Trong nền kinh tế số, tầm quan trọng của các nhà lãnh đạo đối với sự thành công trong kinh doanh vẫn là điều tối quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sự thay đổi nhân khẩu học, thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa kinh tế, những kỳ vọng mà các tổ chức dành cho các nhà lãnh đạo và quản lý của họ cũng đã thay đổi.
Kỷ nguyên số - đồng đều cả cơ hội và thách thức
Việc hiểu được sự phát triển của năng lực lãnh đạo và quản lý là rất quan trọng để các tổ chức luôn dẫn đầu so với đối thủ cạnh tranh. Sự bền bỉ, tính chính trực và niềm đam mê vẫn là những nhân tố cần có của một nhà lãnh đạo giỏi. Tuy nhiên, kỷ nguyên số ngày nay cũng đòi hỏi những năng lực lãnh đạo và quản lý mới để đảm bảo sự phát triển bền vững cho tổ chức. Các công nghệ đột phá mang đến nhiều cơ hội và thách thức mới cho các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp.
Một số cơ hội và thách thức bao gồm:
- Làm thế nào các tổ chức có thể áp dụng các công cụ truyền thông xã hội để thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả các bộ phận?
- Làn sóng thế hệ trẻ am hiểu công nghệ ở nơi làm việc ảnh hưởng đến tổ chức như thế nào?
- Làm thế nào để các nhà lãnh đạo thích ứng với sự trỗi dậy của nền kinh tế theo yêu cầu (Uber, Airbnb, Grab, v.v.)?
- Làm thế nào để các nhà lãnh đạo có thể tạo ra một nơi làm việc không có hành vi quấy rối và phân biệt đối xử cho các nhân viên từ các nền văn hóa và hoàn cảnh khác nhau?
- Làm thế nào để các nhóm chức năng chéo có thể được tạo ra và duy trì để thúc đẩy sự đổi mới?
3 khía cạnh cần có của nhà lãnh đạo và quản lý cần có trong thời đại mới
Tác động của kỷ nguyên số đối với lãnh đạo và quản lý là rất sâu sắc. Một mặt, các nhà lãnh đạo và quản lý phải trở thành "nhà vô địch" về công nghệ. Họ phải có khả năng bắt kịp các xu hướng công nghệ mới.
Các nhà lãnh đạo và quản lý số không cần phải là chuyên gia về dữ liệu lớn (Big Data) hoặc điện toán đám mây nhưng họ phải hiểu tác động của các công nghệ đó đối với cách họ thực hiện chiến lược cho tổ chức của mình. Họ phải chủ động và có hệ thống quét đường chân trời (Horizon scanning) - phát hiện và đánh giá sớm các công nghệ mới nổi hoặc các mối đe dọa, để xác định các công nghệ mới nổi và các tác động tiềm tàng của chúng.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo và quản lý số cũng cần phải nâng cao khả năng chuẩn bị, sẵn sàng đưa ra những chiến lược đối phó cho sự gián đoạn của tổ chức. Trong một thế giới kiến thức và thông tin ngày càng tăng theo cấp số nhân, các nhà lãnh đạo và quản lý cần có khả năng thúc đẩy học tập, kiến thức tại nơi làm việc. Họ nên biết cách tiếp nhận những kiến thức mà họ và nhân viên của họ còn thiếu.
Một khía cạnh khác ngoài việc trở thành "nhà vô địch" về công nghệ là nuôi dưỡng sự đổi mới. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu tổ chức. Ngày càng có nhiều tổ chức rời bỏ cơ chế quan liêu truyền thống và phá bỏ các rào cản giữa các bộ phận để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thông tin và ý tưởng thông suốt, có sự kết nối cao.
Các nhóm chức năng chéo cho phép “giao tiếp nhanh hơn, giúp đưa ra quyết định nhanh, liền mạch hơn”. Bằng cách giảm thiểu các silo (trạng thái tâm lý khi một số bộ phận không muốn hợp tác và chia sẻ thông tin với những người khác trong cùng một công ty) của các bộ phận, tổ chức có thể cởi mở, tương tác với nhau nhằm tạo ra hiệu suất công việc tốt nhất.
Trong một cuộc khảo sát với 7.000 giám đốc điều hành từ 130 quốc gia của Deloitte, 89% số người được hỏi cho biết việc thiết kế tổ chức thông qua các nhóm là ưu tiên số một của họ để giải quyết những thách thức kinh doanh phức tạp. Nhìn chung, để có thể tồn tại và phát triển cùng với các công nghệ đột phá, doanh nghiệp và tổ chức cần các nhà lãnh đạo và quản lý có cả 3 đặc điểm quan trọng nêu trên.
Theo TRG International
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu