Từ ngày 1/7, Nghị quyết số 73/202/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Người dân sẽ được quyền đấu giá để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều người hiểu sai về quy trình của hoạt động này.
Hiểu lầm 1: Cứ tham gia đấu giá là mất tiền cọc
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 39/2023 quy định điều kiện đăng ký tham gia đấu giá là những người tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này và nộp tiền đặt trước (đặt cọc) cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 73/2022/QH15.
Theo đó, người tham gia đấu giá phải nộp 100.000 đồng tiền hồ sơ và tiền đặt trước là 40 triệu đồng vào tài khoản của tổ chức đấu giá tài sản. Sau đó, người tham gia đấu giá sẽ được cấp mã số tham gia đấu giá, thông tin về cuộc đấu giá của biển số ô tô mà mình đã lựa chọn.
Đối với những người đấu giá thành công, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá nộp khoản tiền đã đấu giá sau khi trừ đi tiền đặt cọc trước (40.000.000 VNĐ/ 01 biển số xe ô tô) vào tài khoản của Cục Cảnh sát giao thông theo thông báo. (Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký).
Trong khi đó, đối với những người đấu giá không thành công, không vi phạm quy chế đấu giá được hoàn trả tiền đặt trước (40.000.000 VNĐ) trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá. Người tham gia đấu giá chỉ cần vào phòng giao dịch đã được tính là hợp lệ và họ không nhất thiết phải ra giá trong suốt phiên đấu giá mới được hoàn lại khoản tiền đã đặt cọc trước đó. Được biết, số tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại đúng số tài khoản đã đăng ký tham gia đấu giá. Theo đó, cá nhân đăng ký tham gia phiên đấu giá sẽ phải dùng số tài khoản chính chủ, công ty cũng sẽ phải dùng số tài khoản của công ty để tránh các trường hợp tranh chấp sau này
Hiểu lầm 2: Có thể chuyển nhượng biển số đấu giá nhiều lần, cho nhiều người
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định đây là tài sản mặc dù người dùng phải sử dụng tiền để mua được biển số này.
Tuy nhiên, quy định tại điểm c, khoản 2, điều 6 nghị quyết số 73 của Quốc hội quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô thì biển số này "không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá".
Đồng thời, khoản 3, điều 28 thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về việc chuyển quyền sở hữu đối với xe gắn biển số trúng đấu giá như sau:
Tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu, biển số xe trúng đấu giá sẽ được coi là di sản thừa kế của người sở hữu kèm theo xe chứ riêng biển số thì không được thừa kế. Ngoài ra, biển số kèm theo xe chỉ được sang tên một lần chứ không được sang tên đến lần thứ hai. Theo đó, người được thừa kế xe đi kèm biển số trúng đấu giá sẽ được coi biển số này là biển số định danh của họ.
Hiểu lầm 3: Trúng đấu giá là được sở hữu ngay biển đẹp
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe, nếu không Bộ Công an sẽ gửi thông báo cho người trúng đấu giá theo địa chỉ đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký đấu giá. Trong trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người trúng đấu giá có thể gia hạn thời gian đăng ký biển số xe thêm 6 tháng. Nếu quá thời hạn trên vẫn chưa đăng ký xe, thì biển số này sẽ được chuyển vào hệ thống quản lý, đăng ký xe và người trúng đấu giá sẽ không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp trước đó.
Lưu ý, khi đăng ký tài khoản đấu giá phải cung cấp đầy đủ thông tin hợp pháp của cá nhân người đấu giá trùng với hồ sơ xe để tránh những tranh chấp không đáng có.