạng quản lý của nhóm đảo này. Cuộc bỏ phiếu, trong đó cho rằng Senkaku/Điếu Ngư là "một phần lãnh thổ của Nhật Bản", đã lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Bắc Kinh.
Trong hôm đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa khẳng định về quyền cố hữu của Trung Quốc được tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo này, đồng thời Bắc Kinh hối thúc Tokyo ngừng xâm phạm chủ quyền của họ.
Các tàu của phía Trung Quốc giờ đã đã lưu lại 84 ngày trên vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư; theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, và đã có một số hành động gây quan ngại.
Máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản bay ngang qua Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: CNN)
|
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho hay, đã xảy ra 2 vụ việc liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của họ - trong đó vụ đầu tiên, tàu Trung Quốc lưu lại vùng biển của họ trong 30 giờ, và vụ thứ hai là 40 giờ đồng hồ. Đây là thời lượng lớn nhất mà tàu Trung Quốc lưu lại vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Việc tàu của hai nước di chuyển sát nhau tạo nên rủi ro va chạm rất lớn, mà một khi thực sự xảy ra có thể làm tăng đột biến căng thẳng giữa hai bên, thậm chí gây ra một cuộc đối đầu quân sự.
Viễn cảnh đối đầu như vậy đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trong khu vực. Theo một thỏa thuận phòng thủ chung ký kết với Tokyo, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ nhóm đảo này như một phần lãnh thổ của Nhật Bản.
Mối quan hệ quốc phòng đang được thắt chặt giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng càng khiến căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh thêm phần nóng bỏng.
Tháng trước, Lực lượng phòng vệ hàng hải của Nhật Bản (JMSF) đã cử nhiều chiến hạm tới tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Ấn Độ trên biển Ấn Độ Dương.
Trong một cuộc họp báo tổ chức trong tháng trước, khi được hỏi rằng liệu có mối liên hệ nào giữa việc Trung Quốc tăng hoạt động tại quần đảo tranh chấp và cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn ở Himalaya hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói rằng toàn khu vực cần phải nỗ lực hơn trong việc đánh giá về những ý đồ của Trung Quốc.
"Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trang ở biên giới với Ấn Độ, ở Hong Kong, ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Bởi vậy rất dễ nhìn ra sự liên kết giữa các vấn đề này" - ông Kono nói về việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự trong thời gian qua.