27 trong 31 tỉnh Trung Quốc bị lũ lụt, gần 34 triệu người gánh họa, dấy lên lo ngại về đập Tam Hiệp

VietTimes – Theo trang web chính thức của Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc, tính đến 14h00 ngày 10/7,  nhiều tỉnh ở miền nam Trung Quốc đang phải chịu thảm họa do lũ lụt tàn phá.
Mưa lũ liên miên khiến dư luận dấy lên nỗi lo ngại về an toàn của đập Tam Hiệp (Ảnh: Đa Chiều).
Mưa lũ liên miên khiến dư luận dấy lên nỗi lo ngại về an toàn của đập Tam Hiệp (Ảnh: Đa Chiều).

Lũ lụt đang hoành hành tàn phá tại 27/31 tỉnh, thành phố và khu tự trị Trung Quốc như Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên và Quý Châu..., khiến 33,85 triệu người bị ảnh hưởng, 141 người chết và mất tích.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, do nguy cơ lũ lụt, 1 triệu 956 ngàn người phải di dời và tái định cư khẩn cấp, 815.000 người phải cứu trợ khẩn cấp, 23.000 ngôi nhà bị sập và 269.000 căn bị hư hại ở các mức độ khác nhau, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 2 triệu 983 nghìn ha, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 69,59 tỷ Nhân dân tệ.

Ngày 7/7, nước lũ nhấn chìm huyện Liễm, An Huy (Ảnh: VCG).
Ngày 7/7, nước lũ nhấn chìm huyện Liễm, An Huy (Ảnh: VCG).

Tuy nhiên, các báo cáo chính thức của chính quyền nhấn mạnh rằng so với mức trung bình của cùng kỳ trong 5 năm qua, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt giảm 17%, số người chết và mất tích do thiên tai giảm 50%, số lượng nhà bị sập giảm 75% và thiệt hại kinh tế trực tiếp giảm 23%.

Nhà phân tích khí tượng Trương Quyên của trang web Khí tượng quốc gia cho biết mùa mưa năm nay không chỉ "dữ dội" mà cả khu vực đã bước vào mùa mưa sớm hơn 6 đến 11 ngày so với bình thường các năm. Vào ngày 1/6, khu vực Giang Nam lần đầu tiên bước vào mùa mưa, vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử đã vào mùa mưa cùng lúc vào ngày 9/6. Mùa mưa của vùng Giang Hoài bắt đầu vào ngày 10/6.

Nước lũ dâng ngập các ngôi nhà ven sông Kỳ, Trùng Khánh ngày 22/6 (Ảnh: VCG).
Nước lũ dâng ngập các ngôi nhà ven sông Kỳ, Trùng Khánh ngày 22/6 (Ảnh: VCG).

Các chuyên gia khí tượng nhắc nhở rằng kể từ tháng 7 đến nay, vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử đã liên tục bị mưa lớn. Vành đai mưa chính đã duy trì ở khu vực này trong suốt nửa đầu tháng 7; lượng mưa nhiều hơn so với cùng kỳ các năm trước, đất đai gần như bão hòa nước. Nhiều con sông mực nước đã vượt mức báo động, lở đất và lũ quét xảy ra thường xuyên.

Ngoài ra, theo dự báo của ngành thủy lợi Trung Quốc, mực nước ở trung, hạ lưu sông Dương Tử và hồ Động Đình, hồ Phàn Dương và Thái Hồ sẽ tiếp tục dâng cao, trong khi mức các sông, hồ ở Hồ Bắc, An Huy và Giang Tô sẽ vẫn duy trì mực nước cao, áp lực phòng lũ lụt vẫn rất lớn.

Trong số đó, Cục quản lý khẩn cấp tỉnh Hồ Bắc báo cáo rằng mưa lớn từ ngày 4/7 đã khiến 62.390.900 người ở 56 huyện (châu và thị) thuộc 12 thành phố (quận và thị) trong tỉnh bị ảnh hưởng và 15 người thiệt mạng. Hồ Bắc đã phải di dời tái định cư khẩn cấp 231.500 người, cứu trợ khẩn cấp 394.200 người, 3.450 ngôi nhà bị sập, 5.639 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, thiệt hại kinh tế trực tiếp 12,532 tỷ Nhân dân tệ.

Lũ quét tàn phá huyện Miện Ninh, Tứ Xuyên ngày 28/6. (Ảnh: VCG).
Lũ quét tàn phá huyện Miện Ninh, Tứ Xuyên ngày 28/6. (Ảnh: VCG).

Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, kể từ tháng 6 đến nay, sông Dương Tử, lưu vực Thái Hồ và các khu vực phía nam khác tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn. Sông Dương Tử và mực nước của  các hồ như  Động Đình, hồ Phàn Dương, lưu vực Thái Hồ và các mạng lưới sông xung quanh đã tiếp tục dâng cao. Một số sông nhỏ, hồ chứa nước vừa và nhỏ liên tiếp lâm vào tình trạng nguy cấp.

Theo dự báo của Cục Khí tượng Trung Quốc, sau ngày 13/7, vành đai mưa có thể tiếp tục bị đẩy xuống phía nam một lần nữa cho đến trung và hạ lưu sông Dương Tử và tình hình phòng chống lũ lụt là rất nghiêm trọng.

Theo trang tin Đa Chiều, với sự xuất hiện liên tục của các tin tức về lũ lụt ở miền nam Trung Quốc, các luận thuyết cho rằng đập Tam Hiệp bị biến dạng hoặc thậm chí bị vỡ lại đang nổi lên.

Huyện Phàn Dương, tỉnh Giang Tây ngày 11/7 chìm trong nước lũ (Ảnh: Đông Phương).
Huyện Phàn Dương, tỉnh Giang Tây ngày 11/7 chìm trong nước lũ (Ảnh: Đông Phương).

Vào ngày 21/6/2020, kênh Tài chính của đài CCTV đã đưa tin: mực nước ở khu vực hồ chứa Tam Hiệp tiếp tục dâng cao do lượng mưa lớn gần đây. Hiện mực nước trong khu vực hồ chứa hiện đã ở mức gần 147 mét, cao hơn gần 2 mét so với giới hạn kiểm soát lũ”. 10 ngày trước đó, Văn phòng thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc vừa thông báo rằng hai hồ chứa nhỏ ở Quảng Đông và Quảng Tây đã bị vỡ đập trong trận lụt hồi tháng 6. Vì vậy, sự an toàn của Đập Tam Hiệp một lần nữa trở thành vấn đề được chú trọng.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 11/7, một số cơ quan truyền thông Đài Loan, những người luôn quan tâm đến những tin tức tiêu cực ở Trung Quốc đại lục đã ngay lập tức  vào cuộc. Vào ngày 22 tháng 6, người dẫn chương trình Tài chính của Đài Loan Huang Shicong đã phân tích điều này trong chuyên mục "Khoảnh khắc quan trọng" của Dongsen News Channel nói rằng, nếu đập Tam Hiệp vỡ, lũ lụt có thể hủy diệt thành phố Nghi Xương trong vài giờ, phá hủy các thành phố dọc theo trug và hạ lưu sông Dương Tử bao gồm Vũ Hán và Nam Kinh chỉ trong một ngày, sau đó nhấn chìm Thượng Hải.