Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 10/7, các quan chức Tân Cương bị Mỹ trừng phạt gồm các ông Trần Toàn Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương; Chu Hải Luân, Nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Khu tự trị; Vương Minh Sơn, Phó Chủ tịch Khu tự trị, Bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Sở Công an Khu tự trị và Hoắc Lưu Quân, Cựu Bí thư đảng ủy, cựu Giám đốc Sở Công an Tân Cương. Thực thể là Sở Công an Tân Cương.
Biện pháp trừng phạt bao gồm các cá nhân và thực thể này bị đóng băng tài sản ở Mỹ; ngoài ra, ba ông Trần Toàn Quốc, Chu Hải Luân và Vương Minh Sơn cùng người thân trong gia đình của họ cũng bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh.
Việc áp dụng lệnh trừng phạt chỉ vài tuần sau khi Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật cho thấy chính quyền Mỹ đang hành động với tốc độ rất nhanh. (Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc dựa theo Đạo luật Magnitsky - Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Ông Trần Toàn Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Khu ủy Tân Cương là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị Mỹ trừng phạt trong lịch sử (Ảnh: AP).
|
Một quan chức Mỹ nói với truyền thông, ông Trần Toàn Quốc là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị Mỹ trừng phạt trong lịch sử và nhấn mạnh việc trừng phạt này không phải là trò đùa. Ông này nói: “Việc họ bị trừng phạt dẫn tới ảnh hưởng mang tính tượng trưng về danh dự và cũng ảnh hưởng đến việc đi lại và hoạt động kinh doanh của họ trên toàn cầu”.
Phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt về quyết định của Mỹ. Trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 9/7, giờ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên đã trả lời câu hỏi về vụ việc nói trên. Ông Kiên nói rằng các hành động trên của Hoa Kỳ đã can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ điều này. Ông nói: "Trước các hành động sai trái của Mỹ, Trung Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp tương đương đối với các tổ chức và cá nhân liên quan của Mỹ, những người đã có biểu hiện xấu xa trong vấn đề liên quan đến Tân Cương”.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, quyết tâm chống lại các thế lực khủng bố, ly khai và tôn giáo cực đoan và kiên định quyết tâm chống lại mọi thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Văn phòng kiểm soát tài sản ở nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã cùng Bộ Ngoại giao đưa ra quyết đinh trừng phạt khiến Trung Quốc phản ứng quyết liệt (Ảnh: Guanghua).
|
Ông Triệu Lập Kiên một lần nữa kêu gọi phía Mỹ ngay lập tức thu hồi quyết định sai lầm và chấm dứt mọi lời nói và hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. "Nếu phía Mỹ khăng khăng hành động một cách thô bạo, Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên quyết chống trả”, ông tuyên bố.
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 10/7 nhận xét, vào lúc quan hệ Trung - Mỹ lâm vào tình trạng thấp kỉ lục trong năm 2020, chính quyền Washington đã chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19. Hai bên cũng thỉnh thoảng đụng độ nhau xug quanh những vấn đề ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và Biển Đông.
Khi Trung Quốc và Mỹ không ngừng mở rộng việc đối đầu, chính phủ Donald Trump bất ngờ tuyên bố vào ngày 9/7 rằng họ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc và Sở Công an Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, gây nên sự chú ý trong cộng đồng quốc tế.
Hãng Reuters của Anh cho rằng đây là lần trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc cho đến nay, đánh dấu sự leo thang mới của cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tờ
Financial Times của Anh cũng cho rằng lệnh trừng phạt lần này đánh dấu sự nâng cấp mới nhất của chính phủ Donald Trump nhằm trừng phạt Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và việc Quốc gần đây thực hiện Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp hạn chế khác nhau đối với Trung Quốc, phía Trung Quốc đều trả đũa và có biện pháp đáp trả với các quan chức hoặc tổ chức của Hoa Kỳ.
Ông Triệu Lập Kiên: "Nếu phía Mỹ khăng khăng hành động một cách thô bạo, Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên quyết chống trả” (Ảnh: Đông Phương).
|
Qua nghiên cứu cho thấy sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố thực thi “Luật tiếp cận đối đẳng với Tây Tạng” (The Reciprocal Access to Tibet Act) vào ngày 7/7, ông nói sẽ hạn chế thị thực đối với chính phủ Trung Quốc và các quan chức liên quan. Vào ngày 8/7, Trung Quốc đã quyết định áp đặt các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Mỹ có liên quan đến Tây Tạng.
Do Mỹ coi một số cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là "cơ quan ngoại giao", tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cũng tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp trừng phạt tương đương với bốn cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Ngoài ra, trước khi Trung Quốc thông qua và ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc làm suy giảm quyền tự trị của Hồng Kông. Bắc Kinh sau đó tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Mỹ, những người "có biểu hiện cực kỳ xấu xa" đối với vấn đề Hồng Kông. Đây được coi là cuộc phản công đối đẳng nhanh nhất và trực tiếp nhất của Bắc Kinh. Tuy nhiên cho đến nay cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa công bố danh sách các cá nhân và thực thể bị hạn chế thị thực.