Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu như một bàn đạp thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện các hoạt động chuyển đổi số. Điều này chủ yếu là do nhu cầu làm việc từ xa đã tăng chóng mặt suốt 2 năm qua. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các công nghệ cần thiết, song song với đó là liên tục nâng cấp các biện pháp an ninh mạng. Nhu cầu xử lý và thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT trong khi đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật cũng trở thành xu hướng trong những năm gần đây.
Trong khi đó, việc mở rộng mạng 5G sẽ mang đến sự kết hợp của Internet of Things với AI để tạo thành “AIoT”. Sự bùng nổ dữ liệu này sẽ được sử dụng để doanh nghiệp dự đoán hành vi khách hàng, giúp các doanh nghiệp hiểu cách khách hàng đang thích ứng với những sản phẩm, dịch vụ của họ trong thời kỳ đại dịch.
Công nghệ AI đã tăng tốc nhanh chóng trước đại dịch, vì nó cho phép giải quyết các vấn đề toàn cầu và thị trường nhanh hơn, tốt hơn và ở quy mô lớn. Theo GVR, quy mô thị trường AI toàn cầu được định giá là 39,9 tỉ USD vào năm 2019. Từ năm 2020 đến năm 2027, công ty dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 42,2%.
Các tổ chức sẽ cần tạo ra khả năng truy cập thông tin tốt hơn, tăng cường thông tin, phản hồi nhanh chóng với tác động của những thông tin thu thâp được. Điều này giúp công nghệ điện toán đám mây thông minh hơn, hệ thống quản lý dữ liệu thông minh hơn và thúc đẩy tự động hóa bất kỳ tác vụ nào có thể tự động hóa.
Do đó, năm 2021 sẽ chứng kiến các công ty dựa nhiều hơn vào AI để tự động hóa và tăng cường các quy trình kinh doanh cốt lõi của họ. Các chuyên gia AI của Wipro dự đoán các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tăng đầu tư vào AI, do đó tạo ra nhu cầu phát triển quy trình kỹ thuật AI có kỷ luật, tối ưu hiệu quả. Từ đó, nhóm chuyên viên nghiên cứ về AI của Wipro đã dự đoán 9 xu hướng kỹ thuật số và AI sẽ phát triển trong tương lai.
1. Quản lý dữ liệu thông minh và chi tiết hơn
Khả năng tự động tổ chức và quản lý dữ liệu sẽ cho các mục đích giao dịch và phân tích của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực tài chính, Blockchain và AI sẽ liên kết để hỗ trợ khả năng kiểm tra và sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp.
2. Phân tích dữ liệu thông minh hơn
Các công cụ được hỗ trợ bởi AI có thể cung cấp các dự báo với độ chính xác cao và cho phép cập nhật theo thời gian thực cho các nhà phân tích dữ liệu. Vào năm 2021, nhiều công ty sẽ áp dụng công nghệ mạng nơ-ron thần kinh (Neural Networks) để thu được thông tin, dự báo với độ chính xác cao và các giải pháp Học sâu (Deep Learning) sẽ được sử dụng để có được các dự báo thực tế. Những phân tích như vậy sẽ giúp phát hiện các trường hợp xấu có thể xảy ra, trong khi AI có thể giúp các nhà tiếp thị dự đoán những hoạt động nên làm trong thời điểm tiếp theo.
3. An ninh mạng
Theo Forbes, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2020 đã có 238% các cuộc tấn công vào các ngân hàng, tăng tới 600% các cuộc tấn công vào các máy chủ đám mây. Các hệ thống được hỗ trợ bởi AI sẽ ngày càng phát hiện ra các hoạt động hoặc giao dịch số giả mạo, đáng ngờ trên nền tảng của doanh nghiệp.
4. Sự tham gia của IoT với AI (AIoT)
Internet of Things sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng: Transforma Insights dự báo rằng thị trường IoT toàn cầu sẽ phát triển lên 24,1 tỉ thiết bị vào năm 2030, tạo ra doanh thu 1,5 nghìn tỉ USD. AI sẽ kết hợp với IoT để sản xuất các công nghệ mới với tiềm năng cung cấp thông tin thời gian thực trong phần mềm và các chương trình CRM cũng như vô số ứng dụng cho các tòa nhà thông minh, thành phố thông minh, doanh nghiệp bán lẻ...
5. Thu thập dữ liệu hành vi
Sự bùng nổ của công nghệ mới cũng có thể dự đoán được sự chuyển đổi hành vi từ người dùng. Công nghệ này giúp doanh nghiệp hiểu được khách hàng của họ đang thích ứng với sản phẩm, đại dịch như thế nào. Việc thu thập và sử dụng dữ liệu hành vi - Internet of Behavior (IoB) - sẽ ảnh hưởng đến cách các tổ chức tương tác với người dùng để thay đổi hành vi của họ. Ví dụ, các phương tiện thương mại có thể sử dụng viễn thông để giám sát hành vi lái xe nhằm cải thiện hiệu suất, định tuyến và an toàn của người lái xe.
6. AIOps
AIOps cho phép các hoạt động CNTT cải thiện quy trình, nhiệm vụ chính và ra quyết định thông qua các phân tích theo khối lượng và danh mục dữ liệu theo cách của doanh nghiệp. Trong tương lai, nhiều giải pháp AI hơn có thể tự phát hiện và khắc phục các sự cố CNTT phổ biến, có thể chủ động tự khắc phục một số trục trặc nhất định để giảm thời gian ngừng hoạt động của hệ thống và ứng dụng.
7. Tự động hóa
Việc tăng tốc kinh doanh kỹ thuật số đòi hỏi hiệu quả, tốc độ và khả năng quản lý. Gartner dự đoán rằng chúng ta sẽ nhận được nhiều sáng kiến tự động hóa thông minh hơn để tăng năng suất, cắt giảm chi phí, cải thiện độ chính xác và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), thị giác máy và NLP là những công cụ quan trọng sẽ được áp dụng cho nhiều ứng dụng và quy trình khác nhau.
8. Áp dụng những chiến lược hiệu quả
Theo Gartner, chỉ có khoảng 53% các dự án AI được áp dụng thành công trên các doanh nghiệp. Trong tương lai, các doanh nghiệp và tổ chức sẽ áp dụng các chiến lược AI hiệu quả hơn để cải thiện hiệu suất, khả năng mở rộng và độ tin cậy của các mô hình AI và mang lại toàn bộ giá trị của công nghệ tương lai này.
9) Công nghệ điện toán đám mây thông minh hơn
Các công ty sẽ cần phải giải quyết những thách thức của tăng trưởng dữ liệu đồng thời chủ động trong các vấn đề như quyền riêng tư, bảo mật cho người dùng. Các giải pháp khả thi bao gồm:
Kiến trúc dữ liệu đám mây kết hợp (Hybrid Cloud): Theo Forrester, thị trường cơ sở hạ tầng đám mây công cộng (Public Cloud) trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 35% vào năm 2021, lên tới 120 tỉ USD, với chi tiêu cho các dịch vụ cơ sở hạ tầng của hệ thống đám mây (IaaS) dự kiến tăng 26,9%, lên 65,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, trong vài năm tới sẽ chứng kiến xu hướng các kiến trúc dữ liệu đám mây kết hợp (Hybrid Cloud) - kết hợp giữa đám mây riêng tư (Private Cloud), đám mây công cộng (Public Cloud) và cơ sở hạ tầng tại chỗ - trở nên dẫn đầu thị trường. Các công nghệ điện toán phân tán như Kubernetes đã làm cho cơ sở hạ tầng đám mây kết hợp dễ quản lý hơn và hoạt động nhanh nhẹn hơn.
Nhìn chung cấu trúc đám mây kết hợp cho phép doanh nghiệp có thể dễ dàng di chuyển, điều phối và tích hợp quản lý khối lượng công việc trên các môi trường khác nhau. Nó cũng cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều tùy chọn triển khai dữ liệu hơn và tính linh hoạt cao hơn bằng cách cho phép di chuyển khối lượng công việc giữa các đám mây công cộng và riêng tư khi chi phí và nhu cầu tính toán thay đổi.
Điện toán biên (Edge Computing): Điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và các thiết bị hỗ trợ IoT truyền một lượng lớn dữ liệu. Xử lý và thu thập dữ liệu này là một thủ tục phức tạp đòi hỏi tất cả thông tin phải được chia sẻ với các thiết bị điện toán đám mây. Điều này càng trở nên khó khăn hơn nếu không có kết nối internet. Một giải pháp là điện toán biên giúp cải thiện đáng kể thời gian phản hồi và tiết kiệm băng thông. Điều này cung cấp khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực và hiệu quả hơn các dịch vụ điện toán đám mây thông thường. Nó cũng chi phí ít hơn và tiết kiệm thời gian hơn.
Bảo mật: Dữ liệu có thể di chuyển giữa các nút phân tán khác nhau được kết nối qua internet, có khả năng yêu cầu các cơ chế mã hóa đặc biệt độc lập với đám mây để đảm bảo quyền riêng tư và tính toán bí mật. Trong tương lai các công ty sẽ chuyển sang mã hóa toàn bộ quy trình tính toán, không chỉ dữ liệu mà còn tạo ra các lớp bảo mật bổ sung xung quanh các thông tin quan trọng.
COVID-19 đã tăng tốc những hoạt động chuyển đổi số trên toàn thế giới, thúc đẩy AI kết hợp với các công nghệ hiện có như quản lý dữ liệu, an ninh mạng, phân tích, IoT, tự động hóa và hoạt động CNTT. Trong mỗi trường hợp, các công nghệ này đều đem lại những lợi ích về quy mô, tốc độ, năng suất và chi phí.
Trung tâm của quá trình tăng tốc AI này là sự bùng nổ dữ liệu, không chỉ từ các tòa nhà văn phòng và máy tính của công ty, mà còn từ hàng tỷ thiết bị hỗ trợ internet. Những thay đổi về công nghệ của năm 2021 sẽ xoay quanh việc thu thập, tổng hợp và quản lý khối lượng dữ liệu mới và khổng lồ này, sử dụng dữ liệu này trong thời gian thực để tạo ra thông tin chi tiết và đưa ra các dự đoán chính xác sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt hơn.
Theo Wipro Digital
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu