Ăn nhiều loại thực phẩm
Các loại hoa quả tươi quen thuộc có lợi cho sức khỏe cơ thể. Ảnh: WHO
|
Cơ thể của chúng ta cực kỳ phức tạp, không một loại thực phẩm nào có chứa tất cả các chất dinh dưỡng để cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, chế độ ăn uống phải đa dạng là tiêu chí hàng đầu trong những mẹo ăn uống lành mạnh.
Có nhiều loại thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu này. Theo các chuyên gia, bạn hãy ăn hỗn hợp các loại thực phẩm, ví dụ: lúa mì, ngô, gạo và khoai tây với các loại đậu. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều trái cây tươi, rau và thực phẩm từ các nguồn động vật như thịt, cá, trứng và sữa.
Hãy chọn các thực phẩm nguyên hạt gồm ngô chưa qua chế biến, kê, yến mạch, lúa mì và gạo nâu vì chúng rất giàu chất xơ, có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Đối với đồ ăn nhẹ, hãy chọn rau sống, các loại hạt không ướp muối và trái cây tươi thay cho các loại thực phẩm có nhiều đường, chất béo hoặc muối.
Giảm ăn muối
Giảm lượng muối sử dụng trong bữa ăn giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Ảnh WHO
|
Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người thường sử dụng quá nhiều muối, tiêu thụ gấp đôi lượng muối mà WHO khuyến nghị và sử dụng các thức ăn chế biến sẵn - nhóm thực phẩm có lượng lớn natri, muối.
Nếu bạn muốn cắt giảm muối trong bữa ăn, hãy bỏ thói quen nêm nhiều muối và giảm sử dụng nước sốt mặn, gia vị gồm nước tương, nước mắm… trong khi chế biến thức ăn. Tập thói quen không sử dụng đồ ăn nhẹ có nhiều muối, hãy thử và chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn để thay thế.
Khi sử dụng rau, quả và trái cây đóng hộp, hãy chọn các loại không có thêm muối và đường. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra nhãn trên thực phẩm và tìm sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn.
Giảm sử dụng một số chất béo và dầu
Thực phẩm chiên, rán có chứa chất béo gây hại cho cơ thể. Ảnh WHO
|
Tất cả chúng ta đều cần một chút chất béo trong chế độ ăn kiêng, nhưng ăn quá nhiều - đặc biệt là các loại chất béo có hại – sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và đột quỵ. Trong đó, chất béo được sản xuất công nghiệp là nguy hiểm nhất cho sức khỏe. Chế độ ăn nhiều chất béo loại này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên gần 30%.
Vì vậy, trong 5 mẹo ăn uống để khỏe mạnh hơn cho năm mới, các chuyên gia khuyến cáo mọi người thay thế bơ, mỡ lợn bằng các loại dầu tốt cho sức khỏe như đậu nành, ngô, nghệ tây và hướng dưỡng; chọn thịt trắng, ví dụ thịt gia cầm và cá vì chúng có ít chất béo hơn thịt đỏ.
Hãy thử ăn các món hấp hoặc luộc thay vì thức ăn chiên, rán; kiểm tra nhãn thực phẩm và luôn tránh tất cả các thực phẩm chế biến nhanh, có chứa chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp.
Hạn chế ăn đường
Thức ăn chứa nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Ảnh: WHO
|
Quá nhiều đường không chỉ có hại cho răng mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bệnh mãn tính.
Tương tự với muối, bạn cần lưu ý về lượng đường có trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn. Ví dụ, một lon soda có thể chứa tới 10 thìa cà phê đường, không tốt cho sức khỏe.
Các mẹo ăn uống do WHO gợi ý bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt và đồ uống có đường như nước ngọt có ga, nước ép trái cây, nước có hương vị, nước uống cung cấp năng lượng cho hoạt động thể thao, trà và cà phê pha sẵn... Hãy chọn đồ ăn nhẹ tươi lành mạnh. Đặc biệt, mọi người nên tránh cho trẻ ăn thức ăn có đường, không nên thêm muối và đường vào thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 2 tuổi.
Tránh sử dụng rượu
Người dân sử dụng các loại đồ uống có cồn là đang tự tàn phá sức khỏe của mình. Ảnh: WHO.
|
Rượu chưa bao giờ là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, mặc dù trong nhiều nền văn hóa, lễ mừng năm mới đều có rượu. Việc uống rượu quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương cơ thể, gây ra các bệnh lâu dài vi dụ tổn thương gan, ung thư, bệnh tim và bệnh tâm thần.
WHO từng khuyến cáo về việc không có mức tiêu thụ rượu nào là an toàn, đối với nhiều người, ngay cả mức độ sử dụng rượu thấp vẫn có thể liên quan đến các rủi ro sức khỏe đáng kể.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết, thai phụ hoặc mẹ đang cho con bú không nên uống rượu. Những người lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến rủi ro liên quan cũng không nên uống rượu bởi chất cồn có thể làm cho các vấn đề sức khỏe này trở nên tồi tệ hơn.
(Theo WHO)